Nhiều năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã lan tỏa sâu rộng trên địa bàn tỉnh, không ngừng nâng cao về chất lượng. Qua đó, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy phát triển KT-XH, tăng thêm hộ khá, giàu, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho nông dân.


Ông Đỗ Văn Chiến, xóm Bu Chằm, xã Thịnh Minh(TP Hòa Bình) là "Nông dân Việt Nam xuất sắc”, giới thiệu sản phẩm miến dong Chiến Thọ.

Đến xóm Bu Chằm, xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cơ ngơi khang trang và mô hình kinh tế cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm của Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 - ông Đỗ Văn Chiến. Từ tinh thần dám nghĩ, dám làm và quyết tâm làm giàu, ông đã nỗ lực vượt khó vươn lên, qua đó hỗ trợ, giúp đỡ, truyền cảm hứng cho nhiều hộ hội viên nông dân (HVND) có ý chí thoát nghèo, làm giàu. 

Nói về cơ duyên khi khởi nghiệp, ông Chiến chia sẻ: Là HVND của xóm, xã, tôi luôn trăn trở tìm hướng đi mới cho cây sắn, cây dong riềng trồng tại địa phương. Sau thời gian đi học hỏi, tìm tòi, tôi về bàn bạc với gia đình, mạnh dạn đầu tư máy chế biến tinh bột sắn, dong riềng và sản xuất miến. Nắm chắc kỹ thuật nhờ được các cấp Hội Nông dân (HND) đồng hành, hỗ trợ, mô hình triển khai khá thuận lợi. Từ nguồn nguyên liệu tại chỗ và hệ thống máy móc hiện đại, mỗi năm cơ sở chế biến được 2.000 tấn củ tươi, đưa ra thị trường 110 tấn miến dong, sản phẩm được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Năm 2019, sản phẩm miến dong Chiến Thọ được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Chưa dừng lại ở đó, ông Chiến còn là hội viên tiêu biểu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Trên diện tích đất sản xuất 11ha, cây trồng kém hiệu quả đã được ông thay thế bằng cây ăn quả có giá trị cao như mít Thái, bưởi Diễn, bưởi đỏ, các loại cây dược liệu như cà gai leo, nghệ đỏ. Cơ sở sản xuất miến dong và vườn cây trồng phát triển ổn định đã mang lại doanh thu lớn cho gia đình ông Chiến. Nếu như năm 2017, doanh thu đạt 1,6 tỷ đồng thì đến năm 2023 tăng lên trên 2 tỷ đồng. Cơ sở sản xuất của ông tạo việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập từ  6,5 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, gia đình ông còn chia sẻ kinh nghiệm trồng dược liệu cho 30 hộ trong xóm, nhân rộng mô hình trồng cà gai leo tạo thành vùng nguyên liệu 12ha.

Gặp bà Đỗ Thị Thướng, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) được công nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc    năm 2022. Chia sẻ về vinh dự ấy, bà Thướng cho biết, đến bây giờ bà vẫn còn nguyên cảm giác hồi hộp, xúc động xen lẫn tự hào khi nhận được danh hiệu cao quý này. Với tính cần cù, chịu khó, bà Thướng khởi nghiệp từ năm 2016. Trên tổng diện tích 12ha, để     mô hình kinh tế có hiệu quả bền vững, bà cùng gia đình đã mày mò nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật trong canh tác, chăn nuôi bò sinh sản theo hướng trang trại. Hiện mô hình của gia đình bà đã ổn định với gần 4.000 gốc cam các loại và 2ha vườn ươm giống cây ăn quả và đàn bò sinh sản 15 con, mang lại thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm.
 
Những điển hình tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua SXKDG thời gian qua đã tạo động lực để HVND tích cực hưởng ứng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Người nông dân ngày càng thay đổi tư duy sản xuất, tích cực ứng dụng KHCN để nâng cao hiệu quả kinh tế, nhạy bén trong tiếp cận, nắm bắt cơ hội, thị trường... Đến nay, trong toàn Hội đã xây dựng được  nhiều mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn như: mô hình nuôi cá lồng (TP Hòa Bình, Đà Bắc), trồng cam (Kim Bôi, Cao Phong), dệt thổ cẩm (Tân Lạc,  Mai Châu), trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh (Yên Thủy, Tân Lạc, Lạc Thuỷ), nuôi gà thả vườn (Lạc Sơn, Lạc Thuỷ) chăn nuôi dê (Lạc Thủy, Mai Châu)... Đặc biệt, một số sản phẩm nông sản chất lượng cao đã được xuất khẩu. 

Hàng năm, số hộ đăng ký và đạt danh hiệu nông dân SXKDG đều đạt và vượt kế hoạch. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 40.132 hộ đạt danh hiệu SXKDG các cấp. Các cơ sở Hội đã vận động giúp đỡ hội viên nghèo với việc hỗ trợ hàng tỷ đồng tiền vốn, hàng chục nghìn ngày công. Đến nay, HND tỉnh đang quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân tổng số tiền 63,645 tỷ đồng với hàng trăm dự án được thực hiện, hàng nghìn hộ HVND được vay vốn.

Đồng chí Đinh Thị Thảo, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân SXKDG ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ nông dân có quy mô sản xuất lớn, vốn kinh doanh cao, thu hút hàng chục lao động, thu nhập hàng năm lên đến hàng tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao mức sống, ổn định xã hội. Để phong trào phát triển hơn nữa, trong thời gian tới, Hội đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân; đồng thời, tập trung hướng dẫn phong trào phát triển mạnh theo hướng liên kết, hợp tác, đoàn kết giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy liên kết giữa các mô hình, giữa các hộ SXKDG với nhau để giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa...


Thu Hằng


Các tin khác


Cô giáo luôn thắp sáng lửa nghề vì học sinh dân tộc thiểu số

Từng là học sinh ở xã vùng cao Quyết Chiến (Tân Lạc) xuống thị trấn Mãn Đức trọ học Trường THPT Tân Lạc, cô học trò Đinh Thị Chúc (ảnh) tự tin thi vào Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Sau khi tốt nghiệp, cô Chúc trở về Trường THPT Tân Lạc công tác từ năm 2010, mái trường có đông học sinh là người dân tộc thiểu số. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cô đã gặt hái thành công khi học sinh lớp cô giảng dạy môn Địa lý đạt kết quả nổi bật.

Gương sáng Bí thư Đoàn học tập và làm theo lời Bác

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, những năm qua, với vai trò là Bí thư Đoàn Thanh niên phường Thái Bình (TP Hòa Bình), chị Nguyễn Thị Mai Linh luôn thể hiện sự nhiệt huyết, sáng tạo và có trách nhiệm trong công việc. Chị cùng tập thể Ban Chấp hành Đoàn phường tích cực triển khai công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi với các chương trình, nội dung, phần việc nhằm đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên.

Nữ công an cơ sở xuất sắc

Được công an cấp trên tin tưởng, đồng chí Nguyễn Thị Bạch Nga, cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Lạc Thuỷ được điều động giữ chức vụ Trưởng Công an thị trấn Chi Nê. Sau gần 5 năm thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở, đồng chí đã làm tốt công tác tham mưu cho Đảng uỷ, UBND thị trấn về công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Tháng 6/2024, Trung tá Nguyễn Thị Bạch Nga vinh dự là 1 trong 63 nữ công an cơ sở được Bộ Công an biểu dương "Nữ công an cơ sở xuất sắc năm 2023”.

Gọi bản Mông thức giấc

Yêu quê hương, có kiến thức, nhiệt huyết của tuổi trẻ, chàng thanh niên Giàng A La ở xã Hang Kia (Mai Châu) đã có những việc làm thiết thực gìn giữ văn hóa, phát triển du lịch, truyền lửa nhiệt huyết cho thanh niên và người dân địa phương, gọi bản Mông thức giấc. Anh là một trong những điển hình tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2023.

Nữ sinh dân tộc Mường đỗ thủ khoa của tỉnh được kết nạp Đảng

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa qua, em Nguyễn Thảo Vân (ảnh), học sinh lớp 12B2, Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Hoà Bình xuất sắc trở thành thủ khoa khối C00 của tỉnh với tổng điểm 29,25 (Địa lý 10 điểm, Ngữ văn 9,5 điểm, Lịch sử 9,75 điểm).

Gương sáng học tập lý luận chính trị

Đã gần 65 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Nữ ở xóm Máy 1, xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) vẫn tích cực học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị (LLCT). Bà là tấm gương điển hình về người cao tuổi tâm huyết trong học tập LLCT, nhiệt tình tham gia các hoạt động tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục