Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy thị trường hàng hóa phát triển, hội nhập cùng quốc tế, người nông dân thời đại mới xác định phải trở nên chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên môn và trình độ hiểu biết.
Nâng cao trình độ nông dân không chỉ là chủ trương, định hướng lâu dài của Đảng và Nhà nước, mà còn là nền tảng quan trọng để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu, thương hiệu của mỗi sản phẩm nông nghiệp phải nằm trên bản đồ chuyển đổi số.
Sản phẩm OCOP đều có mặt tại 15 huyện, xã, thành phố của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN
Nông dân muốn thoát nghèo, làm giàu phải có trình độ
Những năm gần đây, nông thôn nước ta đang ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Tính đến nay đã có gần 65% số xã cả nước đạt tiêu chí nông thôn mới. Nhiều địa phương cấp xã, cấp huyện đang bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập của người nông dân các khu vực bình quân đã cao hơn từ 2-2,5 lần so với năm 2010 - thời điểm khi chúng ta mới bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đó là những thành tích, kết quả rất đáng biểu dương và đầy nỗ lực, cố gắng của những người nông dân.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối diện với nhiều hạn chế nội tại của nền kinh tế, đòi hỏi phải sớm khắc phục. Bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp nước ta phát triển còn thiếu bền vững; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể chưa cao. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế; lao động nông thôn có xu hướng già hóa; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng; an ninh nông thôn phát sinh nhiều vấn đề phức tạp...
Bên cạnh đó, hiện tượng già hóa dân số và tình trạng đô thị hóa đã "hút” nguồn nhân lực trẻ, khỏe từ nông thôn ra thành thị, dẫn đến tình trạng lao động ở lại nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động. Do vậy, vấn đề tri thức hóa nông dân trong lúc này là rất quan trọng, bởi hiện chất lượng lao động nông nghiệp của chúng ta đang suy giảm nghiêm trọng.
Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nêu rõ: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, năng suất bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ, năng lực làm chủ của người dân, để nông dân, người dân nông thôn thực sự là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Không ngừng nâng cao vị thế làm chủ của người dân nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển của đất nước.
Mới đây, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định, nông dân nước ta phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia hợp tác, liên kết, khôi phục và phát triển ngành nghề nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn.
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, trước mắt là tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Đức Thịnh, trong giai đoạn 2010-2020, đã có 2,84 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, tuy nhiên, chất lượng lao động vẫn còn rất thấp, chưa đạt yêu cầu. Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng "Đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đến năm 2030”, Bộ đã trình Đề án lên Chính phủ.
Ông Lê Đức Thịnh cho rằng, tri thức hóa nông dân, nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, quản lý sản xuất kinh doanh và hiểu biết của nông dân về các vấn đề xã hội, kinh tế nói chung và vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp nói riêng là rất cần thiết. Ngoài kỹ năng nghề nghiệp, nông dân cần nâng cao kiến thức, hiểu biết, nắm rõ, cập nhật thông tin về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế chung trên thế giới và Việt Nam, bởi mỗi biến động ở những vấn đề trên đều có tác động đến sản xuất và thương mại nông sản, liên quan thiết thực đến quyết định sản xuất, kinh doanh của họ.
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này cũng gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính, việc hỗ trợ vốn, quỹ đất, hay việc phát triển cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật phục vụ vào hoạt động sản xuất. Nhiều nông dân ở các vùng nông thôn cho biết rất mong muốn vươn lên xóa đói, giảm nghèo, gắn bó với nông nghiệp và luôn tìm cách học hỏi, nâng cao trình độ nhưng gặp phải nhiều rào cản.
Bà Trần Thị Thanh (nông dân ở huyện Duy Tiên, Hà Nam) cho rằng, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay cũng khiến quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, có tình trạng nông dân thiếu đất để trồng cỏ nuôi bò. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho biết, muốn phát triển nông nghiệp thông minh, ngoài kiến thức, người nông dân phải được thực hiện các thao tác giao dịch trên mạng xã hội. Tuy nhiên, có một thực tế là ở các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa người nông dân rất có nhu cầu sử dụng các thiết bị công nghệ đầu, cuối hiện đại, nhưng hạ tầng internet và tốc độ wifi còn chậm. Theo phản ánh của nhiều người, đó là một rào cản không nhỏ để nông dân tiếp cận với khoa học, công nghệ.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thaibinh Seed Trần Mạnh Báo, người nông dân chuyên nghiệp phải là người phải có tri thức, am hiểu công nghệ, am hiểu pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật, quy luật kinh tế, thị trường, vốn, tài chính… Ông Báo nhấn mạnh nông dân phải am hiểu khoa học công nghệ, phải biết thứ chúng ta đang sản xuất thuộc công nghệ nào, sở hữu trí tuệ ra sao, phù hợp với môi trường chúng ta đang sống hay không. Đồng nghĩa với việc phải am hiểu môi trường tự nhiên, am hiểu khí hậu, thời tiết vùng mình sinh sống để lựa chọn cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp.
Thương hiệu của sản phẩm phải nằm trên bản đồ chuyển đổi số
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2021, cả nước có trên 27.000 hợp tác xã nhưng chỉ có 2.200 ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất. Bên cạnh đó, còn hàng triệu nông dân vẫn đang loay hoay với bài toán chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp chất lượng cao, sạch. Việc đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao với những doanh nghiệp có nền tảng tài chính mạnh, cũng đã là một thử thách mạo hiểm. Bởi việc đổ tiền vào đất đai, nhà kính, công nghệ… chưa đảm bảo thành công ngay nếu thiếu nhân sự, kinh nghiệm và hệ thống phân phối đủ mạnh.
Một số doanh nghiệp không trụ nổi vì tiền đầu tư cho trang trại rất lớn trong khi đó nguồn thu chậm, bấp bênh nên đã phải "bỏ của chạy lấy người”. Vì những lý do trên nên "cuộc chơi” nông nghiệp công nghệ cao với nông dân còn khó khăn, thách thức hơn gấp bội nếu họ không nhận được những chính sách hỗ trợ đủ mạnh.
Để góp phần cung ứng vốn kịp thời, đầy đủ, khuyến khích phát triển nông nghiệp cao, cho nền nông nghiệp Việt Nam, một số chuyên gia kinh tế, nông nghiệp nhận định, Chính phủ cần hoàn thiện các tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hoàn thiện chính sách xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, tháo gỡ rào cản thương mại để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao…
Nhà nước cần sớm ban hành quy định đối với việc thực hiện hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp, trong đó, nêu rõ chế tài đối với các bên tham gia nhằm hạn chế những rủi ro và bảo đảm sự bền vững trong liên kết chuỗi giá trị nông sản. Cùng với đó là các quy định về bảo hiểm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhằm hạn chế những tổn thất, rủi ro, có chính sách khuyến khích phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp.
Đánh giá về vai trò quan trọng của công nghệ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, bằng chuyển đổi số, người nông dân sẽ xây dựng được thương hiệu để nông sản Việt Nam tiến tới minh bạch, tích hợp hình ảnh, truyền thông đa phương tiện vào sản phẩm. Thương hiệu nông sản của mỗi nông dân, doanh nghiệp phải nằm trên bản đồ chuyển đổi số thì mới khẳng định được giá trị và vươn xa ra thị trường quốc tế…
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, xác định vai trò, trách nhiệm trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số, Hội Nông dân Việt Nam sẽ đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của nông dân và xã hội về chuyển đổi số, xây dựng và kết nối các chuyên trang về chuyển đổi số, kinh tế số trên cổng thông tin và fanpage của các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong cả nước; phối hợp xây dựng ứng dụng trên di động (App Store, Google Play) về hỗ trợ chuyển đổi số cho nông dân; nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp cho nông dân; xây dựng và chuyển giao các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số; phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép (Viettel Pay, VNPT Pay, Momo) triển khai các loại hình tài chính số hỗ trợ nông dân, như: Cho vay ngang hàng, thanh toán không tiền mặt, Mobile money...
Ông Lương Quốc Đoàn cho hay, với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế quốc gia, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là một trong những yếu tố then chốt để giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn. Chuyển đổi số là giải pháp tích cực có thể khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp. Chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công sẽ là yếu tố quan trọng giúp chuyển đổi số quốc gia thành công…
Theo Baotintuc.vn
(HBĐT) - Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, phát triển sản xuất… đang được huyện Cao Phong thực hiện mang lại hiệu quả trong công việc.
(HBĐT) - Năm 2023 được Trung ương Đoàn xác định là "Năm chuyển đổi số (CĐS) các hoạt động của Đoàn”; Tháng Thanh niên mang chủ đề "Tuổi trẻ tiên phong CĐS" cho thấy quyết tâm của tổ chức Đoàn các cấp trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò, thế mạnh của thanh niên tham gia thực hiện CĐS.
Lạng Sơn có nhiều lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp và nông sản đặc sản. Tuy nhiên, việc giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, chủ yếu thông qua hình thức tiêu thụ truyền thống. Để khắc phục khó khăn này, từ năm 2021, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai chương trình phát triển kinh tế số.
(HBĐT) - Chiều 12/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm về chuyển đổi số quốc gia (CĐSQG) và Đề án 06 của Chính phủ. Dự tại điểm cầu UBND tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu. Hội nghị được tỉnh kết nối đến điểm cầu các huyện, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn.
(HBĐT) - Trung tuần tháng 5/2023, hai phóng viên Hà Việt Lâm, Trần Đức Anh của Báo Hòa Bình tham gia lớp tập huấn về kỹ năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất tác phẩm đa phương tiện do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
(HBĐT) - Chiều 5/6, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề "Thúc đẩy nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)”. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; đại diện các doanh nghiệp cung cấp giải pháp Cổng DVC.