Lạng Sơn có nhiều lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp và nông sản đặc sản. Tuy nhiên, việc giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, chủ yếu thông qua hình thức tiêu thụ truyền thống. Để khắc phục khó khăn này, từ năm 2021, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai chương trình phát triển kinh tế số.
Nhân viên ViettelPost hướng dẫn người dân xã Chi Lăng cách vận hành cửa hàng số trên sàn thương mại điện tử voso.vn. (Ảnh: HOÀNG VƯƠNG)
Qua gần ba năm triển khai đến nay, tỉnh đã có gần 21 nghìn sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử (đứng thứ hai toàn quốc); có 48.898 giao dịch thành công (đứng thứ tư toàn quốc) và hơn 93% số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số (đứng thứ 3 toàn quốc)...
Tổ công nghệ 4.0
Về thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát (huyện Cao Lộc) đúng lúc thôn tổ chức cho bà con phát quang, dọn dẹp vệ sinh con đường về thôn cho thêm sạch đẹp. Trưởng thôn Hoàng Hiến vui vẻ nói: Trước đây, để huy động được 80 hộ trong thôn rất vất vả, do địa hình đồi núi chia cắt, các hộ gia đình sống rải rác ở các đồi núi cho nên mỗi lần đi vận động tuyên truyền bà con phải mất cả một ngày. Nhưng nay đã khác rồi, chỉ cần bấm máy điện thoại trong phút chốc là các hộ đã nhận được thông tin.
Không những thế, được sự quan tâm của chính quyền xã, từ năm 2022, thôn Sơn Hồng đã thành lập tổ công nghệ số, thanh niên trong thôn, bản thường gọi là tổ công nghệ 4.0. Năm 2022, tổ công nghệ số đã đến tận nhà, tuyên truyền, vận động các chủ hộ gia đình cài đặt bán hàng qua sàn thương mại điện tử.
Anh Hoàng Trọng Dũng, hộ gia đình làm kinh tế giỏi của thôn chia sẻ: Nhờ có kết nối internet, lại được hướng dẫn cài đặt bán hàng qua mạng, cho nên vụ hồng không hạt, mận cơm... năm 2022 đã bán qua mạng được hơn hai tấn quả cho khách từ các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng,... Nếu trước đây gia đình phải đưa quả hồng, quả mận... ra các chợ huyện, chợ thành phố Lạng Sơn để bán thì nay chỉ cần đưa hàng lên sàn thương mại điện tử là yên tâm không phải lo mang đi bán nữa...
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Gia Cát Đặng Đức Sơn cho biết: Xã có 10 thôn, bản đến nay đều thành lập tổ công nghệ số cộng đồng. Mỗi tổ cộng đồng số có ít nhất năm thành viên do trưởng thôn làm tổ trưởng, bí thư chi đoàn làm tổ phó, đoàn viên, thanh niên và cá nhân khác có lòng nhiệt tình hoạt động cộng đồng, có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số được mời tham gia.
Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số đến mọi người dân để người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực. Nhờ có cách làm này nên hầu hết nông sản bà con làm ra đều được chia sẻ lên sàn thương mại điện tử.
Xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng), là nơi có vùng trồng na lớn nhất của tỉnh, với diện tích hơn 415ha, trong đó có 120ha diện tích được bà con trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Sản lượng na hằng năm của xã Chi Lăng đạt gần 3.800 tấn, ước doanh thu hơn 114 tỷ đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chi Lăng Trần Văn Tuấn phấn khởi chia sẻ: Để cho quả na vươn xa, được cấp ủy, chính quyền quan tâm và được sự hỗ trợ của doanh nghiệp đến nay, hơn 70% số hộ gia đình trong xã mở cửa hàng số và mở tài khoản thanh toán điện tử, trên hai sàn thương mại điện tử: voso.vn và postmart.vn.
Anh Hoàng Văn Châu, ở thôn Lăng Đồn, xã Chi Lăng chia sẻ: Vụ na năm 2022 là thời điểm tôi bán được nhiều hàng nhất với hơn 1.000 đơn hàng thông qua sàn thương mại điện tử voso.vn, số na bán ra khoảng năm tấn. Biết được gia đình tôi sản xuất na theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, quả mẫu mã đẹp, đồng đều, tiểu thương từ các tỉnh, thành phố lân cận như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương… đã trực tiếp liên hệ hoặc đến tận nơi thu mua na với số lượng lớn. Hiện gia đình tôi vẫn tích cực tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối với khách hàng, đưa sản phẩm của mình đi xa hơn.
Đưa hàng nông sản vươn xa
Thời gian qua, việc triển khai chuyển đổi số kịp thời trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực, nhất là trong thời điểm đại dịch Covid-19, người dân lo lắng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh khiến việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Đứng trước khó khăn này, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, tuyên truyền, hướng dẫn người dân bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Thông qua kênh này, nhiều nông dân đã tiêu thụ được sản phẩm, góp phần ổn định cuộc sống.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn Nguyễn Trọng Hùng đánh giá: Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc.
Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng tham gia. Người dân trở thành công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số. Để người dân được hưởng lợi ích từ chuyển đổi số tỉnh đã có cách làm sáng tạo là tỉnh đầu tiên thành lập: "Tổ công nghệ số cộng đồng”.
Đến nay, tỉnh đã kiện toàn 1.676 tổ công nghệ số cộng đồng với 9.042 thành viên, là cánh tay nối dài của ban chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ gia đình có cửa hàng số cho người mua và người bán giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử đạt hơn 70%. Tổ công nghệ số cộng đồng gồm các trưởng thôn, bản làm tổ trưởng đang từng ngày tuyên truyền hướng dẫn bà con sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống.
Ông Hoàng Văn Ngôn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn cho biết: Toàn tỉnh có 111.300 hội viên nông dân, chiếm tỷ lệ 72% so với tổng số hộ nông nghiệp. Chuyển đổi số trong hội viên nông dân được xem là giải pháp để khắc phục những tồn tại như: mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém phát triển, hình thức bán hàng truyền thống.
Từ thực tế đó, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng về chuyển đổi số và khuyến khích nông dân tham gia kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử nhằm giúp nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, một bộ phận nông dân đã có sự thay đổi về nhận thức, xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của gia đình, trở thành "đầu tàu” trong phát triển kinh tế số.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn phát động lễ ra quân phát triển kinh tế số.
Bên cạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân về chuyển đổi số và khuyến khích hội viên tham gia sàn thương mại điện tử, Hội Nông dân tỉnh đã ký kết kế hoạch phối hợp với Bưu điện tỉnh về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025 và phát động mua bán hàng hóa trên sàn Postmart.
Theo đó, bưu điện các huyện hướng dẫn nông dân viết bài quảng bá về sản phẩm cần bán, đóng gói sản phẩm để giao hàng đi xa, cách rút tiền, nộp tiền vào tài khoản giao dịch tại các điểm bưu điện văn hóa xã, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa đến tay khách hàng trong thời gian ngắn nhất… Đến nay, 50% hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã xây dựng trang thông tin điện tử, gian hàng để quảng bá sản phẩm.
Qua đó, toàn tỉnh đã cài đặt được 741.457 tài khoản thanh toán điện tử, tài khoản mua trên sàn thương mại điện tử..., trong đó, hơn 80% số hội viên nông dân trên toàn tỉnh đã cài đặt các tài khoản trên.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu khẳng định: Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ lọt tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, trong đó kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh.
Từ khi đưa Nghị quyết 49 vào thực tiễn đến nay đã có một số tín hiệu tích cực. Nhiều trường hợp người dân trước đó chưa có khái niệm về bán hàng, kinh doanh online nhưng đến nay đã có doanh thu lên đến hàng trăm triệu đồng từ việc đưa đặc sản của quê hương lên các cửa hàng số. Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm ra toàn quốc và các nước trên thế giới.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo kiện toàn, tập huấn, hướng dẫn cho các tổ công nghệ cộng đồng làm sao để càng ngày càng nhiều người dân được hưởng lợi từ việc phát triển kinh tế số ở địa phương, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao cuộc sống người dân.