(HBĐT) - Ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5 BCH T.Ư Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT). Trải qua 20 năm thực hiện nghị quyết, khu vực KTTT của tỉnh, nòng cốt là HTX thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh. 


Hợp tác xã chuối Viba, xã Liên Sơn (Lương Sơn) ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 Bài 1 - "Cởi trói" để phát triển

Nghị quyết số 13-NQ/TW xác định KTTT cùng kinh tế nhà nước là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, tập trung phát triển kinh tế nông thôn, lấy tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) làm chủ đạo cho phát triển kinh tế nông thôn. Nghị quyết chỉ ra 7 quan điểm của Đảng về KTTT. Quán triệt chủ trương, định hướng của T.Ư về phát triển KTTT, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 13-NQ/TW vào thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt, ngày 29/5/2017, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về xây dựng, củng cố và phát triển kinh tế hợp tác, HTX đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Nhận diện rõ bản chất

Thời điểm năm 2000, Hòa Bình là tỉnh có thu nhập thấp, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 50%. Toàn tỉnh có 202 HTX, song đa số hoạt động lúng túng, kém hiệu quả. Trước thực tế trên, bám sát nội dung Nghị quyết số 13-NQ/TW, Tỉnh ủy đã quán triệt thực hiện nghị quyết, làm rõ bản chất, vai trò, vị trí KTTT.

Thông qua tuyên truyền, học tập, quán triệt Nghị quyết số 13-NQ/TW, nhận thức về quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển KTTT và vai trò của HTX từng bước được thống nhất trong hệ thống chính trị. Theo đó, KTTT với nhiều hình thức hợp tác đa dạng mà nòng cốt là HTX, dựa trên sở hữu của thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, không giới hạn quy mô, lĩnh vực, địa bàn. KTTT hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng cùng có lợi và quản lý dân chủ; lấy lợi ích tập thể làm chính. Phát triển KTTT được thực hiện theo phương châm tích cực, vững chắc, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Bản chất, vai trò của HTX được làm rõ, người dân phân biệt được HTX với doanh nghiệp, HTX kiểu cũ với HTX kiểu mới nên tích cực đăng ký tham gia thành viên HTX.

Đặc biệt, Luật HTX năm 2012 được ban hành tạo hành lang pháp lý cho HTX phát triển. Đối với những HTX hoạt động không đúng bản chất, kém hiệu quả phải giải thể để thanh lọc, nâng cao năng lực nội tại. Theo Ban chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh, đến ngày 30/6/2016, 100% HTX thuộc đối tượng tự nguyện chuyển đổi, đăng ký lại theo Luật; có 53 HTX chuyển sang hoạt động mô hình THT và doanh nghiệp; 89 HTX đủ điều kiện được đăng ký lại và chuyển đổi hoạt động theo Luật.

Công tác quản lý Nhà nước đối với KTTT được quan tâm, bộ máy quản lý Nhà nước về KTTT bước đầu được kiện toàn. Liên minh HTX, MTTQ và các đoàn thể khẳng định được vai trò của mình đối với khu vực KTTT.

Xóa điểm nghẽn

Đồng chí Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhấn mạnh: Từ năm 2002 đến nay, tỉnh đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo cán bộ quản lý và người lao động làm việc trong các tổ chức KTTT. Trước năm 2002, đa số đội ngũ cán bộ quản lý HTX tỷ lệ qua đào tạo rất thấp, chủ yếu là nông dân với tuổi đời tương đối cao. Do đó, năng lực lãnh đạo, quản lý, ứng dụng KH-KT hạn chế. Trước thực tế đó, bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều lớp đào tạo dài hạn, ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ quản lý và tổ chức dạy nghề cho thành viên… Số lượng người tham gia đào tạo, bồi dưỡng tăng dần qua các năm. Đến năm 2021, tỷ lệ cán bộ trình độ sơ cấp, trung cấp đạt 23%, trình độ cao đẳng, đại học chiếm 42%. Đội ngũ cán bộ HTX được trẻ hóa, tuổi đời từ 18 - 40 chiếm khoảng 38%.

Bên cạnh đó, một số HTX quan tâm phát triển đảng viên, tiêu biểu như HTX nông nghiệp Ngọc Lương (Yên Thủy) đã thành lập được chi bộ HTX. Giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh thực hiện chính sách thu hút nhân tài về làm việc tại HTX thông qua việc thí điểm đưa 17 cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại 13 HTX, với kinh phí hỗ trợ 1,44 tỷ đồng từ nguồn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Vài năm trở lại đây, mô hình HTX tạo sức hút lớn đối với đoàn viên, thanh niên. Số lượng HTX do những chủ nhân trẻ đứng đầu ngày càng tăng và hoạt động hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề: dịch vụ tổng hợp, nông nghiệp, du lịch sinh thái… Tiêu biểu như anh Đinh Đức Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp an toàn Yên Thủy (Yên Thủy); Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập (TP Hòa Bình); Bùi Văn Tường, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789 (Tân Lạc); Trần Trung Đức, Giám đốc HTX chuối Viba (Lương Sơn)… Những giám đốc độ tuổi 8X, 9X mạnh dạn đổi mới trong lãnh đạo, điều hành, thổi một luồng gió mới vào khu vực KTTT. Họ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Những chủ tịch HĐQT, giám đốc có kiến thức, kinh nghiệm và đam mê cháy bỏng làm giàu cho quê hương đã mạnh dạn tiếp thu KH-KT, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách vào thực tiễn tìm hướng đi đúng cho HTX. Nếu như trước khi tiến hành đổi mới, tư liệu sản xuất của HTX, THT còn thô sơ, quy mô sản xuất manh mún, dẫn tới năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm kém, thị trường tiêu thụ bó hẹp trong làng, xã thì đến nay, các tổ chức KTTT đã phát huy thành công hiệu quả từ các chương trình hỗ trợ về KHCN, xúc tiến thương mại, chính sách đất đai, tài chính, tín dụng, phát triển hạ tầng của các cấp, ngành để khẳng định thương hiệu các đặc sản địa phương.

Đã có gần 400 quy trình công nghệ được chuyển giao; xây dựng 150 mô hình sản xuất, trình diễn. Các cấp, các ngành đã tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm, cấp phép cho các HTX sử dụng các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã được đăng ký như: Chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong; nhãn hiệu mía tím Hòa Bình, hạt dổi Lạc Sơn, quả lặc lày và rau hữu cơ của huyện Lương Sơn, bưởi đỏ Tân Lạc… Hiện, đa số sản phẩm được tiêu thụ trong các siêu thị lớn như Vinmart, BigC, Co.opmart, Tổng công ty Hàng không Việt Nam và các chợ đầu mối nông sản lớn.

Với sức trẻ cùng khát vọng đưa nông sản Việt ra thế giới, giám đốc tuổi 9X Trần Trung Đức, Giám đốc HTX chuối Viba, xã Liên Sơn (Lương Sơn) đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Các quy trình từ trồng, sơ chế, bảo quản được khép kín, đảm bảo an toàn thực phẩm. Anh Đức chia sẻ: HTX chúng tôi đầu tư hệ thống 3 phòng dấm chuối được mua bản quyền từ Mỹ với công suất tối đa 5 tấn/ngày. Vượt qua khó khăn của dịch Covid-19, năm 2021, doanh thu của HTX đạt 10 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ của HTX chủ yếu tại hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… HTX tạo việc làm cho 28 lao động thường xuyên với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Vùng nguyên liệu trồng chuối khoảng 40 ha, đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP.

Suốt hành trình đổi mới, phát triển khu vực KTTT, nòng cốt là HTX luôn khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển KT-XH của địa phương. Tạo cơ hội việc làm cho lao động khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn; đóng góp tích cực vào thành quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

(Còn nữa)

 

Thu Thủy


Các tin khác


Xã Thạch Yên: Xây dựng “cán bộ số” để xây dựng “chính quyền số”

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần "vì nhân dân phục vụ”, xã Thạch Yên (Cao Phong) từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động quản lý, điều hành, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Những năm gần đây, chuyển đổi số (CĐS) đã mang lại những thay đổi to lớn về thị phần, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, cũng như tạo ra xu hướng mới trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN). CĐS đã mở ra cơ hội cho các DN tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh, giúp kết nối gần hơn với khách hàng và cấu trúc lại DN. Song, để CĐS trong DN đạt hiệu quả, thành công, đòi hỏi cần có tư duy mới cùng những năng lực mới trong tổ chức, vận hành theo hướng kết hợp người và máy móc dựa trên nền tảng các công nghệ số và dữ liệu số. Tỉnh ta đang triển khai các giải pháp thúc đẩy CĐS trong DN.

Xây dựng chính quyền số phục vụ Nhân dân

(HBĐT) - Triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số, đến nay, huyện Cao Phong đã đạt được một số kết quả bước đầu. Qua đó góp phần đổi mới căn bản, toàn diện trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính phục vụ Nhân dân.

Trên 400 học viên được bồi dưỡng kiến thức về kinh tế số, xã hội số

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 6 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số cho trên 400 học viên đến từ các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức KT-XH và người dân tại khu vực nông thôn.

Trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, chuyển đổi số cho cán bộ Đoàn, Hội

(HBĐT) - Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Tỉnh Đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh vừa tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, chuyển đổi số năm 2023 cho 150 cán bộ Đoàn, Hội phụ trách công tác khởi nghiệp, chuyển đổi số các cấp trong tỉnh.

Chuyển đổi số lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm

(HBĐT) - Chuyển đổi số (CĐS) hiện nay là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của mỗi địa phương, quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh "CĐS phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của CĐS”. Tại Quyết định số 505/QĐ-TTg, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/10 hàng năm là Ngày CĐS quốc gia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục