(HBĐT) - Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nợ bảo hiểm đang có chiều hướng gia tăng. Hành vi nợ đọng bảo hiểm không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Ngành BHXH tỉnh đang quyết liệt triển khai các giải pháp xử lý tình trạng nợ đọng bảo hiểm. Phóng viên Báo Hòa Bình đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Minh Hải, Giám đốc BHXH tỉnh xung quanh vấn đề này.

 

PV: Xin đồng chí cho biết thực trạng nợ đóng bảo hiểm trên địa bàn tỉnh ta?

Đồng chí Nguyễn Minh Hải: Tính đến ngày 30/11/2016, toàn tỉnh có hơn 700 đơn vị doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể còn đóng chậm, nợ đóng BHXH, BHYT tương ứng với số tiền trên 108 tỷ đồng (kể cả tiền lãi chậm đóng), chiếm tỷ lệ 7,3% số kế hoạch giao. Trong đó có 422 đơn vị nợ dưới 3 tháng với số tiền trên 17 tỷ đồng, chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp SX-KD nhỏ lẻ, số lao động ít; 104 đơn vị nợ từ 3- 6 tháng tương ứng số tiền 9,7 tỷ đồng; 95 đơn vị nợ từ 6 tháng đến dưới 12 tháng với số nợ 7,7 tỷ đồng; 78 đơn vị nợ trên 12 tháng với số nợ 47,6 tỷ đồng. Các đơn vị nợ số tiền lớn, thời gian kéo dài chủ yếu tập trung vào khối doanh nghiệp Nhà nước trước đây, thuộc các lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. Những đơn vị nợ nhiều, khó đòi là các công ty thuộc khối Tổng Công ty Công Đà trước đây như: Công ty CP Sông Đà 12 nợ trên 15,5 tỷ đồng; Công ty Cơ khí lắp máy Sông Đà chi nhánh I nợ trên 13,7 tỷ đồng; Công ty Sông Đà 1 nợ trên 5,4 tỷ đồng; Công ty Xây dựng 565 nợ 6,5 tỷ và Công ty gạch Hương Sơn (Kỳ Sơn) nợ 1,8 tỷ đồng. Có 16 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đang làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc đã ngừng SX-KD hoặc chủ chết, bỏ trốn có số nợ khó đòi gần 13 tỷ đồng tiền nợ đọng BHXH. Trong nhóm này, cơ quan BHXH đã nộp đơn khởi kiện đối với 7 đơn vị và được Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, việc thu hồi nợ BHXH đối với đơn vị này sau khi có quyết định của Tòa án cũng rất khó khăn.

Lãnh đạo BHXH tỉnh chỉ đạo cán bộ Phòng Khai thác và thu nợ cập nhật danh sách các đơn vị  nợ đọng bảo hiểm.

PV: Trong quá trình xử lý nợ đọng bảo hiểm có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Minh Hải: Có thể nói, các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT đã gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động mà còn ảnh hưởng đến an toàn, cân đối quỹ BHXH cũng như làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Việc xử lý nợ đọng có những thuận lợi như Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BHXH Việt Nam thường xuyên chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và BHXH tỉnh trong việc thực hiện thu và thu nợ đọng tiền BHXH, đưa ra các giải pháp tích cực, kiên quyết nhằm giảm tỷ lệ nợ đọng và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ đọng. Quốc hội, Chính phủ đã giao ngành chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành cho cơ quan BHXH để chủ động thực hiện. Sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành có liên quan và các cơ quan truyền thông trong tỉnh với cơ quan BHXH rất chủ động, tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác xử lý nợ đọng cũng còn gặp không ít khó khăn như: Việc giải quyết chế độ cho người lao động ở những đơn vị nợ đọng. Theo quy định Luật BHXH, BHYT theo nguyên tắc có đóng có hưởng. Như vậy, việc giải quyết quyền lợi cho người lao động ở những đơn vị nợ đọng tiền BHXH, BHYT kéo dài rất khó khăn, nhất là đối với những đơn vị phá sản, giải thể và có chủ bỏ trốn, chết. Nhiều đơn vị có khó khăn thực sự trong SX-KD, không có tiền để đóng BHXH cho người lao động. Điển hình trong số này là các đơn vị thuộc khối Tổng công ty Sông Đà, chủ yếu xây dựng các công trình lớn như thủy điện, thủy lợi của Nhà nước, phải di dời đến tỉnh khác, do đó, số lao động giảm cùng với việc ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế từ năm 2010. Đến nay, nhiều đơn vị của Tổng công ty Sông Đà không có việc làm hoặc do công trình xây dựng xong nhưng chưa thanh toán được tiền dẫn đến nợ đọng tiền BHXH số tiền lớn và kéo dài. Một số đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN đã bị khởi kiện ra tòa án, bản án đã tuyên có hiệu lực pháp luật nhưng việc thu hồi nợ cũng rất khó khăn do đơn vị không có khả năng thực hiện hoặc chỉ thực hiện một phần bản án dẫn đến tỷ lệ thu hồi nợ thấp. Nhiều đơn vị nợ BHXH đã được kiểm tra, thanh tra và có kết luận yêu cầu trả nợ nhưng việc chấp hành còn chậm, có những đơn vị cố tình vi phạm, không thực hiện kết luận của các đoàn kiểm tra liên ngành.

PV: Hiện nay, ngành BHXH tỉnh đang tập trung triển khai những giải pháp gì để xử lý tình trạng nợ đọng BHXH, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Minh Hải: Để xử lý tình trạng nợ đọng BHXH, BHXH tỉnh đã và đang áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ.

Một là, chủ động báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp với UBND các huyện, thành phố để chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chính sách BHXH, nhất là việc phát triển đối tượng tham gia và giảm nợ đọng BHXH; làm tốt công tác tham mưu, đề xuất đưa kết quả thực hiện BHXH, BHYT vào các chỉ tiêu kế hoạch, đánh giá thi đua khen thưởng của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Hai là, phối hợp với các ban, ngành có liên quan như LĐ-TB&XH, Y tế, GD&ĐT, Công an... thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, đôn đốc đối với các đơn vị nợ tiền BHXH, yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT.

Ba là, ký kết Quy chế phối hợp với LĐLĐ tỉnh về việc cung cấp thông tin để khởi kiện các đơn vị nợ BHXH, BHYT; phối hợp chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố và BHXH các huyện, thành phố kiên quyết khởi kiện những đơn vị chậm nộp, nợ đọng tiền BHXH có thời gian kéo dài.

Bốn là, phối hợp với Cục thuế tỉnh và Chi cục thuế các huyện, thành phố để cung cấp thông tin các doanh nghiệp đăng ký thuế, tiền nộp thuế, nắm bắt được tình hình thực tế SX-KD, số lao động đang hưởng lương để phát hiện kịp thời những đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH cho người lao động.

Năm là, phối hợp với các Ngân hàng BIDV, Viettinbank, Liên Việt bank… trong việc thu, trích chuyển tiền đóng BHXH, BHYT theo Quy chế phối hợp giữa hai ngành.

Sáu là, cơ quan BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thành phố thành lập các tổ đôn đốc thu đối với các đơn vị chậm đóng, đóng thiếu; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT để tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị có số nợ lớn, kéo dài, chây ỳ.

Bảy là, tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và đơn vị doanh nghiệp nắm được nghĩa vụ, quyền lợi của mình khi tham gia BHXH, BHYT. Thực hiện công khai danh tính các đơn vị nợ đọng tiền BHXH, BHYT với số tiền lớn, có thời gian kéo dài trên các báo, đài trung ương và địa phương.

Tám là, chuyển hồ sơ sang các cơ quan chức năng những đơn vị vi phạm nghiêm trọng pháp luật BHXH, BHYT để xử lý theo quy định.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

 

                                                                  Hương Lan (T.H)

 

Các tin khác


Bàn giao nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo

(HBĐT) - Ngày 15/12, Ủy ban MTTQ huyện Lương Sơn đã tổ chức bàn giao nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Chung tay chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

(HBĐT) - Cách đây 5 năm, gia đình chị Bùi Thị Thảo, xóm Rường, xã Trung Bì (Kim Bôi) rơi vào trạng thái hoang mang, suy sụp khi sinh cháu Bùi Tuấn Đạt không may mắc bệnh bại não bẩm sinh. Lúc này, chính quyền địa phương, hàng xóm, người thân hết lòng động viên, giúp đỡ. Nhờ vậy mà gia đình chị từng bước lấy lại tinh thần để chăm sóc và chữa trị cho cháu Đạt.

Bàn giao “Nhà tình nghĩa” cho đối tượng chính sách năm 2016

(HBĐT) - Ngày 15/12 Ban CHQS huyện Đà Bắc đã tổ chức bàn giao nhà tỉnh nghĩa cho gia đình ông Hà Văn Ính là thương binh hạng 4/4, tại xóm Riêng, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc.

Thủy điện đồng loạt xả lũ, nhiều địa phương bị nhấn chìm

Mưa nhiều ngày cùng với việc các hồ thủy điện đồng loạt xả lũ khiến nhiều các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chìm trong nước, người dân gồng mình chống lũ.

Tổng kết Chương trình Bảo vệ trẻ em năm 2016

(HBĐT) - Chiều 14/12, tại Sở LĐ-TB&XH, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình BVTE tỉnh đã tổ chức hội nghị Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình BVTE năm 2016. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Sở, ban, ngành.

Tăng phòng karaoke phải chịu phí 2 triệu đồng/phòng tại đô thị

(HBĐT) - Ngày 10/11/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 212/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục