Người dân xóm Bưa Sào, xã Đú Sáng (Kim Bôi) góp công làm đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi phát triển KT-XH địa phương.
Đồng chí Nguyễn Đức Tuyên, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Ngay từ đầu năm, ngành đã tham mưu Ban chỉ đạo tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững năm 2018. Phối hợp với Ban Dân tộc xây dựng đề nghị phân bổ vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các huyện kiểm tra, hướng dẫn các xã đăng ký về đích NTM năm 2018 lập kế hoạch chi tiết để đảm bảo thực hiện đạt các tiêu chí về việc làm, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo. Công tác kiểm tra, giám sách chương trình được quan tâm. Sở đã tổ chức, khảo sát địa bàn thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2018 tại 2 huyện Lạc Thủy, Yên Thủy. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo "nuôi ong lấy mật” tại xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) được hỗ trợ từ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2017.
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm cải thiện đời sống vật chất, kịp thời động viên tinh thần hộ nghèo trong dịp lễ, Tết. Trong dịp Tết Nguyên đán, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí cho 38.293 hộ nghèo với mức 350.000 đồng/hộ, tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng. Có 3.309 hộ nghèo thuộc 6 huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn được UBND tỉnh cứu trợ 184.620 kg gạo, tổng trị giá 2,2 tỷ đồng. Một số địa phương đã trích từ nguồn ngân sách huyện, xã để hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo, đối tượng xã hội trong dịp Tết Nguyên đán như các huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Mai Châu. Ngoài ra, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã hỗ trợ 1.772 hộ 71.430 kg…
Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai hiệu quả chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đã cho 18.219 lượt khách hàng vay 479.026 triệu đồng phát triển SX-KD, giải quyết việc làm gồm: 4.670 hộ nghèo vay 150.493 triệu đồng; 3.041 hộ cận nghèo vay 110.093 triệu đồng; 884 hộ mới thoát nghèo vay 32.426 triệu đồng; 300 hộ dân tộc thiểu số vay 9.450 triệu đồng; 2.865 hộ SX-KD tại vùng khó khăn vay 84.241 triệu đồng; 4.526 hộ vay 52.243 triệu đồng để làm công trình nước sạch vệ sinh môi trường; 755 hộ nghèo vay 18.875 triệu đồng làm nhà ở; 720 dự án vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 17.748 triệu đồng… Để giúp hộ mới thoát nghèo cũng như hộ khó khăn được hỗ trợ chăm sóc y tế, từ đó hạn chế phát sinh nghèo, tái nghèo, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã cấp 575.653 thẻ BHYT cho các đối tượng được ngân sách đảm bảo…
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2018 đã đề ra, những tháng cuối năm, tỉnh đề ra một số giải pháp chủ yếu như: Thực hiện tốt, đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo về tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, hướng dẫn cách làm ăn; hỗ trợ sinh kế, trợ giúp pháp lý, bảo trợ xã hội… Dùng các chính sách làm "đòn bẩy” thúc đẩy việc giảm nghèo, tạo điều kiện để các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động truyền thông, thông tin về giảm nghèo nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Vận động nhiều nguồn lực để phục vụ thực hiện công tác giảm nghèo như vận động Quỹ "Ngày vì người nghèo”. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nghĩa với các xã nghèo, thôn nghèo để đa dạng nội dung hỗ trợ hộ nghèo. Lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án để tập trung hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện nghiêm túc đúng quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, nhất là địa phương, cơ sở, phát hiện và xử lý nghiêm các biểu hiện, vụ việc vi phạm, lợi dụng chính sách, nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo. Đặc biệt, để chương trình giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả cần khơi dậy ý thức nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân…
Hương Lan