(HBĐT) - Thực hiện Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg, ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân định canh, định cư (ĐCĐC) cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007 - 2010, năm 2011, điểm tái định cư (TĐC) Bãi Nghia xóm Mừng, xã Xuân Phong (Cao Phong) được thành lập. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm, 32 hộ ở đây vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) thổ cư cũng như đất sản xuất. Điều đó đã gây ra nhiều khó khăn cho đời sống cũng như sản xuất của người dân.


Hiện các ngành chức năng của tỉnh, huyện đang tập trung giải quyết các thủ tục liên quan đến việc cấp giấy CNQSDĐ cho người dân tại điểm tái định cư Bãi Nghia, xóm Mừng, xã Xuân Phong (Cao Phong).

Xóm Mừng xen ghép giữa các hộ dân đã định cư lâu dài và những hộ sống du canh, du cư (DCDC) được đưa về bố trí TĐC. Hiện nay, cả xóm có 52 hộ với gần 230 nhân khẩu. Trong đó có 32 hộ thuộc diện TĐC với hơn 150 nhân khẩu. Trước năm 2011, 32 hộ dân sinh sống DCDC ở khu vực sát vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến (Kim Bôi). Đến khi Nhà nước có chủ trương cấp đất để làm nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số đang sống DCDC theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg thì các hộ này đã được đưa về ĐCĐC tại xóm Mừng. Mỗi hộ được Nhà nước cấp 300 m2 đất thổ cư và 3.000 m2 đất sản xuất.

Những năm qua, mặc dù hệ thống đường giao thông đã được đầu tư thuận tiện cho việc tiêu thụ nông sản, mở rộng sản xuất của người dân... Tuy vậy, sau nhiều năm, 32 hộ TĐC ở xóm Mừng vẫn chưa được cấp giấy CNQSDĐ. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Diêng, Chủ tịch UBND xã Xuân Phong chia sẻ: Với diện tích đất sản xuất được cấp và đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Gia đình nào có thu nhập cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 7 - 10 triệu đồng /năm. Trong điều kiện đó, nhiều hộ muốn vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề hết sức khó khăn, bởi lẽ, toàn bộ diện tích nhà ở và đất sản xuất của các hộ vẫn chưa được cấp giấy CNQSDĐ. Do vậy, họ không có thứ gì để thế chấp vay vốn ngân hàng.

Xung quanh vấn đề này, ông Bùi Văn Phượng, Bí thư chi bộ điểm TĐC xóm Mừng cho biết: Vấn đề này chúng tôi cũng đã nhiều lần đề xuất nhưng chỉ nhận được câu trả lời là do lúc đầu thực hiện chương trình, dự án, Ban Dân tộc chưa có kế hoạch, dự toán kinh phí cho việc đo, làm thủ tục cấp giấy CNQSDĐ. Do vậy, đến nay chúng tôi chưa được cấp có thẩm quyền làm thủ tục cấp giấy CNQSDĐ.

Đồng chí Bùi Văn Diêng cho biết thêm: Những năm qua, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của huyện, tỉnh và các đại biểu Quốc hội chúng tôi đều kiến nghị, đề xuất mong được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết vấn đề này để bà con có cơ sở thế chấp vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, đến bây giờ vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi đã làm việc với UBND huyện, Phòng Dân tộc, Ban Dân tộc nhưng đến nay, qua 2 - 3 năm rồi vẫn chưa xong.

Về vấn đề này, ông Bùi Đăng Khoa, Trưởng phòng Dân tộc huyện Cao Phong lý giải: Việc triển khai giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp giấy CNQSDĐ cho các hộ dân tại điểm TĐC xóm Bãi Nghia thuộc xóm Mừng, xã Xuân Phong còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do thời gian thực hiện dự án di chuyển dân cư về điểm TĐC không phải một năm mà diễn ra trong nhiều năm với nhiều đợt khác nhau. Đến cuối năm 2015 việc di dân về điểm TĐC ở xóm Mừng theo Quyết định số 33/2007/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới hoàn thành. Do vậy, việc cấp kinh phí để thực hiện phần trích đo cũng như một số thủ tục có liên quan trong việc cấp giấy CNQSDĐ ở điểm TĐC này chậm được triển khai.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVI trả lời những kiến nghị có liên quan của cử tri, đại diện Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Tổng kinh phí thực hiện Dự án TĐC ở xóm Mừng hơn 23, 1 tỷ đồng. Kinh phí này do ngân sách T.ư cấp. Việc tổ chức triển khai thực hiện dự án trong những năm qua đã giúp các hộ DCDC chuyển về định cư có cuộc sống ngày càng ổn định. Đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, điều kiện chăm sóc sức khoẻ được nâng cao, các cháu trong độ tuổi đi học được đến trường, các hộ yên tâm sinh sống. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, T.ư dừng không cấp kinh phí, vì vậy một số hạng mục thuộc dự án chưa được thực hiện. Trong đó có hạng mục trích lục bản đồ để cấp giấy CNQSDĐ ở, đất sản xuất cho các hộ dân điểm ĐCĐC. Để thực hiện hạng mục này, ngày 12/4/2018, Ban Dân tộc tỉnh có Văn bản số 190/BDT-TTDV đề nghị Sở Tài chính bổ sung kinh phí trên 157, 2 triệu đồng hỗ trợ lương cho 2 cán bộ cộng đồng và thực hiện thủ tục trích đo, cấp giấy CNQSDĐ cho các hộ tại điểm TĐC xóm Mừng. Cùng với đó, Ban Dân tộc tỉnh đã đề nghị huyện Cao Phong hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ khi làm thủ tục vay vốn ngân hàng trong khi đang chờ được cấp giấy CNQSDĐ.

 


                                                                                  Mạnh Hùng

 


Các tin khác


Xã Kim Bôi chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em

(HBĐT) - Năm 2017, xã Kim Bôi (Kim Bôi) có một trẻ em bị tai nạn đuối nước. Từ đó đến nay, Đảng ủy, UBND xã đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Với việc đề ra từng giải pháp cụ thể; huy động cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong 8 tháng qua, xã không có trường hợp trẻ em bị đuối nước, không có trẻ bị bạo hành.

Bệnh viện làm gì sau quy định 1 bàn chỉ khám 65 bệnh nhân/ngày?

Quy định mới của Thông tư 15 là khám tối đa 65 lượt/bàn khám/ngày khiến nhiều bệnh viện (BV) tuyến trên phải sắp xếp để bệnh nhân không phải ra về.

Cái "ngưỡng" của thông tin

Vụ tai nạn kinh hoàng ở Quảng Nam lấy đi sinh mạng của 13 con người khi gia đình chú rể đi đón dâu không chỉ là nỗi đau của gia đình các nạn nhân, mà còn của cả xã hội. Nhưng với cách đưa tin sa vào chi tiết để câu view của nhiều cơ quan truyền thông dường như đã khoét sâu thêm nỗi đau này.

UBND tỉnh làm việc với tổ chức Tầm nhìn thế giới

(HBĐT) - Chiều 6/8, UBND tỉnh đã làm việc với Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) để thảo luận cụ thể việc tiếp nhận chương trình tài trợ của Tổ chức tại huyện Đà Bắc. Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ và huyện Đà Bắc.

Công an huyện Tân Lạc tổ chức chương trình tình nguyện “Hành quân xanh” tại xã Do Nhân

(HBĐT) - Ngày 4/8, Đoàn Thanh niên Công an huyện Tân Lạc đã tổ chức chương trình tình nguyện mang tên "Hành quân xanh” tại xã Do Nhân (Tân Lạc).

Ước nguyện của Mẹ

(HBĐT) - Trong một ngày tháng 7 nắng đẹp, chúng con về thăm mẹ. Đường vào nhà mẹ ở xóm Múc, xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn rợp bóng những hàng cây xanh mát. Trước sân nhà là những nong thuốc lá cây mẹ đang phơi dở dang. Đã bước sang tuổi 101 nhưng mẹ Sự vẫn còn khá minh mẫn, tỉnh táo. Huyện Kỳ Sơn có 4 bà mẹ VNAH nhưng 3 mẹ đã mất, chỉ còn mẹ Nguyễn Thị Sự còn sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục