Người dân chọn mua các mặt hàng tiêu dùng tại Bưu điện văn hóa xã Thống Nhất, thành phố Hòa Bình.
Có dịp đến điểm Bưu điện văn hóa xã Thống Nhất (TP Hòa Bình) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi gặp "ki ốt” nhỏ bán hàng hóa, trang thiết bị phục vụ khách hàng được bài trí khá ngăn nắp. Nhân viên bưu điện trong đồng phục của ngành tươi cười, niềm nở, thể hiện sự chuyên nghiệp trong cung cách phục vụ khách hàng. Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Thạnh, nhân viên Bưu điện văn hóa xã - chủ nhân của "ki ốt” được biết: Bưu điện văn hóa xã Thống Nhất đã thay đổi từ thời điểm Bưu điện tỉnh triển khai Chỉ thị số 03, ngày 8/3/2014 của Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam về việc triển khai "Chiến dịch đổi mới hoạt động tại Bưu điện văn hóa xã”. Hiện tại, ngoài việc cung ứng các dịch vụ chuyển phát, Bưu điện văn hóa xã còn cung cấp dịch vụ hành chính công, tiếp nhận hồ sơ, chuyển trả kết quả thủ tục hành chính, chi trả lương hưu, BHXH… và bán các mặt hàng tiêu dùng phục vụ nhân dân. Từ khi phát triển kinh doanh đa dịch vụ, Bưu điện văn hóa xã không còn đìu hiu như trước và luôn mở rộng cánh cửa phục vụ khách hàng. Doanh thu không ngừng tăng lên, thu nhập của nhân viên bưu điện cũng được đảm bảo.
Bưu điện văn hóa xã Thống Nhất là 1 trong 182 điểm Bưu điện văn hóa xã trong toàn tỉnh đã phát triển kinh doanh đa dịch vụ. Sự hồi sinh của các điểm Bưu điện văn hóa xã đã đóng góp một phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới Bưu điện tỉnh. Năm 2018, doanh thu của Bưu điện văn hóa xã trong toàn tỉnh đạt 58 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36,4% trong tổng doanh thu của Bưu điện tỉnh.
Ông Đặng Bá Lộc, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Ngay trong thời điểm khó khăn chúng tôi cũng không xem nhẹ điểm Bưu điện văn hóa xã, vì đây là thành phần thuộc kết cấu hạ tầng thông tin quốc gia. Ngoài hoạt động kinh doanh, các điểm Bưu điện văn hóa xã còn phải làm tốt công tác phục vụ công ích, lồng ghép các chương trình, dự án của Nhà nước về nông thôn, đóng góp vào việc xây dựng hạ tầng KT-XH của địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Để hoạt động của các điểm Bưu điện văn hóa xã ngày càng hiệu quả hơn, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục cải tiến, đổi mới toàn diện các điểm, từ việc đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng dịch vụ cho đến nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ nhân viên. Chúng tôi mong muốn có sự đồng hành của các ngành, các cấp để điểm Bưu điện văn hóa xã thực sự có sức sống lâu bền, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, góp phần nâng cao dân trí các vùng nông thôn.
Với "Chiến dịch đổi mới hoạt động tại Bưu điện văn hóa xã”, những nơi này đang thực sự hồi sinh để tiếp tục thực hiện tốt hơn vai trò, sứ mệnh doanh nghiệp phục vụ cộng đồng và gắn kết mọi người bằng dịch vụ "chất lượng, thân thiện, hiện đại”, để Bưu điện Việt Nam luôn là một phần gắn bó của khách hàng.
Thúy Hằng
(HBĐT) - Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội huyện Yên Thủy cùng các cấp, ngành, xã, thị trấn đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện lộ trình BHYT toàn dân như tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức đối thoại với người dân từ cấp xóm, xã về Luật BHYT sửa đổi, các thông tư, văn bản của BHXH tỉnh để người dân hiểu rõ quyền lợi khi tham gia BHYT tự nguyện.