Giữa thời đại bùng nổ thông tin và truyền thông, mỗi gia đình có ít nhất 1 chiếc ti vi, mạng di động bao phủ toàn xã, internet luôn kết nối giúp cho giới trẻ mở mang và trau dồi kiến thức, giải trí... thế nhưng người dân xã Yên Quang vẫn hồ hởi đón đội tuyên truyền lưu động của tỉnh về biểu diễn. Nhìn qua khoảng sân rộng chật kín khán giả, đồng chí Ngô Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã bày tỏ sự hài lòng: "Chúng tôi đã thành công với việc đưa thông tin, truyền thông về cơ sở”.
Trò chuyện với cán bộ phụ trách văn hóa xã được biết: Là địa bàn giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, nhưng hiện tại Yên Quang lại thuộc vùng "lõm” về thông tin. Đó là bởi xã chưa tiếp được sóng của Đài PT-TH tỉnh, huyện, khoảng cách từ xã đến huyện xa, khó khăn trong việc đưa các thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương đến với người dân. Trong khi xã đang cần nâng cao, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân cùng chung tay xây dựng quê hương, thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững…
Đông đảo người dân xã Yên Quang (Kỳ Sơn) đến xem và cổ vũ chương trình tuyên truyền giao lưu văn nghệ với chủ đề "Chung tay xây dựng nông thôn mới" tại trụ sở UBND xã.
Mặc dù đã có sự cố gắng, nhưng đến nay, lộ trình xây dựng NTM của xã còn gặp nhiều khó khăn, hiện mới đạt 11/19 tiêu chí. Để tạo sức bật cho phong trào xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền xã luôn chú trọng thúc đẩy công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị, các buổi họp xóm, sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của các xóm; tổ chức lễ phát động phong trào thi đua "Xã Yên Quang chung sức xây dựng NTM”... Thông qua hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mỗi tập thể, cá nhân, gia đình hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa cũng như vai trò của cá nhân, tổ chức trong phong trào xây dựng NTM.
Thực tế, đời sống xã hội ở xã Yên Quang có phần nổi trội so với các xã trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 32 triệu đồng/năm. Những năm gần đây, số hộ khá, giàu không ngừng tăng lên, số hộ nghèo giảm dần. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo UBND xã, công tác giảm nghèo trên địa bàn chưa bền vững. Cụ thể, qua công tác rà soát hộ nghèo năm 2018 cho thấy, toàn xã còn 66 hộ nghèo, tương ứng với 6,65% hộ dân (tăng 12% hộ nghèo so với năm 2017). Xác định để thoát nghèo bền vững cần thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, cùng với việc đầu tư hỗ trợ sản xuất, cấp ủy, chính quyền xã luôn chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân về công tác giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 6,2%.
Thúy Hằng