Từ đầu năm đến nay, có thêm hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Đà Bắc được tiếp cận vốn chính sách. Ảnh: Hoạt động giao dịch tại xã Toàn Sơn.
Là huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện rất lớn. Thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của người dân, những năm qua, Phòng giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Đà Bắc đã gần dân, sát dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, truyền tải kịp thời vốn chính sách đến với Nhân dân. Đồng chí Nguyễn Bình Nam, Giám đốc PGD NHCSXH huyện cho biết: Năm 2020, doanh số cho vay vốn chính sách trên địa bàn huyện đạt trên 132,6 tỷ đồng, đến hết năm, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt gần 380 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2019. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội thì vốn chính sách đã được truyền tải kịp thời, trở thành điểm tựa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện. Theo đó, trong năm 2020, có 3.588 lượt khách hàng được vay vốn. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giải quyết việc làm cho 169 lao động nhàn rỗi, xây dựng được 1.169 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT), giúp trên 420 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn với lãi suất thấp phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay và chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, PGD NHCSXH huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Đơn vị tích cực tham mưu UBND huyện chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách. Kịp thời kiện toàn, bổ sung thành viên Ban đại diện khi có sự thay đổi. Chỉ đạo chính quyền địa phương rà soát đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo chưa được tiếp cận nguồn vốn để xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn tín dụng. Tập trung kiểm tra, đôn đốc các trường hợp khách hàng trên 3 tháng không hoạt động, tuyên truyền các hộ gửi tiền tiết kiệm tổ theo quy ước (60.000 đồng/hộ/tháng). Kịp thời phân bổ nguồn vốn tới các xã, thị trấn để triển khai cho vay, không để tồn đọng nguồn vốn.
Với những giải pháp đó, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, vốn chính sách đã được truyền tải kịp thời đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Trong đó, các chương trình cho vay như: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn có mức tăng trưởng dư nợ lớn nhất. Theo đồng chí Nguyễn Bình Nam, Giám đốc PGD NHCSXH huyện, vốn vay được truyền tải đến đúng đối tượng, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích nên đạt được những hiệu quả thiết thực. Từ đầu năm đến nay có trên 1 nghìn lượt khách hàng vay vốn NHCSXH; nguồn vốn tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi, xây dựng được trên 340 công trình NS&VSMTNT, giúp trên 400 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn lãi suất thấp phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, đã giúp người dân từng bước vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống.
Viết Đào