Trên địa bàn tỉnh, các khu di tích, điểm du lịch văn hóa - tâm linh đón nhiều du khách trong mùa lễ hội xuân là: Đền Bờ (Cao Phong, Đà Bắc), chùa Tiên (Lạc Thủy), chùa Hòa Bình Phật Quang (TP Hòa Bình)… Các đền, đình, chùa, miếu nhỏ rải rác tại các địa phương dịp đầu xuân cũng thu hút người dân đến dâng hương, chiêm bái.
Song, các đình, đền, chùa, miếu tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao, đặc biệt vào mùa lễ hội. Thượng úy Nguyễn Tiến Hùng, đội Hướng dẫn kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh phân tích: Các thiết chế này phần lớn được xây dựng với kết cấu gỗ, bên trong nhiều đồ dễ cháy như tượng, đồ thờ cúng, vàng mã, hương, nến... Dịp đầu xuân, lượng khách đông, gia tăng nhu cầu sử dụng điện, thắp hương, hóa vàng. Ngoài ra, lượng xe, tàu, thuyền dừng, đỗ tại các bến, bãi tăng cũng tiềm ẩn nguy cơ phát sinh cháy, nổ. Một số cơ sở thờ tự nằm ở vị trí cao, không có nguồn nước dự trữ, liền kề với nhiều cây bụi, lau lách dễ cháy mùa hanh khô. Mùa lễ hội tập trung nhiều người, nếu xảy ra cháy, nổ rất nguy hiểm.
Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch kiểm tra công tác PCCC &CNCH các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh. Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn về PCCC, phòng nổ hoạt động lễ hội 2023. Qua kiểm tra cho thấy, Ban quản lý các di tích, ban tổ chức lễ hội chú trọng công tác PCCC hơn trước. Chủ động trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ, niêm yết nội quy PCCC, tiêu lệnh chữa cháy. Bố trí nơi đốt vàng mã tại các vị trí an toàn. Phát loa tuyên truyền, khuyến cáo PCCC. Bố trí, phân công người thường trực sẵn sàng chữa cháy…
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, công tác PCCC tại một số nơi vẫn chưa thực sự được quan tâm; chưa đầu tư trang thiết bị, chưa có kế hoạch, phương án chữa cháy theo quy định; thủ nhang, người quản lý, trông coi chưa tập huấn nghiệp vụ PCCC. Nhiều hàng quán hoạt động thời vụ nên đầu tư cho công tác PCCC hạn chế, chưa duy trì thường xuyên. Có nơi hệ thống cung cấp gas không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC; dây dẫn điện đặt gần vật liệu dễ cháy, không được luồn trong ống gen bảo vệ… Trong khi đó, một số người chưa chấp hành tốt quy định PCCC, vẫn thắp hương, gài hương bên trong nơi thờ tự.
Trong nước từng xảy ra cháy tại các đền, chùa. Trên địa bàn tỉnh tuy chưa xảy ra vụ cháy lớn tại cơ sở thờ tự nhưng cũng từng xảy ra cháy cây bụi, lau lách trong khuôn viên di tích và một số sơ xuất trong sử dụng nguồn điện, lửa trần.
Để đảm bảo an toàn PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH phối hợp với Công an các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra từ ngày 17/1 - 15/4 đối với: Các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo; điểm tổ chức hoạt động lễ hội, văn hóa; phương tiện thủy nội địa chở khách, vận chuyển chất nguy hiểm cháy, nổ; bến, bãi phục vụ lễ hội. Tập trung kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm trong công tác PCCC&CNCH của người đứng đầu cơ sở; các điều kiện an toàn PCCC, thoát nạn; thực tế tình trạng hoạt động của các dụng cụ, phương tiện chữa cháy; duy trì chế độ thường trực sẵn sàng chữa cháy…
Di tích đền Thác Bờ thuộc xã Thung Nai (Cao Phong) thu hút đông du khách thập phương. Ông Quách Văn Hoan, đội trưởng đội chữa cháy cơ sở cho biết: Nhà đền đã thành lập đội chữa cháy và được tập huấn nghiệp vụ; trang bị bình chữa cháy xách tay; phân công đội viên trực, trông coi. Song, vẫn còn một số du khách thắp cả bó hương nghi ngút, cần nhắc nhở kịp thời.
Ngoài kiểm tra, nhắc nhở của cơ quan chức năng, để "thần lửa” không ghé thăm, theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, cần sự chung tay vào cuộc của các ban quản lý, ban tổ chức, thủ nhang và người dân. Phát huy phương châm "4 tại chỗ” để có thể dập tắt đốm lửa nhỏ từ khi mới phát sinh; sẵn sàng phương án thoát nạn. Không xem nhẹ công tác PCCC, vì đám cháy diễn biến rất nhanh, "nước xa không cứu được lửa gần”. Người dân cần nâng cao ý thức, thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; tập thói quen quan sát lối thoát nạn khi đến nơi mới… Đi lễ cầu một năm mới tốt lành nên cần chấp hành quy định PCCC để an yên từ đầu năm.
Cẩm Lệ