Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp với lực lượng công an kiểm tra hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Yên Thủy.
Đồng chí Hoàng Đức Trường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện cơ sở sản xuất, chế biến hàng giả, hàng nhái. Hầu hết các vụ việc phát hiện là vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng… Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường tinh kiểm tra 1.078 vụ việc vi phạm hàng hóa (bằng 100,09% kế hoạch năm), phát hiện 452 vụ vi phạm (chiếm 42%). Cục đã xử lý và thu nộp ngân sách nhà nước gần 2 tỷ đồng. Giá trị hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy trên 38 triệu đồng, tịch thu hàng hóa giá trị trên 472 triệu đồng. Trong đó có 8 vụ việc vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, 186 vụ việc vi phạm về lĩnh vực giá và đầu cơ găm hàng, 7 vụ việc vi phạm trong kinh doanh, 35 vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm và 223 vụ việc vi phạm khác.
Điển hình là tháng 10 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 2 đã phối hợp với Đội Cảnh sát 113 thuộc Phòng PC06, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra ô tô tải biển kiểm soát 29C - 82047 do ông Nguyễn Xuân Thu điều khiển, đã phát hiện hàng hóa là que cay, trà sữa lắc trân châu, da heo chiên giòn là hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ, trị giá trên 13,8 triệu đồng. Đoàn kiểm tra tiến hành xử phạt và tiêu hủy hàng hóa.
Đồng chí Hoàng Đức Trường cho biết thêm: Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm có nhiều diễn biến phức tạp do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của nhân dân tăng cao. Do vậy, Cục Quản lý thị trường ban hành kế hoạch cao điểm chốngbuôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2024. Theo đó, từ ngày 20/11/2023 đến hết ngày 29/2/2024, các Đội Quản lý thị trường địa bàn tập trung công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân dịp Tết Nguyên đán. Đội Quản lý thị trường cơ động chủ động phối hợp với lực lượng chức năng, các đội địa bàn áp dụng các biện pháp nghiệp vụ xác minh thông tin và phối hợp với lực lượng công an kiểm tra ô tô vận chuyển hàng hóa từ các địa phương
khác vào tỉnh tiêu thụ khi có dấu hiệu vi phạm. Đấu tranh, phát hiện xử lý các kho hàng, cơ sở sản xuất - kinh doanh, các đối tượng vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng… có quy mô liên tỉnh, liên huyện. Đồng thời kết hợp tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân ký cam kết với cơ quan quản lý thị trường không kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, không đảm bảo chất lượng và các hành vi vi phạm khác.
Đối với người tiêu dùng, để đấu tranh chống hàng giả, mà cũng là tự bảo vệ mình, trước hết cần nâng cao nhận thức để có được thông tin chính xác về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng. Kiểm tra kỹ các tem, nhãn và bao bì của sản phẩm để phát hiện bất kỳ sự không phù hợp nào như chính tả sai, in mờ, tem bị rách hoặc không đầy đủ thông tin. Ưu tiên mua hàng từ các cửa hàng, nhà bán lẻ và trang web có uy tín. Áp dụng công nghệ tiên tiến, như mã vạch, mã QR, công nghệ blockchain để giám sát nguồn gốc và chứng thực sản phẩm... Tránh mua hàng từ các nguồn không rõ nguồn gốc và không tin cậy. Kiểm tra kỹ chất lượng sản phẩm trước khi mua. Nếu có thể, xem xét việc tra cứu thông tin về sản phẩm, như số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng để đảm bảo tính chính xác. Phát hiện hàng giả, hàng nhái hoặc hàng kém chất lượng, hãy báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Việc báo cáo giúp ngăn chặn sự lây lan của hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng khác.
Việt Lâm