Sau hơn nửa thập kỷ phải di dời về nơi ở mới do ảnh hưởng của thiên tai, hiện nay, đời sống của hàng chục hộ dân thuộc khu vực suối Tào, xóm Bao, xã Giáp Đắt (Đà Bắc) còn vô cùng chật vật.


Đời sống của các hộ dân khu vực suối Tào, xóm Bao, xã Giáp Đắt (Đà Bắc) vẫn gặp nhiều khó khăn sau hơn 5 năm phải di dời do thiên tai. 

Bộn bề khó khăn bủa vây

Sau đợt mưa lớn lịch sử tháng 10/2017, có 25 hộ dân xã Giáp Đắt nằm trong khu vực sạt lở cao và một số hộ bị đất, đá sạt lở vùi lấp nhà cửa. Chính quyền địa phương phải khẩn cấp di chuyển các hộ lên khu xen ghép suối Tào, thuộc xóm Bao. Thế nhưng từ đó đến nay, khu vực di dân này chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu định cư lâu dài. Bên cạnh đó, trải qua các đợt mưa bão từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn xã Giáp Đắt có thêm 15 hộ cần phải di dời đến nơi ở mới do chỗ ở hiện tại nằm trong khu vực sạt lở rất cao. Các hộ này được chính quyền địa phương dự kiến di chuyển lên khu xen ghép suối Tào, xóm Bao.

Sau nửa thập kỷ di dời về nơi ở mới, dù không còn nỗi lo sạt lở nhưng 25 hộ dân khu vực suối Tào vẫn ngay ngáy nỗi lo an cư. Như chia sẻ của bà con, quãng thời gian qua là những tháng ngày sống lay lắt, bởi đường giao thông khó khăn, còn điện, nước thì trở thành những thứ xa xỉ.

Khu vực suối Tào cách khu dân cư xóm Bao khoảng vài trăm mét, các hộ dân sống thưa thớt, 2 - 3 nóc nhà ở một quả đồi. Con đường mòn gập ghềnh, đầy bùn đất chạy lòng vòng qua khe suối dẫn đến các hộ dân xóm tái định cư. Dọc theo con đường là 1 dây vô tuyến khá nhỏ, bà con dùng để kéo điện từ trung tâm xóm về chia nhau sử dụng.

Gần 11 giờ, qua gần chục nóc nhà vẫn khoá trái cửa chúng tôi mới gặp người dân đầu tiên ở khu vực suối Tào, đó là bà Vì Thị Nhắm. Sau hơn 5 năm chuyển vào khu vực suối Tào sinh sống, gia đình bà Nhắm đã làm được căn nhà cấp 4, nhưng trong nhà không có đồ dùng có giá trị. Bà Nhắm chia sẻ: Gia đình chuyển vào đây hơn 5 năm nhưng đời sống còn khó khăn lắm. Điện thì mấy hộ chung nhau một công tơ, vì kéo xa, dây điện nhỏ nên chỉ đủ thắp sáng, không nấu được cơm, không chạy được ti vi, tủ lạnh. Chỗ ở thì chưa ổn định vì nhà vẫn ở gần suối, mùa mưa có nước lũ chạy qua, vừa rồi gia đình phải kè lại khu vực nhà bếp. 

Cách nhà bà Nhắm hơn 200m, gia đình ông Lường Văn Thành (70 tuổi) cũng chuyển vào sinh sống ở khu vực suối Tào đã lâu. "Sống ở đây thì không lo thiên tai nhưng khổ quá vì không có điện, đường sá vào mùa mưa đi lại cực lắm. Mấy năm nay không biết ti vi nó như thế nào, điện chỉ đủ để thắp sáng”, ông Thành bộc bạch. Bên cạnh điện, đường, gia đình ông Thành và đa số hộ dân ở suối Tào phải kéo nước xa hàng trăm mét về để sử dụng. Vào mùa khô nguồn nước khan hiếm, sinh hoạt của bà con gặp rất nhiều khó khăn. 

Tại khu vực suối Tào vẫn còn nhiều hộ  chưa ổn định về nhà ở, sống trong căn nhà sàn cũ, nhiều nhà đã xuống cấp. Gia đình bà Sa Thị Đầy là một trong những hộ đang sống trong căn nhà tạm. Bà Đầy bày tỏ: Trận lũ năm 2019 ngôi nhà của gia đình bị cuốn. Về trong này không còn lo lắng thiên tai nhưng cuộc sống còn khổ nhiều. Điện, đường khó khăn nên làm gì cũng khó, trẻ em đi học cũng rất vất vả. Rất mong các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư hạ tầng khu tái định cư để chúng tôi ổn định cuộc sống. 

Cấp thiết ổn định cuộc sống cho người dân

Ở khu vực suối Tào có những hộ dân sống tách biệt, việc đi lại vô cùng khó khăn, nhất là hộ ông Lường Văn Pán, hộ bà Hà Thị Èn. Bà con suối Tào mong mỏi từng ngày được đầu tư khu tái định cư để ổn định cuộc sống. Lãnh đạo UBND xã Giáp Đắt cho biết: Khu vực suối Tào trước đây là khu trang trại chăn nuôi, sản xuất của một số hộ dân. Năm 2017, sau cơn lũ lịch sử, xã chọn khu vực này để di dời hộ dân bị ảnh hưởng vào. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri cũng như chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền quan tâm, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. 

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết: Ngày 6/11/2023, UBND huyện Đà Bắc có Công văn số 2231/UBND-VP gửi Sở NN&PTNT về việc rà soát, đề xuất dự án bố trí ổn định dân cư cấp bách năm 2024 trên địa bàn huyện. Nội dung nêu rõ: Sau đợt mưa lớn lịch sử tháng 10/2017, có 25 hộ dân xã Giáp Đắt nằm trong khu vực sạt lở cao và một số hộ bị đất, đá sạt lở vùi lấp nhà cửa, huyện đã bố trí 1 khu di dân tái định cư để ổn định chỗ ở lâu dài cho các hộ từ cuối năm 2017, nhưng đến nay do kinh phí của huyện rất khó khăn nên chưa thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng. 

Theo đó, UBND huyện Đà Bắc đề xuất xây dựng dự án bố trí ổn định dân cư Suối Tào, xóm Bao, xã Giáp Đắt với tổng mức đầu tư dự kiến 14,5 tỷ đồng. Dự án được triển khai sẽ đảm bảo ổn định lâu dài cho 25 hộ dân đã di chuyển từ năm 2017 và 15 hộ rất cần có nơi ở mới sau các đợt mưa bão từ năm 2019 đến nay. Quy mô thực hiện dự án là san nền diện tích 1 ha, xây dựng khoảng 2,5km đường dây điện hạ thế 0,4kV, xây dựng bai, bể lọc và đường ống HDPE các loại cung cấp nước sinh hoạt. 

Như vậy, nếu dự án được triển khai sẽ giúp người dân khu vực suối Tào, xóm Bao, xã Giáp Đắt ổn định cuộc sống. Với những khó khăn phải trải qua trong suốt nửa thập kỷ qua, người dân xóm Bao từng ngày mong mỏi sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền để "an cư, lạc nghiệp” sau khi buộc phải di dời nơi ở do thiên tai gây ra.


Viết Đào

Các tin khác


Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Công đoàn

Một trong bốn chương trình trọng tâm của Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ 2023 - 2028 là chương trình chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn.

Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội Người cao tuổi 

Ngày 7/12, Hội Người cao tuổi tỉnh tổ chức hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội năm 2023. Tham dự có gần 200 đại biểu đến từ 10 huyện, thành phố trong tỉnh.

Tập huấn công tác thông tin đối ngoại về quyền con người

Ngày 7/12, tại TP Hòa Bình, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại (TTĐN) về quyền con người. Dự hội nghị có các đồng chí: PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo công tác TTĐN T.Ư; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Cục TTĐN, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ, Bộ Công an... Tham dự có 280 đại biểu làm công tác TTĐN về quyền con người của 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. 

Nâng tầm vị thế "người trực tiếp đưa luật về cơ sở"

Người dân sinh sống ở vùng nông thôn thường chịu ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông, những lệ làng, luật tục, chưa có thói quen và ý thức giải quyết mối quan hệ xã hội theo quy phạm pháp luật. Vì vậy, các hòa giải viên ở cơ sở phải chia sẻ một phần đáng kể gánh nặng "đưa luật về làng”.

Agribank chi nhánh huyện Mai Châu: Tặng 150 suất cơm cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn

Ngày 5/12, Agribank chi nhánh huyện Mai Châu phối hợp với ABIC Hà Nội tổ chức chương trình "Bữa cơm nghĩa tình”, tặng suất cơm miễn phí cho người bệnh và thân nhân tại Trung tâm Y tế huyện Mai Châu.

Cử tri mong HĐND tỉnh đưa ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp

Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Hoà Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã khai mạc sáng nay 6/12. Đây là kỳ họp thường lệ cuối năm2023, xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục