Kịp thời tháo gỡ khó khăn, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách
Bùi Văn Hải Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy Năm 2023, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, huyện Yên Thủy thực hiện phương châm các việc cấp bách phải được giải quyết ngay; các vấn đề lớn, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm được tập thể bàn bạc kỹ lưỡng, thông suốt, thấu đáo trước khi quyết định nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH của huyện. Theo đó, huyện đã cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát. Đặc biệt là chỉ tiêu về thu ngân sách nhà nước đạt kết quả đáng mừng. Trong năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 135.157 triệu đồng, đạt 207,3% dự toán tỉnh giao và 75,1% chỉ tiêu Nghị quyết Huyện ủy, bằng 89,1% so với cùng kỳ; thu ngân sách địa phương ước đạt 788.994 triệu đồng, bằng 155,4% dự toán UBND tỉnh giao và 130,3% chỉ tiêu Nghị quyết Huyện ủy, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Căn cứ vào dự báo tình hình KT-XH của tỉnh, xác định trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, kinh tế khó khăn, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao từ huyện đến cơ sở. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, huyện tập trung tháo gỡ những vướng mắc về giải quyết thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để sản xuất, kinh doanh phát triển. Đồng thời tính đến các phương án bù thu đối với các khoản thu dự kiến khó thực hiện. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, dự báo, đánh giá, phân tích, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, đánh giá kịp thời những yếu tố tác động ảnh hưởng tăng, giảm nguồn thu NSNN trên địa bàn để kịp thời đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả. |
Kỳ vọng Quy hoạch tỉnh sẽ kiến tạo động lực cho tăng trưởng KT-XH
Đỗ Duy Liên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển và xây dựng Sao Vàng Quy hoạch được xem như một công cụ quản lý mang tính định hướng, định hình, đảm nhiệm vị trí tiên phong, mở đường, dẫn dắt tiến trình phát triển. Quy hoạch cấp tỉnh có tầm quan trọng đặc biệt, tạo hành lang vững chắc cho phát triển bền vững của địa phương, cùng các tỉnh, thành phố hoàn thiện bức tranh phát triển tổng thể của quốc gia. Chính vì vậy, việc Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân toàn tỉnh nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Có thể thấy, Quy hoạch tỉnh rất toàn diện, với phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên thuộc 10 đơn vị hành chính trong tỉnh; định hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương... Quy hoạch tỉnh xác định công nghiệp là động lực của nền kinh tế, du lịch là mũi nhọn, nông nghiệp sản xuất hàng hóa, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là nền tảng, gắn kết với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị xanh, thông minh. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình. Quy hoạch 2 đô thị, lập quy hoạch xây dựng 8 vùng huyện... Tiếp cận với nội dung Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt, chúng tôi tin tưởng Quy hoạch tỉnh sẽ tạo nên hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững, kiến tạo động lực cho tăng trưởng KT-XH, là nền tảng để tiếp tục khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng theo đúng định hướng và đạt được hiệu quả cao nhất trong thời gian sớm nhất. |
Cải cách hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân
Đỗ Mai Thanh Chuyên viên Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) Thời gian qua, văn hóa công vụ được xác định là nội dung cốt lõi trong cải cách chế độ công vụ - 1 trong 4 lĩnh vực trọng tâm của cải cách hành chính và được xây dựng thành tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính của các đơn vị, địa phương. Tỉnh ta đã xác định công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị là một khâu đột phá để thúc đẩy phát triển KT-XH trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trước thềm năm mới 2024, là một cán bộ công tác trong ngành Nội vụ, bản thân tôi cũng như cán bộ, công nhân viên chức Sở Nội vụ không ngừng nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng phong cách trọng dân, gần dân, thái độ tận tụy phục vụ nhân dân. Tích cực học tập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi và xử lý công việc, vừa góp phần tiết kiệm (giấy, bút, mực...), vừa xử lý công việc nhanh chóng, hợp lý hơn. Chúng tôi thường xuyên đi cơ sở tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, để từ đó đề ra các giải pháp cải tiến phương pháp làm việc giúp công tác giải quyết hồ sơ công việc được giao nhanh chóng, kịp thời và đảm bảo quy định về thời gian, chất lượng, làm hài lòng các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, chúng tôi cũng mong nhận được sự quan tâm, đầu tư kinh phí mua trang thiết bị phục vụ cho hoạt động cải cách hành chính nhằm rút ngắn quá trình chuyển tải hồ sơ, thông tin cần thiết giữa các bộ phận có liên quan cũng như giữa người dân với cơ quan Nhà nước. |
Cơ hội được hợp tác, liên kết vươn ra thị trường lớn
Nguyễn Thị Bảy Giám đốc Hợp tác xã Lương Phú, huyện Tân Lạc Các hợp tác xã có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm tại địa phương. Đồng thời, hợp tác xã đảm bảo đời sống cho các thành viên, người lao động, góp phần giải quyết an ninh lương thực, tăng trưởng kinh tế... Trong những năm qua, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo thuận lợi cho các hợp tác xã nói chung, hợp tác xã nông nghiệp nói riêng được phát triển và mở rộng quy mô sản xuất. Các hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ về vốn, kiến thức, khoa học công nghệ để có cơ hội chuyển đổi, áp dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động. Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại giúp các đơn vị được liên kết, hợp tác mở rộng nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ đó mở rộng quy mô sản xuất, cải thiện trình độ sản xuất, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao và có thể kiểm soát rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các hợp tác xã còn được tiếp cận hướng nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, từ đó giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận trong chuỗi giá trị nông nghiệp, mang lại lợi ích lớn hơn cho hợp tác xã và các thành viên. |
Đổi thay nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia
Xa Văn Hòe Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Lương (Đà Bắc) Hiền Lương là xã thuộc vùng lòng hồ Hoà Bình của huyện Đà Bắc. Trước đây giao thông trắc trở, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã giúp diện mạo của xã ngày càng đổi thay tích cực, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Năm 2019, xã Hiền Lương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hiện đang phấn đấu thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã giúp hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã được đầu tư đồng bộ. Bên cạnh đó, bà con được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 44 triệu đồng. Hiện nay, người dân xã Hiền Lương tiếp tục được hưởng lợi từ các Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, hệ thống hạ tầng thiết yếu tiếp tục được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, người dân trên địa bàn xã được hỗ trợ con giống và tập huấn về khoa học - kỹ thuật áp dụng vào một số mô hình sản xuất như: nuôi dê, nuôi cá lồng. Nhờ đó đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Bên cạnh đó, các chương trình MTQG còn đào tạo nghề cho người dân trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, các lớp dạy về kỹ năng để phục vụ phát triển du lịch. Đây là sự hỗ trợ thiết thực, phù hợp với thực tế của địa phương, là động lực quan trọng để giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở xã Hiền Lương.
|