Các địa phương đang nỗ lực tuyên truyền, tư vấn và hỗ trợ công dân mở tài khoản phục vụ chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phấn đấu nâng tỷ lệ đối tượng nhận chi trả không dùng tiền mặt đến cuối năm 2024 đạt hơn 30%.
Đẩy mạnh tuyên truyền vận động
Từ năm 2023, xã Cẩm Thanh được chọn là một trong 2 địa phương thí điểm chi trả an sinh xã hội (ASXH) không dùng tiền mặt tại TP Hội An (Quảng Nam), khi trên địa bàn có đến 416 người có công và 583 đối tượng đang hưởng bảo trợ xã hội (nhiều nhất TP.Hội An), với tổng số tiền chi trả mỗi tháng hơn 1,1 tỷ đồng.
Chi trả lương hưu và chế độ chính sách. Ảnh: XC
Bà Lê Thị Thúy Diễm, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh thông tin, địa phương xác định việc thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối với người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội là một trong những nội dung để thực hiện đề án của Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia” với mục tiêu mang lại tiện ích tốt nhất cho người dân.
"Dù vậy, người có công, bảo trợ xã hội lâu nay đã quen với việc nhận tiền mặt tại điểm chi trả, nên khi đổi hình thức chuyển tiền qua tài khoản, ban đầu không khỏi có tâm lý e ngại”, bà Diễm cho biết.
Xã đã tuyên truyền để người dân nắm và hiểu rõ hơn về các tiện ích khi không nhận tiền mặt mà chuyển tiền sang thẻ ATM như tiết kiệm thời gian khi không phải chờ đợi, không phải đi lại vào một khoảng thời gian nhất định, không phải làm thủ tục ủy quyền nhận thay nếu đau ốm không đi nhận được, cất giữ thuận lợi.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tuyết, xóm trưởng xóm 1 thôn Sài Khê, xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội) trong thời gian qua đến tận nhà 25 người thuộc diện hưởng chính sách an sinh xã hội về chủ trương chi trả không dùng tiền mặt và cách mở tài khoản. "Do đặc trưng của nhóm đối tượng này, nên phải tuyên truyền từ từ để họ nhận thấy lợi ích. Với những người có hoàn cảnh khó khăn, không có điện thoại thông minh, họ nhờ con cháu, người thân hỗ trợ. Gia đình tôi có một người được hưởng trợ cấp hàng tháng, nay thực hiện chi trả qua tài khoản, tôi thấy rất tiện lợi”, bà Tuyết chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng, toàn huyện Quốc Oai có hơn 12.000 người có công với cách mạng và đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội. Triển khai các yêu cầu về chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, huyện đã chủ động ban hành kế hoạch thực hiện, trong năm 2023 đã chi trả qua tài khoản cho hơn 2.000 đối tượng. UBND huyện cũng đang triển khai đợt cao điểm vận động để mởi tài khoản cho 100% người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội.
Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, Sở đã chỉ đạo toàn hệ thống ngành tập trung bố trí nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với UBND, Công an quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và các lực lượng hỗ trợ có liên quan trong việc làm sạch dữ liệu an sinh xã hội, với mục tiêu bảo đảm 100% người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội được cập nhật đầy đủ thông tin phục vụ việc mở tài khoản. Sở cũng đã chỉ đạo Phòng LĐTBXH các quận, huyện, thị xã phối hợp Tổ công tác 06 cùng cấp thực hiện tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân mở tài khoản ngân hàng, nhằm bảo đảm mục tiêu thực hiện chi trả cho người dân thuộc diện hưởng chính sách an sinh xã hội.
Rà soát, làm sạch dữ liệu cá nhân
Thiếu tá Đào Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân - Trung Tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (C06) cho biết, Bộ Công an cùng với Bộ LĐTBXH đã tạo lập, đối soát, làm sạch toàn bộ dữ liệu về an sinh xã hội với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây chính là điều kiện quan trọng nhất để chi trả đúng người, đúng đối tượng và không bị gian lận. C06 đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính, cùng với UBND các địa phương hoàn thiện tính năng an sinh xã hội nhằm xây dựng nền tảng thanh toán chi trả an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID. Bộ Công an cũng hướng tới mục tiêu cùng với các bộ, ngành sẽ xây dựng cho tất cả công dân đều có tài khoản an sinh xã hội được xác thực với danh tính từ dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bà Vũ Thị Thanh Hà, Chánh Văn phòng Trung tâm thông tin, Bộ LĐTBXH cho biết, đối tượng chi trả an sinh xã hội thuộc ngành quản lý là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác. Bộ LĐTB&XH đã hợp với C06 để triển khai rà soát, làm sạch thông tin cá nhân; tuyên truyền để các đối tượng chi trả an sinh xã hội chủ động mở tài khoản thanh toán; hỗ trợ các cụ cao tuổi lập tài khoản thanh toán...
"Chúng tôi phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản đạt tối thiểu 30% tổng số đối tượng thuộc địa phương quản lý. Trường hợp đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội không đủ điều kiện mở tài khoản theo quy định và không có người ủy quyền nhận thay thì thực hiện chi trả trực tiếp qua tổ chức dịch vụ chi trả hoặc phương thức khác”, bà Vũ Thị Thanh Hà thông tin.
Ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho hay: Bộ LĐTBXH, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương đang thúc đẩy chi trả an sinh không dùng tiền mặt. Hiện, nhóm bảo trợ xã hội, người có công và nhóm chính sách khác khoảng 5 triệu người. Trong đó khoảng 20% người dân đã đăng ký tài khoản tín dụng ngân hàng để nhận chi trả trợ cấp.
Bộ LĐTBXH và Bộ Công an sẽ phân loại dữ liệu các nhóm hưởng trợ cấp. Công an cấp xã, phường sẽ vận động, hướng dẫn người dân mở tài khoản thanh toán qua phần mềm VNeID, đồng thời rà soát, liên thông dữ liệu cho ngành lao động - thương binh và xã hội.
Ngành sẽ thí điểm ở 5 thành phố lớn có hạ tầng chi trả thuận lợi, sau đó tiến tới các nơi vùng sâu, vùng xa, địa lý khó khăn. Việc thực hiện này sẽ có lộ trình, bước đi phù hợp vì chi trả không dùng tiền mặt liên quan đến hạ tầng đồng bộ, người dân có rút được tiền nhanh chóng không. Căn cứ thực tiễn, các địa phương sẽ đề xuất giải pháp cụ thể.
Theo Báo Tin tức
Ngày 5/4, tại Trường Chính trị tỉnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh năm 2024 (KĐ24.03) theo Đề án 587 cho 52 học viên là cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang.
Triển khai từ năm 2021, Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi (NCT) tại Việt Nam” (VIE071) đã hoàn thành mục tiêu thành lập 30 câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN). Mô hình đã trở thành điểm tựa cho NCT, đặc biệt đối với NCT neo đơn, hoàn cảnh khó khăn được hưởng lợi từ các hoạt động chăm sóc sức khỏe, tăng thu nhập…, giúp NCT nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sống vui - khỏe - hạnh phúc.
Hiến máu tình nguyện (HMTN) là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn. Cách đây 24 năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về vận động, khuyến khích HMTN và lấy ngày 7/4 hằng năm là "Ngày toàn dân HMTN”. Đây là dấu mốc quan trọng trong phong trào HMTN, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nghỉ 5 ngày liên tiếp dịp lễ 30/4 và 1/5 năm 2024 bằng cách hoán đổi ngày làm việc bình thường và làm bù sang ngày khác.
UBND tỉnh vừa có Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 về việc ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024.
Ngày 4/4, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC theo Quyết định số 104/QĐ-TTg, ngày 25/1/2024 và Quyết định số 1085/QĐ-TTg, ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ; tái cấu trúc quy trình TTHC, cung cấp dịch vụ công liên thông theo Quyết định số 206/QĐ-TTg, ngày 28/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, đại diện cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC các sở, ngành.