Các khu vui chơi được các nhà trường đầu tư đảm bảo cho trẻ em hoạt động, trải nghiệm. Ảnh chụp tại trường Tiểu học Sông Đà (TP Hoà Bình).
Điều đáng nói, đa phần các trường hợp bị TNTT đều xuất phát từ sự chủ quan, sơ suất của chính gia đình. Mỗi loại hình TNTT thường mắc theo lứa tuổi đặc trưng nhiều hơn, trong đó, đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu cho mọi lứa tuổi. Nhằm phòng, chống TNTT, đuối nước dịp hè cho trẻ em, năm nào ngành chức năng của tỉnh cũng có văn bản đề nghị các cấp, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, quản lý trẻ em, triển khai các biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ, như: làm nắp đậy giếng, bể nước, dụng cụ chứa nước sinh hoạt; làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông suối, các khu vực nước sâu, nguy hiểm trên địa bàn quản lý; đồng thời cung cấp thông tin kịp thời, cảnh báo những địa điểm khu vực có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn đuối nước; phát triển hệ thống bể bơi thông minh, bể bơi tự tạo để tổ chức các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phổ cập bơi an toàn cho trẻ em...
Cụ thể hóa chỉ đạo của tỉnh, ngày 7/5/2024, Sở GD&ĐT ban hành công văn yêu cầu các đơn vị, trường học thực hiện các biện pháp tăng cường hoạt động đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên (HSSV), học viên trong dịp nghỉ hè năm 2024. Mục đích giúp HSSV, học viên trong các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh được tham gia các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường một cách liên tục, có định hướng và hướng dẫn cụ thể, tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong những ngày hè bổ ích. Tăng cường sự phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc giáo dục, quản lý HSSV; quản lý việc học tập, rèn luyện về đạo đức, tác phong, ý thức tổ chức kỷ luật, hoạt động một cách thống nhất, có tổ chức bài bản, nền nếp và hiệu quả.
Sở GD&ĐT yêu cầu 100% HSSV, học viên được bàn giao về địa phương quản lý và sinh hoạt trong dịp hè năm 2024. Tuyệt đối không để HSSV, học viên sinh hoạt tự do mà không có tổ chức đoàn thể và chính quyền, gia đình quản lý; không để bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào các tệ nạn xã hội hoặc các hành vi vi phạm pháp luật, không để xảy ra các trường hợp bị TNTT, đuối nước... trong dịp nghỉ hè. Các đơn vị, trường học phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn xây dựng và triển khai kế hoạch chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý chặt chẽ HSSV, học viên trên địa bàn đảm bảo các em được hoạt động toàn diện dưới sự quản lý, tổ chức hoạt động của địa phương mà nòng cốt là Đoàn Thanh niên, tổ dân phố, ban đại diện cha mẹ học sinh. Chú trọng triển khai hoạt động tư vấn tâm lý và công tác xã hội học đường, phòng tránh những sự việc đáng tiếc, đặc biệt trước, trong và sau khi các kỳ thi diễn ra; theo dõi, phát hiện các khó khăn tâm lý của HSSV, học viên và kịp thời có các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, đền ơn - đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn; các lớp giáo dục kỹ năng sống, chú trọng các nhóm kỹ năng tự bảo vệ, tự chăm sóc bản thân, vệ sinh cá nhân, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, thực hành xã hội, dạy bơi và các hoạt động ngoại khoá khác tại địa bàn cư trú…
Tuy vậy, công tác quản lý trẻ em trong dịp hè là bài toán khó, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường, địa phương. Để trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh, bình an, cần có sự chung tay phối hợp giữa nhà trường với chính quyền, đoàn thể ở địa phương để tạo những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em. Về phía gia đình rất quan trọng trong quản lý, tạo môi trường chủ động phòng ngừa TNTT cho trẻ.
Linh Trang