Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng bão số 3 đã gây thiệt hại lớn đối với xã Cao Sơn (Đà Bắc). Đặc biệt, ngày 12/9, xã Cao Sơn đã phải sơ tán khẩn cấp 14 hộ dân cùng tài sản đến nơi an toàn. Nguyên nhân là phía trên đồi Ao Ếch sau xóm xuất hiện vết nứt dài, nguy cơ trượt sạt xuống nhà dân.
Vết nứt xuất hiện sau đợt mưa lớn kéo dài trên đồi Ao Ếch, xóm Rằng, xã Cao Sơn (Đà Bắc).
Lực lượng chức năng hỗ trợ di dời tài sản của người dân đến điểm tập kết Trường Tiểu học xóm Rằng, xã Cao Sơn (Đà Bắc).
Sáng 13/9, sau một đêm tiếp tục có mưa lớn, thời tiết ở xóm Rằng đã hửng nắng. Những tia nắng hiếm hoi xuất hiện sau đợt âm u kéo dài. Thế nhưng, đường về xóm Rằng vẫn còn những trắc trở, nguy hiểm. Tuyến đường từ xóm Lanh đi xóm Rằng bị sạt lở nghiêm trọng, ách tắc chưa thể lưu thông. Tuyến từ đường tỉnh 433 đi xóm Rằng xuất hiện nhiều điểm sạt lở, nước và bùn vẫn đang chảy. Từ sáng sớm, chính quyền đã huy động máy xúc để thông đường tạm cho người và phương tiện lưu thông. Khu vực 14 hộ dân sinh sống hiện nhà nào cũng khoá cửa, tất cả các hộ đã được sơ tán đến nhà người thân trong xóm để đảm bảo an toàn.
Sáng 13/9, đoàn công tác của Sở NN&PTNT đã kiểm tra hiện trạng sạt lở tại xóm Rằng, xã Cao Sơn (Đà Bắc).
Dù đã tạnh mưa nhưng khu vực đồi Ao Ếch lượng nước vẫn chảy xuống khá nhiều. Trưởng xóm Rằng Lường Văn Hậu thông tin: Hôm 11/9, chúng tôi 2 lần nghe thấy tiếng nổ lớn như nổ mìn, sau đã phát hiện trên đồi Ao Ếch xuất hiện vết nứt lớn. Xóm đã báo cáo xã xin di dời các hộ có nguy cơ ảnh hưởng. Ngay hôm 12/9, xã đã cử lực lượng đến vận chuyển tài sản của các hộ dân tập kết tại điểm Trường Tiểu học xóm Rằng. Người dân cũng đã được sơ tán.
Đã nhiều thế hệ sinh sống ở xóm Rằng, chưa bao giờ ông Xa Văn Thạo và bà con lại phải trải qua những giây phút lo lắng như hiện nay. Ông Thạo chia sẻ: Gia đình tôi đã sống nhiều thế hệ tại khu vực này. Năm 2017 đã xảy ra sạt lở một lần nhưng mức độ không đáng kể như đợt này. Mưa bão lần này rất nguy hiểm, nhiều nơi thiệt hại lớn, giờ phía trên đồi đang có nguy cơ sạt lở thì không thể ở được nữa. Chúng tôi rất mong được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ nơi ở mới an toàn hơn.
Cùng xóm và cùng chung mong muốn như ông Thạo, bà Xa Thị Biên bày tỏ: Năm 2018, gia đình tôi bị nước lũ kéo theo bùn đất chảy vào nhà bếp hỏng hết đồ đạc. Đợt này nguy hiểm hơn, không chỉ có nước lũ mà còn có nguy cơ sạt lở đất. Khi chính quyền tuyên truyền, hỗ trợ, gia đình tôi đã di dời hết đồ đạc.
Đồng chí Ngô Văn Cường, Bí thư Đảng uỷ xã Cao Sơn cho biết: Qua khảo sát cho thấy, tại mái đồi Ao Ếch phía sau xóm Rằng có vết nứt lớn, vị trí này có độ dốc 850. So với thời điểm mới phát hiện, hiện vết nứt rộng hơn và nghe có tiếng nước chảy bên dưới. Quan sát phía dưới cách vết nứt 200m có những mạch nước đục từ trong lòng đất chảy ra. Nhận định nguy cơ xảy ra sạt trượt đất, đá rất cao, xã đã di dời người dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Sau khi di dời, xã đã báo cáo huyện, tỉnh tạo điều kiện bố trí nơi ở mới an toàn cho người dân.
Trong sáng 13/9, đoàn công tác của Sở NN&PTNT đã kiểm tra, đánh giá thực tế tình hình tại xóm Rằng, xã Cao Sơn. Đồng chí Trần Quốc Toản, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh cho biết: Qua khảo sát sơ bộ cho thấy, nguy cơ xảy ra sạt lở tại khu vực này rất lớn với chiều cao khối sạt trên 200m, vòng cung dài khoảng 500m nên khối lượng đất, đá cực lớn. Toàn bộ khu vực dân cư xóm Rằng với 25 hộ đều có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu xảy ra sạt lở đất. Trước mắt, địa phương đã di dời 14 hộ dân. Qua khảo sát, chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị xã, huyện tiếp tục khảo sát, đánh giá và di dời tiếp những hộ còn lại đến nơi an toàn. Điểm Trường Mầm non xóm Rằng cũng có nguy cơ cao, đoàn sẽ kiến nghị huyện cho dừng việc học đến khi có đánh giá thật cụ thể.
Theo thông tin mới nhất từ UBND xã Cao Sơn, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, trong chiều 13/9, xã đang di rời khẩn cấp toàn bộ 25 hộ khu vực có nguy cơ sạt lở tại xóm Rằng để đảm bảo an toàn.
Viết Đào
Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, với tinh thần "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, tuổi trẻ trong toàn tỉnh tích cực hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng thiên tai. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã đề ra nhiều giải pháp huy động sức mạnh của tuổi trẻ để chung tay hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả mưa bão.
Chiều 12/9, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức chương trình thăm, tặng quà các em thiếu nhi là con của công nhân lao động tại các nhà trẻ của doanh nghiệp nhân dịp Tết Trung thu.
Trong 2 ngày 11-12/9 đã diễn ra Đại hội thành lập Hội người cao tuổi (NCT) thành phố Hòa Bình lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Đây là đơn vị cấp huyện, thành phố đầu tiên tổ chức đại hội điểm theo Kết luận số 58-KL/TW của Ban Bí thư về tổ chức và hoạt động của Hội NCT Việt Nam.
Sáng 12/9, ngay sau khi nắm được thông tin vụ sạt lở đất tại xã Cuối Hạ (Kim Bôi) làm 2 người chết, 1 người bị thương, Thường trực Tỉnh Đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh và Thành Đoàn Hoà Bình đã đến thăm, động viên và trao quà hỗ trợ cho cháu bé bị thương.