Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn”, tỉnh Hòa Bình luôn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công (NCC) với cách mạng, góp phần lan tỏa nghĩa tình tri ân sâu sắc trong các tầng lớp nhân dân.


Hàng năm, các hoạt động tri ân, đền ơn - đáp nghĩa luôn được tuổi trẻ tỉnh Hòa Bình chú trọng thực hiện. Ảnh: Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sỹ Chiến dịch Hòa Bình.

Phong trào "Đền ơn - đáp nghĩa” đã, đang được đẩy mạnh bằng những hành động, việc làm thiết thực, hiệu quả. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 28/2/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng, bảo đảm NCC được thụ hưởng đầy đủ chính sách và có mức sống cao hơn mức trung bình tại nơi cư trú.

Nhờ đó, đến hết năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 99,6% hộ NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và NCC. Các chính sách trợ cấp, bảo hiểm y tế, điều dưỡng, hỗ trợ giáo dục - đào tạo, cải thiện nhà ở... được thực hiện đầy đủ, minh bạch, không để xảy ra sai phạm hay hồ sơ tồn đọng.

Tính đến nay, tỉnh đã xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi cho gần 40.000 NCC và thân nhân. Trong đó, hơn 7.300 người đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; trên 12.000 người được cấp thẻ bảo hiểm y tế; hơn 3.200 người được tổ chức điều dưỡng, phục hồi sức khỏe hàng năm. Mỗi năm, tỉnh dành trên 15 tỷ đồng để trao tặng hơn 50.000 suất quà vào dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 và các sự kiện trọng đại.

Song song với thực hiện tốt chính sách, tỉnh chú trọng huy động nguồn lực xã hội để chung tay chăm lo đời sống NCC. Phong trào "Toàn dân chăm sóc NCC” thực sự lan tỏa, trở thành việc làm thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Bình quân mỗi năm, Quỹ "Đền ơn - đáp nghĩa” tỉnh Hòa Bình vận động được trên 5 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ xây dựng hàng chục căn nhà tình nghĩa, trao tặng hàng trăm sổ tiết kiệm, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách; tu bổ, nâng cấp nghĩa trang, bia tưởng niệm liệt sỹ... Những việc làm đầy tính nhân văn đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC, đồng thời bồi đắp niềm tin, sự tri ân trong cộng đồng xã hội.

Tại các địa phương trong tỉnh, nhiều hoạt động đền ơn - đáp nghĩa trở thành việc làm thường xuyên. Tiêu biểu như việc huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; trao tặng quà cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ; khám, cấp phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách; duy trì mô hình "Chi hội phụ nữ nhận chăm sóc, phụng dưỡng mẹ liệt sỹ” tại nhiều xã, thị trấn. Tại một số đơn vị, phong trào "Đền ơn - đáp nghĩa” được cụ thể hóa bằng các chương trình "Bữa cơm tri ân”, "Tuổi trẻ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ”, thu hút sự tham gia tích cực của đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên. Các trường học còn lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống vào chương trình ngoại khóa, giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình và sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh.

Bên cạnh đó, các đơn vị lực lượng vũ trang như Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh chủ động phối hợp địa phương thực hiện các phần việc thăm hỏi, tặng quà, khám bệnh, tặng sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những việc làm thiết thực này góp phần lan tỏa sâu rộng truyền thống "Uống nước nhớ nguồn”, "Ăn quả nhớ người trồng cây” trong xã hội.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác đền ơn - đáp nghĩa trong năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh chú trọng quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 21-CT/TU, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về chính sách ưu đãi NCC. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực để không còn hộ NCC thuộc diện nghèo; tập trung giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong chính sách ưu đãi; biểu dương, tôn vinh kịp thời tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào "Đền ơn - đáp nghĩa”.

Những ngày tháng Tư lịch sử, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tỉnh Hòa Bình triển khai nhiều chương trình tri ân sâu sắc: tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách; khánh thành nhà tình nghĩa; tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ - thể thao gắn với chủ đề tri ân và khơi dậy lòng yêu nước. Bằng tình cảm, trách nhiệm và hành động cụ thể, công tác đền ơn - đáp nghĩa ở Hòa Bình đã và đang góp phần khẳng định những giá trị nhân văn cao đẹp, thể hiện sâu sắc đạo lý truyền thống, vun đắp niềm tin, tinh thần đoàn kết trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương thời kỳ mới.


Thành An

Các tin khác


Sáng mãi truyền thống “gái Vạn Mai, trai Tòng Đậu”

Mai Châu - mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, nơi mà tinh thần "gái Vạn Mai, trai Tòng Đậu" được nhiều thế hệ nhắc đến với sự tự hào. Suốt những năm tháng kháng chiến, những chàng trai, cô gái nơi đây không tiếc tuổi xuân chiến đấu để bảo vệ quê hương. Phát huy truyền thống, trong thời bình, nhân dân các dân tộc trong huyện tích cực lao động sản xuất, đóng góp nhiều thành tựu vào công cuộc đổi mới, từng bước xây dựng Mai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn.

Ý kiến tâm huyết hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Những ngày tháng Tư lịch sử, hàng triệu người dân cùng hòa chung không khí hân hoan, phấn khởi kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 50 năm sau ngày giải phóng, nhân dân tỉnh Hòa Bình không ngừng khắc phục khó khăn, nỗ lực cùng cả nước xây dựng đất nước ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Dịp này, Báo Hòa Bình đã ghi nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, cảm xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.

Công đoàn ngành Y tế phát động Tháng Công nhân - Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động

Ngày 29/4, Công đoàn ngành Y tế Hòa Bình tổ chức phát động Tháng Công nhân - Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Chương trình "Cảm ơn đoàn viên" năm 2025. Tham dự có đại diện Công đoàn ngành Y tế Việt Nam, lãnh đạo Sở Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh…

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chi nhánh Hòa Bình tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam

Sáng 29/4, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Hòa Bình (VietinBank) phối hợp với Hội Cựu chiến binh thành phố Hòa Bình tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và tri ân các cựu chiến binh tham gia giải phóng miền Nam.

Đa dạng hoạt động hướng đến Tháng Công nhân năm 2025

Tạm gác lại bộn bề, lo toan công việc để hòa mình vào không khí sôi nổi tại Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Hòa Bình trong khuôn khổ Giải bóng chuyền hơi công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) năm 2025. Đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2025 - tháng "Tết” của người lao động (NLĐ).

Đã bổ sung Luật Ngân sách nhà nước nội dung về sử dụng vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương phù hợp với tình hình thực tế

Cử tri kiến nghị: Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang định hướng đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông kết nối phục vụ an sinh, đảm bảo an toàn, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn phát sinh vướng mắc liên quan đến cơ chế đầu tư trên địa bàn 2 tỉnh, do việc sử dụng vốn ngân sách tỉnh này để đầu tư cho tỉnh khác sẽ vi phạm quy định tại khoản 9, Điều 9, Luật Ngân sách nhà nước. Theo đó, việc đầu tư sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, không bảo đảm tuân thủ quy định nêu trên. Để triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án đầu tư hạ tầng giao thông bằng vốn ngân sách tỉnh phục vụ phát triển chung, đề nghị Bộ Tài chính quan tâm sớm trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước theo hướng thuận lợi cho cơ chế đầu tư.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục