(HBĐT) - Liên kết với các HTX sản xuất rau an toàn trong tỉnh và tỉnh Sơn La; ký kết hợp đồng tiêu thụ rau, củ, quả các loại với nhiều cửa hàng ở các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và TP Hà Nội; lúc cao điểm có ngày cung cấp cho thị trường 7 - 8 tấn sản phẩm; giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động ở xã đặc biệt khó khăn. Để có được thành công thuyết phục này, ít ai biết được Hà Văn Quỳnh - Giám đốc HTX dịch vụ và phát triển nông nghiệp Tam Hòa, xã Tân Sơn (Mai Châu) từng có thời điểm "ngậm đắng nuốt cay” trên bước đường khởi nghiệp.
Hà Văn Quỳnh, Giám đốc HTX dịch vụ và phát triển nông nghiệp Tam Hòa kiểm tra vườn su su được trồng theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP.
Một thời "ngựa non háu đá”
Đó là cụm từ mà Chủ tịch UBND xã Tân Sơn Hà Văn Dung nói tới Hà Văn Quỳnh khi chia sẻ về công việc của anh. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất mà cuộc sống của người dân chỉ gắn với ruộng, nương nên Quỳnh sớm nuôi dưỡng ước mơ trở thành "kỹ sư” nông nghiệp để giúp bà con bớt nghèo khó. Do đó, Quỳnh đã theo học chuyên ngành nông nghiệp tại Trường trung học kinh tế - kỹ thuật Hòa Bình. Khi trường liên kết đào tạo với Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, anh tiếp tục theo học chuyên ngành phát triển nông thôn. Tốt nghiệp trở về quê hương, nhờ được tạo điều kiện vay vốn và sự giúp đỡ của gia đình, người thân, tháng 8/2014, Quỳnh khởi nghiệp với việc thành lập HTX đa nghề, từ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ vận tải, đám cưới đến làm máy cày, máy xúc. Anh cũng trồng thử nghiệm từ ớt, cà chua, khoai tây, khoai lang Nhật... Không chỉ đầu tư tại chỗ, Quỳnh còn mở rộng ra các xã: Mai Hạ, Ba Khan, Pù Bin, Noong Luông, Xăm Khòe, Cun Pheo và lên cả huyện Vân Hồ (Sơn La).
Sự chăm chỉ, khát vọng làm giàu chính đáng của Quỳnh được cấp ủy, chính quyền xã và gia đình ghi nhận. Song "máu liều” của tuổi trẻ lại khiến mọi người lo lắng nhiều hơn. Điều gì đến rồi cũng đến, Quỳnh không thu được trái ngọt mà thay vào đó là những thất bại liên tiếp. Cây trồng không hợp đất đai, khí hậu, kỹ thuật kém nên không phát triển. Vài trăm triệu tiền giống, phân bón, nhân lực mà không thu được sản phẩm, đồng nghĩa với việc anh trắng tay vốn đầu tư. Theo nhẩm tính, riêng đầu tư ở xã Mai Hạ anh mất hơn 90 triệu đồng; trồng khoai lang Nhật thua lỗ 35 triệu đồng; trồng khoai tây mất 24 triệu đồng và thua lỗ ở một số cây trồng khác.
Làm nông nghiệp không xuể, lại còn đầu tư dàn trải các dịch vụ khác khiến Quỳnh càng lún sâu vào thất bại. "Trong 2 năm 2014 - 2015, tôi ôm đồm nhiều thứ, lại làm ở nhiều nơi nên không quản lý nổi. Tuổi trẻ bồng bột, thiếu kinh nghiệm và thông tin thị trường, làm ăn không suy tính nên tôi phải nhận trái đắng. Nhưng thất bại là mẹ của thành công” - Hà Văn Quỳnh bộc bạch.
Thành công không đến từ sự lười biếng
"Có thời điểm nhìn Quỳnh tiều tụy mà cứ nghĩ nó không thể đứng lên được. Bây giờ thì cậu ấy trở mình rồi, mừng lắm. Có trí hướng, năng động, chịu khó là chìa khóa giúp Quỳnh vượt qua chông gai, từng bước vững vàng trên con đường khởi nghiệp” - Chủ tịch UBND xã Tân Sơn Hà Văn Dung vui vẻ trò chuyện khi cùng chúng tôi đến thăm mô hình trồng rau sạch của Giám đốc Hà Văn Quỳnh.
Cứ mỗi lần thất bại là một lần Quỳnh rút ra được bài học kinh nghiệm. Bài học cốt lõi nhất với anh là muốn triển khai việc gì thì phải tính toán thật kỹ lưỡng, có kiến thức, nhìn thấy thị trường, tìm hiểu nhu cầu khách hàng thì mới đầu tư. Bản thân phải xắn tay làm có kết quả để bà con làm theo.
Sau khi loại bỏ những công việc không hiệu quả, Quỳnh xác định HTX dịch vụ và phát triển nông nghiệp Tam Hòa sẽ đầu tư trọng điểm vào trồng rau an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, HTX có 35 xã viên và thu hút 70 hộ dân xã Tân Sơn tham gia sản xuất.
Sau thời gian tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác, Quỳnh đã ký kết được 12 hợp đồng tiêu thụ rau, củ, quả với đầu mối ở các tỉnh, thành phố. Liên kết với 15 HTX sản xuất rau an toàn trong huyện Mai Châu, Cao Phong và các huyện: Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ (Sơn La) để thu mua sản phẩm cho với tổng số 35 điểm thu mua.
HTX Tam Hòa cũng thực hiện nhiều chương trình sản xuất như mô hình trồng su su, bí cô tiên, bí củ lạc, trồng cải ngọt, cải bắp, cải chíp tại xã Tân Sơn, Noong Luông, Ba Khan. Đặc biệt, HTX tham gia mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau các loại đảm bảo ATTP áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP do Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thực hiện với quy mô 25 ha. Năm 2018, sản lượng thu hoạch đạt 800 tấn, toàn bộ diện tích được cấp chứng nhận VietGAP và 5 sản phẩm được gắn tem truy suất nguồn gốc là cải bắp, cải chíp, quả su su, bí đỏ, cải ngọt.
Trong quá trình sản xuất, Quỳnh luôn cùng bà con bám sát đồng ruộng, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng. Việc thu gom bao bì thuốc, phân bón theo quy định để không ảnh hưởng đến môi trường và các sản phẩm sau khi thu hoạch, tuyệt đối tuân thủ thời gian cách ly, không để tồn dư thuốc trong sản phẩm nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Năm 2018, tổng doanh thu của HTX Tam Hòa đạt trên 2,8 tỷ đồng, thu nhập bình quân của thành viên đạt 4 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2019, HTX tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực sản xuất rau, củ, quả sạch, đặc biệt là trồng rau trái vụ để chủ động nguồn hàng cho thị trường, phấn đấu ký hợp đồng sản xuất, thu gom tiêu thụ khoảng 1.000 tấn sản phẩm.
Hoàng Nga
(HBĐT) - Đến thời điểm này, có thể khẳng định ở cả 2 miền Bắc, Nam vẫn chưa có cơ sở, doanh nghiệp nào thực hiện chuyển giao công nghệ chế biến các sản phẩm từ cam ngoài HTX Hà Phong tại khu I, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong. Anh Lê Văn Cương (SN 1981), Giám đốc HTX là người đã mạnh dạn, tiên phong chuyển giao công nghệ, cho ra đời những sản phẩm mới. Sản phẩm đang thu được tín hiệu tốt từ thị trường và được người tiêu dùng đón nhận.
(HBĐT) - Được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên, khí hậu, những năm qua, nghề nuôi ong tại xã Yên Bồng (Lạc Thủy) ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm mật ong của nông dân xã Yên Bồng có chất lượng cao, được ưa chuộng trên thị trường, trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình.
(HBĐT)-Có thể bây giờ nhiều người còn chưa nghe đến loại rượu "Trúc Sơn tửu”. Nhưng có lẽ, trong một tương lai không xa đây sẽ trở thành một sản phẩm mang tính đặc trưng, tiêu biểu của huyện vùng cao Đà Bắc... Nó là sản phẩm được kết tinh từ cái tâm, cái chí của chàng võ sư trẻ Ngô Bách Nhật trên con đường khởi nghiệp nơi vùng quê nghèo còn nhiều gian khó...
(HBĐT) - Chưa đến 4 năm kể từ khi đặt những bầu giống đầu tiên, vùng dược liệu cà gai leo của huyện Yên Thủy đã tăng lên hàng trăm ha. Cà gai leo được trồng đến đâu, hướng sinh kế của nông dân được mở ra, trở thành "cứu cánh” của người nghèo. Cà gai leo Yên Thủy còn đạt được dấu mốc tự hào: không chỉ vững vàng vị thế trên thị trường nội địa mà đã có mặt tại 3 thị trường ngoài nước gồm Nga, Trung Quốc, Thái Lan. Người có công tạo dựng thương hiệu và đưa dược liệu cà gai leo Yên Thủy vươn xa là anh Bùi Quý Hợi (sinh năm 1983), Giám đốc HTX nông - lâm nghiệp Bảo Hiệu.
(HBĐT) - Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nông trường 2/9 Hòa Bình, nay là Công ty TNHH MTV 2/9 Hòa Bình, sau nhiều năm bôn ba làm ăn trong Nam, ngoài Bắc, năm 2006, anh Tạ Hữu Hậu trở về làm công nhân nông trường, tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ đơn vị.
(HBĐT) - Với niềm đam mê lan rừng, cách đây 8 năm, từ người làm nghề sửa xe máy và buôn bán xe máy cũ, anh Hoàng Ngọc Định ở khu 1, thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) đã bỏ công việc gắn bó với mình, quyết định rẽ hướng khởi nghiệp trồng hoa lan.