Những ngày đầu tháng 7, đợt nắng nóng cao điểm kéo dài khiến cảnh vật, con người trông rệu rã thấy rõ. Đã từng nghe nhiều người dành những lời có cánh đối với cảnh sắc và khí hậu mát mẻ của xóm vùng cao này. Do đó, chúng tôi quyết định lên Mừng trong những ngày nắng gắt để kiểm chứng. Trước năm 2011, đường về Mừng xa lắc với dốc cao ngoằn ngoèo, đường lởm chởm sỏi, đá. Sau năm 2011, con đường này đã được bê tông hóa 4,5/7 km, Mừng đã không còn xa nữa.
Con đường về xóm Mừng được bê tông hóa chắc chắn, hai bên đường là những hàng cây bằng lăng rừng, cây mua, sim che ánh nắng nên chúng tôi cảm nhận rõ sự thay đổi về nhiệt độ so với vùng trung tâm xã. Gió thổi hiu hiu, con đường râm mát, hành trình về Mừng trong những ngày khô ráo khá nhẹ nhàng. Kia, xóm Mừng đã hiện ra trước mắt với những ngôi nhà sàn lợp mái pro xi măng. Trước khi chưa có dự án di dân tái định cư, xóm Mừng chỉ có hơn 20 nóc nhà. Còn giờ đây, xóm đã có trên 50 hộ dân, chia làm hai khu dân cư gồm: khu Bãi Nghia (khu tái định cư) và khu xóm Mừng.
Từ đoạn nối đường bê tông vào đến khu xóm Mừng dài 2,5 km. Ngoài khí hậu mát lành, chúng tôi ấn tượng mạnh với khu ruộng bậc thang rộng hơn 4 ha. Những thửa ruộng uốn lượn, phía trên thấp thoáng mái nhà sàn đã tạo nên cảnh sắc của một miền sơn cước đầy mê hoặc. Phía dưới chân ruộng bậc thang là cây đa cổ thụ, tán rộng vài chục mét, đây được coi là biểu tượng trong đời sống tâm linh của bản Mường này.
Khí hậu ở Mừng mát mẻ quanh năm, điều đó có được là vị trí địa lý cao hơn so với khu vực lân cận. Đặc biệt, Mừng được coi là lá phổi xanh với 520 ha rừng tự nhiên đang được bà con khoanh nuôi, bảo vệ. Chúng tôi ghé thăm gia đình mế Bùi Thị ỏm (73 tuổi) và được mế mời uống chén nước đun từ cây lá thuốc hái ở trên rừng. Mế ỏm bảo, rừng cho người dân xóm Mừng khí hậu mát lành, cho măng, củi nên phải bảo vệ cho đời sau. "Trước đây, đường đi chỉ lọt xe máy, còn bây giờ, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, có đường, có điện nên đời sống của bà con đã thay đổi nhiều”, mế ỏm chia sẻ.
Theo ông Bùi Văn Lịnh, Trưởng xóm Mừng cho biết: Dù đời sống đã có nhiều thay đổi nhưng kinh tế của bà con vẫn phụ thuộc vào cây măng, cây ngô, sắn, lúa nên thu nhập chưa cao. Mừng vẫn là xóm đặc biệt khó khăn với thu nhập bình quân mới đạt 12 triệu đồng/người/năm (năm 2017), thấp hơn 6 triệu đồng so với thu nhập bình quân của xã Xuân Phong. Để giảm nghèo bền vững, ông Lịnh và người dân nơi đây luôn đau đáu suy nghĩ để tìm ra hướng đi mới. Mới đây nhất là ý tưởng làm du lịch.
"Xóm có điều kiện khí hậu mát mẻ, rừng núi xanh tốt, ruộng bậc thang đẹp cùng với đó là những nét văn hóa truyền thống của người Mường vẫn còn lưu giữ được. Đã có nhiều đoàn khách đến xóm thăm quan và bày tỏ ấn tượng tốt đối với cảnh quan, con người nên chúng tôi nhận thấy, Mừng có tiềm năng để phát triển du lịch. Tháng 4 vừa qua, các ban, ngành, đoàn thể và hộ dân trong xóm (70 người) đã tổ chức đi tham quan ở Mộc Châu (Sơn La) và bản Lác (Mai Châu) để học hỏi cách mà người dân ở đó làm du lịch cộng đồng. Sau chuyến đi, chúng tôi rất muốn được các cấp hỗ trợ để có thể phát triển du lịch trong tương lai”, ông Lịnh chia sẻ.
Đó là mong muốn chính đáng, nhất là khi công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở bản Mường này đang gặp không ít gian nan. Tuy nhiên, để hiện thực hóa ý tưởng đó, ngoài sự nỗ lực của người dân, Mừng cần sự chung tay hỗ trợ, định hướng của các cấp chính quyền. Dù thế nào, với cảnh sắc đẹp, khí hậu trong lành, mát mẻ, Mừng cũng là điểm đến lý tưởng trong những ngày hè oi bức.
Viết Đào