Rừng U Minh hạ
Trên địa phận tỉnh Cà Mau, vườn quốc gia U Minh hạ có diện tích
khoảng 8.000ha, được chia thành các phân khu: bảo tồn hệ sinh thái rừng tràm;
khu phục hồi và sử dụng bền vững hệ sinh thái ngập nước; khu hành chính. Vườn
quốc gia U Minh hạ có 176 loài thực vật cùng 23 loài thú, 41 loài chim, 36 loài
bò sát, 11 loài lưỡng cư, 37 loài cá và nhiều loài quý hiếm khác. Ngoài ra,
vùng đệm rộng lớn với diện tích lên đến 25.000ha có vai trò thiết yếu trong việc
đảm bảo sự phục sinh của các loài đặc hữu của rừng. Trên địa phận tỉnh Kiên
Giang, vườn quốc gia U Minh thượng có diện tích khoảng 8.038ha, vùng đệm có diện
tích khoảng 13.069ha. Vườn quốc gia U Minh thượng có 243 loại thực vật, 32 loài
thú, 186 loài chim, 50 loài bò sát, lưỡng cư, 60 loài cá, 203 loài côn trùng và
nhiều loài thủy sinh vật phân bố ở các độ sâu khác nhau trong hệ sinh thái.
Với những du khách lần đầu đến với rừng U Minh, sẽ bị choáng ngợp
trước sự bao la, mênh mông bạt ngàn của một khu rừng nguyên sinh rộng lớn. Đập
vào mắt du khách là nét đặc trưng tiêu biểu của rừng ngập mặn miền Nam, cây rừng
chủ yếu là tràm ngập mặn, móp, năn, sậy và các loại dây leo cùng với hệ động vật
đa dạng như: các loại cá nước ngọt, tê tê, heo rừng, nai, khỉ, sóc, kỳ đà,
trăn, rắn, rùa… nhiều loại quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam cần được bảo tồn.
Không chỉ vậy, U Minh còn nổi tiếng bởi sự hoang sơ, nơi từng được biết đến với
câu nói nổi tiếng "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh” càng trở nên
thu hút du khách khắp nơi về khám phá, trải nghiệm. Có thể kể đến, vô vàn điều
thích thú: không khí tự nhiên trong lành; bạt ngàn một màu xanh của tràm phủ đến
tận chân trời; giai thoại ly kỳ về bác Ba Phi một thời; hệ sinh thái đặc sắc với
6 tháng ngập nước và 6 tháng khô hạn; thổ nhưỡng đặc sắc với đất than bùn khá
dày và nước đỏ; cuộc sống thú vị và phong tục của người địa phương…
Thu hoạch bồn bồn
Ngồi trên chiếc vỏ lãi xuôi theo những dòng kênh ở rừng cũng là một
trải nghiệm hiếm có; len lỏi trong rừng để ngắm nền trời xanh ẩn hiện; lượn lờ
giữa thảm bèo, băng qua đám lau sậy trắng phau, đưa tay vớt nước, đùa nghịch.
Khám phá cuộc sống người dân bản địa với những công việc mưu sinh trên chính mảnh
rừng được nhà nước giao, du khách càng có thêm ham muốn trải nghiệm: gác kèo ăn
ong, giăng câu, đặt lọp, đặt trúm lươn, thả lưới, tát đìa, hái bồn bồn… Có lẽ,
không mấy người hiểu rằng, cuộc sống người dân vùng rừng U Minh khá vất vả; hằng
năm, khi mùa mưa xuống, dưới tán rừng sẽ trở thành nơi sinh sản của nhiều loài
cá đồng, tạo nên nguồn lợi để người dân sống ở rừng U Minh khai thác, đánh bắt
tạo nguồn sống. Thế nhưng, sản vật thiên nhiên ban tặng cho họ lại vô cùng
phong phú. Có lẽ sự chân chất đến buồn tẻ đó đã sinh ra nét bí ẩn ly kỳ với câu
chuyện kể truyền thuyết qua cuộc đời bác Ba Phi với tài nói dóc nổi tiếng xứ
Nam Kỳ lục tỉnh. Trải nghiệm cuộc sống nơi đây, phần nào du khách sẽ nhìn thấy
thực tế qua những câu chuyện kể về bác Ba Phi. Đi giăng câu trên vỏ lãi cũng có
thể câu được cá nặng vài cân; du khách sẽ liên tưởng đến câu chuyện được người
dân kể về những loài vật từng "giao chiến” với bác Ba Phi như trăn khổng lồ, rắn
hồ mây khổng lồ, cá sấu khổng lồ...
Nói đến ẩm thực, càng là một điều lý thú. Dưới tán rừng, nhâm nhi
vài ly "cuốc lủi” cùng món cá lóc nướng trui chấm mắm me, bông súng chấm muối hột
đâm với ớt hiểm xanh; bồn bồn muối, chuột đồng chiên cùng rượu trái giác là một
trải nghiệm vô cùng thú vị. Rau rừng ở đây rất phong phú, du khách có thể tìm
hái đọt choại, lá sen non, bông súng ma, rau mác, bông lục bình, đọt cóc kèn… hầu
như có khắp nơi. Đặc sắc nhất vẫn là ong. Theo chân thợ rừng lấy mật ong, thử một
lần ăn ong non chấm mật tươi vừa được cắt xuống hay thưởng thức gỏi nhộng ong,
mắm ong, các món xào, cháo, lẩu nhộng ong…; đêm ngả lưng trên chiếc võng đung
đưa, ngắm trời trăng, tận hưởng làn gió đồng nội trong trẻo, miên man trong
dòng xúc cảm về đất rừng phương Nam bạt ngàn sẽ là những trải nghiệm khó quên
trong đời của mỗi du khách.
TheoBaodulich