(HBĐT) - Chúng tôi trở lại đỉnh núi Viên Nam - nơi được xem là "nóc nhà" của huyện Kỳ Sơn - nay thuộc thành phố Hòa Bình vào những ngày cuối đông, khi không khi mùa xuân đã đến cận kề. Sau mấy tiếng đi xe máy, vượt những con dốc sỏi cuội, ngoằn ngoèo đã hình thành lối mòn mà ô tô gầm cao cũng có thể bò lên từng chút thật vất vả. Song bù lại, đỉnh núi Viên Nam thực sự là nơi hội tụ cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp.


Xã Phúc Tiến (Kỳ Sơn - nay thuộc TP Hòa Bình) đẹp mơ màng nhìn từ đỉnh núi Viên Nam.

Chúng tôi gặp nhiều đoàn khách băng rừng, lội suối, vượt dốc lên đỉnh Viên Nam để khám phá, trải nghiệm. Dưới tán lá rừng ẩn hiện, nhiều loại cỏ cây, hoa lá lúc đỏ rực, lúc vàng xuộm làm mê mẩn lòng người. Tiếng chim rừng lảnh lót, vang vọng, một chút lan rừng vươn trên những gốc cây cổ thụ đón nắng mai báo mùa xuân đang tới. Lên đến đỉnh Viên Nam, nằm ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, tiếp giáp dãy núi Ba Vì, cả một không gian rộng lớn bất tận mở ra trước mắt. Đỉnh Viên Nam rộng tới hàng trăm ha gần như thảo nguyên, bình địa trên trời cao. Mây trắng vờn bay, vương trên các sườn đồi, sườn núi. Nắng lên, khung trời quang đãng, gió nhẹ nhàng. Giữa núi rừng cao vời vợi của đỉnh Viên Nam là những cánh rừng tự nhiên vẫn được bảo vệ với nhiều giống cây bản địa. Phóng tầm mắt về phía Hà Nội, con đường Hòa Bình - Hòa Lạc tiếp nối đại lộ Thăng Long uyển chuyển ôm ấp các sườn đồi, xa mờ tít tắp là những khối nhà tầng cao trong lòng thành phố. Ngay phía dưới đỉnh Viên Nam là dòng sông Đà uốn lượn mộng mơ trải khắp các xã vùng Phú Cường phì nhiêu; các xã Phú Minh - nay thuộc xã Thịnh Minh; Yên Quang, Phúc Tiến - nay là xã Quang Tiến; Mông Hóa là nương đồi, cây rừng, là mía, là công trường nhà máy… Nhìn lên phía vùng cao Độc Lập là các dự án biệt thự, khu vui chơi, sân gofl... hiện hữu. Đỉnh Viên Nam đang thức giấc khi được du khách và các nhà đầu tư tìm đến.

Đỉnh Viên Nam không chỉ đẹp, hùng vĩ về thiên thiên, mà còn gắn liền với những sự kiện lịch sử, là khu căn cứ "Cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Tổng Kiêm - Đốc Bang” năm 1909 - 1910. Hai cụ Tổng Kiêm - Đốc Bang xuất thân từ tầng lớp nông dân, có học thức, được thực dân Pháp tin dùng cho làm trong hệ thống chính quyền thực dân phong kiến là Chánh tổng, Lý trưởng, Đề đốc. Nhưng hai ông đã vượt qua ý thức hệ phong kiến, đứng về phía nhân dân lao động và quan tâm đến người dân. Cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang tại Tổng Mông Hóa, Châu Kỳ Sơn diễn ra về không gian trải rộng liên tỉnh, liên vùng kết nối với cuộc khởi nghĩa Yên Thế và các thủ lĩnh yêu nước ở các vùng đồng bằng trong khu vực đã được sử sách ghi nhận, để lại dấu ấn như một vết son chói lọi trong lịch sử tỉnh Hòa Bình và lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Lợi thế về thiên nhiên, địa lý, phong cảnh hữu tình, gắn liền với giá trị lịch sử riêng có, đỉnh Viên Nam được quy hoạch phát triển du lịch của huyện Kỳ Sơn và của tỉnh.

Huyện Kỳ Sơn đang sở hữu những điều kiện về thiên nhiên, địa lý với phong cảnh tươi đẹp, có cả đồng bằng, cả núi non hùng vĩ, đất đai màu mỡ, hạ tầng giao thông kết nối bao gồm cả đường thủy và đường bộ tạo ra sự phát triển bứt phá trong tương lai. Tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình đưa vào khai thác tạo sức hút đối với các nhà đầu tư. Riêng đỉnh Viên Nam đã có nhiều nhà đầu tư lớn khảo sát, nghiên cứu và đề xuất triển khai các dự án đô thị, du lịch, sinh thái. Hai khu công nghiệp Yên Quang và Mông Hóa đang tạo ra sút hút đối với các nhà đầu tư để phát triển các các loại hình công nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Hoàng Văn Minh chia sẻ: Kỳ Sơn đang tận dụng những cơ hội mới để phát triển bền vững. Đến nay, toàn huyện có 133 dự án đầu tư với tổng vốn lên tới 60.000 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án đầu tư lớn hứa hẹn mang lại sự chuyển dịch mạnh mẽ cho cơ cấu kinh tế không chỉ cho huyện Kỳ Sơn. Nhiều doanh nghiệp đang khảo sát phát triển các dự án sân gofl lớn như sân golf Geleximco, thị trấn Kỳ Sơn và xã Dân Hạ; Sân golf An Việt, xã Phúc Tiến. Tập đoàn Phú Hưng Khang đang triển khai dự án đầu tư khu đô thị phức hợp quy mô khoảng 400 ha tại 2 xã Hợp Thành, Phú Minh. Thời gian gần đây, cũng có nhiều nhà đầu tư khảo sát, đề xuất đầu tư xây dựng các dự án đô thị phức hợp dọc tuyến hạ lưu sông Đà vùng Phú Cường, thuộc ba xã Phú Minh, Hợp Thành, Hợp Thịnh - nay thuộc xã Thịnh Minh và nghiên cứu khảo sát đầu tư tại đỉnh Viên Nam. Một số dự án đầu tư đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn cũng đã quyết định mở rộng sản xuất, kinh doanh. Kỳ Sơn đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu KT-XH. Cơ cấu công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp lần lượt là: 40,9%, 36,25% và 22,85%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng. Hộ nghèo còn 6%. Xây dựng nông thôn mới về đích trước Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện 2 năm. Huyện đã hoàn thành một số chỉ tiêu quan trọng của Đại hội Đảng bộ huyện như: Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt vệ sinh, tỷ lệ thu gom rác, chất thải y tế được xử lý, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia.Chất lượng tiếp cận các dịch vụ công cũng như cuộc sống người dân có nhiều tiến bộ. Huyện đang nắm bắt những cơ hội phát triển mới, làm tốt công tác GPMB, cải cách hành chính, hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục ban đầu triển khai các dự án du lịch, sinh thái, đô thị nghỉ dưỡng, phát triển CN-TTCN, du lịch, dịch vụ; phát triển nông nghiệp có giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng NTM, tạo sự phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.

Lê Chung


Các tin khác


Xuân về trên bản Mừng

(HBĐT) - Trở lại xã Xuân Phong (Cao Phong) - nay là xã Hợp Phong sau sáp nhập, trong những ngày cuối đông, nơi được người dân ví von như "SaPa của Cao Phong”, cái rét "bủa vây” khiến chúng tôi xuýt xoa. Ở đó, có những con người hiền lành, chất phác và mến khách tạo thành hơi ấm của ngọn lửa sưởi lòng người trong giá rét. "Bản nghèo vùng cao này đã thay đổi nhiều lắm!” - ông Bùi Văn Phượng, Bí thư Chi bộ xóm Mừng chia sẻ.

Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN-Mỹ hỗ trợ Campuchia phát triển du lịch

Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN-Mỹ sẽ hỗ trợ Campuchia quản lý ngành du lịch, đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm du lịch thông qua các dự án đầu tư.

Rực rỡ sắc màu chợ hoa truyền thống trên phố cổ Hà thành

Chợ hoa Tết truyền thống tại các tuyến phố Hàng Lược, Hàng Mã, mà người dân thường quen gọi là Chợ hoa Hàng Lược đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân Hà thành.

Hội hoa Xuân TP Hồ Chí Minh sẽ kéo dài 12 ngày

Hội hoa Xuân TP Hồ Chí Minh năm 2020 sẽ được tổ chức trong 12 ngày, từ ngày 19 - 30/1/2020 (tức ngày 25 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng âm lịch) để phục vụ người dân du Xuân, đón Tết Nguyên đán 2020.

Tiếp tục tạo đà phát triển du lịch trên địa bàn

(HBĐT) - Ngày 13/1, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020.

Hơn 100.000 vé máy bay và gần 20.000 tour giá rẻ tại VITM 2020

Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam năm 2020 (VITM) sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 4/4/2020 tại Hà Nội với chủ đề "Di sản- Nguồn lực của Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục