Chị Nguyễn Thị Thu, thôn An Ninh, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) giới thiệu các loại hồng cổ với du khách thăm quan.
Chị Thu chia sẻ: nhà vườn trước đây trồng nhiều lan rừng theo sở thích của chồng. Từ khi đưa hồng cổ về, đam mê của cả hai vợ chồng đối với các loại hồng cổ, nhất là hồng cổ Sa Pa dường như ngấm vào máu thịt. Phần lớn thời gian được anh chị dành cho việc sưu tầm, chăm sóc và mở rộng quy mô vườn hồng. Cũng theo chị Thu, nơi này từng là đồi đá ong, nhiều chỗ bị trũng nên để có thể cải tạo hạ tầng, tạo cảnh quan sinh thái, gia đình phải bỏ công san ủi và đổ mấy trăm xe đất màu. Trên diện tích hơn 1,7 ha, chị quy hoạch từng khu, tập trung nhất là vườn trồng các loại hồng cổ, tiếp đó là nhà lan. Toàn bộ khu vực phía sau được chị trồng các loại cây ăn quả.
Thời gian đầu, nguồn giống hồng cổ các loại được chị Thu lấy từ Văn Giang (Hưng Yên) với số lượng hơn 600 gốc. Sau này, chị quyết định đi học hỏi các nhà vườn lớn ngoại tỉnh về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, nhân giống tại chỗ bằng phương pháp chiết cây. Hiện nay, trong các giống hồng cổ thì hồng cổ Sa Pa được nhiều người ưa chuộng nhất, kỹ thuật dễ trồng, chăm sóc và nhân giống, ưa nắng, ưa nước. Các giống hồng cổ khác như Vân Khôi, Sơn La, Hải Phòng, bạch trà... khó tính hơn, đơn cử như Vân Khôi dễ bị úng. Tuy nhiên, theo chị Thu, hầu hết các giống hồng cổ phát triển tốt trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cây sống nhiều năm không bị thoái hóa giống do giống thuần thích nghi lâu dài, khả năng kháng trừ sâu bệnh tốt. Đặc biệt, hồng cổ càng trồng lâu cây càng sai hoa.
Giờ thì khu vườn với tên gọi "vườn hồng cổ Lạc Thủy" đã trở thành điểm dừng chân mới lạ, hấp dẫn với không chỉ du khách đến chùa Tiên. Nhiều người từ các tỉnh, thành phố trong cả nước có dịp đi qua Lạc Thủy dừng lại chụp ảnh, thăm quan, chiêm ngưỡng vườn hồng cổ bốn mùa khoe sắc. Tại đây, khách thưởng ngoạn, ngắm hoa, được nghe chị Thu - chủ vườn hồng cổ Lạc Thủy giới thiệu về vẻ đẹp, đặc tính, chia sẻ kỹ thuật trồng hoa. Đặc biệt, nếu đúng dịp xuân - hè khi hồng ở thời kỳ nở rộ nhất, du khách sẽ được trải nghiệm quy trình cắt hoa, trưng cất tinh dầu hoa hồng theo phương pháp truyền thống do chính chị Thu cùng các lao động ở đây làm.
Vườn hồng cổ Lạc Thủy hiện là địa chỉ cung cấp giống cho các nhà hàng, nhà vườn, khách có nhu cầu biếu, tặng hoặc các gia đình có thú chơi hoa trong và ngoài xã. Khách đi lễ hội hoặc vào ngày rằm, mồng 1 cũng thường xuyên qua đây tự cắt hoa. Về quy mô, diện tích trồng hồng cổ chiếm khoảng 7.000 m2 với 1.200 gốc hồng cổ và hàng vạn cây được nhân giống bằng phương pháp ghép phục vụ nhu cầu của khách hàng gần xa. Về giá trị kinh tế, chị Thu cho biết mỗi năm doanh thu từ vườn hồng cổ khoảng 200 - 300 triệu đồng. Giá bán cây cũng tùy thuộc, từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Với những gốc hồng cổ lâu năm, có khách ưng trả giá cả chục triệu đồng. Gốc hồng cổ lớn nhất chị vừa bán dịp gần đây với giá 65 triệu đồng. Nhà vườn đang tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động. Vào thời vụ chăm sóc phải tăng cường thêm nhân công.
Kể từ khi xây dựng mô hình vườn hồng cổ đã tạo cảnh quan sinh thái tươi đẹp, đáp ứng thị hiếu của nhiều người. Đồng thời trở thành một trong những điểm nhấn, nét mới đối với du khách thăm quan, trải nghiệm mảnh đất Lạc Thủy.
Bùi Minh