(HBĐT) - 45 năm qua, trong những ngày tháng tư lịch sử, hàng triệu trái tim Việt Nam lại tự hào nhớ về Đại thắng mùa Xuân năm 1975, trong đó khắc sâu hình ảnh chiếc xe tăng ngạo nghễ húc đổ cổng Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ của Ngụy quyền Sài Gòn. Trong chiều dài lịch sử, Dinh Độc Lập là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của Việt Nam. Ngày nay, dinh trở thành điểm không thể bỏ qua của du khách trong, ngoài nước đến thăm thành phố mang tên Bác, bởi không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, mà nơi đây còn là công trình kiến trúc tiêu biểu, độc đáo, đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Dinh Độc Lập không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn là công trình kiến trúc độc đáo.
Dinh Độc Lập tiền thân là dinh Norodom, được người Pháp xây dựng từ năm 1868 - 1871, theo đề án của kiến trúc sư Achille - Antoine Hermitte. Đây từng là dinh Thống đốc Nam Kỳ, dinh Toàn quyền và dinh Cao ủy Pháp tại Đông Dương. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, chính quyền Sài Gòn tiếp quản, đổi tên là Dinh Độc Lập và trở thành nơi ở, làm việc của Tống thống Việt Nam cộng hòa Ngô Đình Diệm.
Ngày 27/2/1962, dinh bị ném bom gây hư hại nặng, Ngô Đình Diệm buộc phải xây dinh mới. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã thiết kế xây dựng với mong muốn tìm một ý nghĩa văn hóa cho công trình. Do vậy, ý tưởng thiết kế là kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Dinh được làm bằng bê tông, ít dùng vật liệu gỗ, không có mái cong nhưng vẫn mang nét kiến trúc truyền thống Việt Nam. Bao quanh tầng 2 là các cột bê tông hình đốt trúc có tác dụng đón ánh sáng mặt trời. Bên trong dinh là những đường ngay nét thẳng, các phòng tiếp nối nhau mở ra hai bên hành lang. Chính giữa là cầu thang trung tâm cao rộng, thanh nhã và uy nghi.
Được đến thăm quan các gian phòng trưng bày hiện vật lịch sử; tìm hiểu qua tài liệu giới thiệu tại đây mới thấy, Dinh Độc Lập là nơi chứng kiến những cột mốc quan trọng trong lịch sử. Trong đó phải kể đến sự kiện ngày 8/4/1975, trung úy phi công Nguyễn Thành Trung, hoạt động bí mật trong không lực Việt Nam cộng hòa, nhận lệnh lái chiếc FS5 chở theo 4 quả bom MK82, xuất phát từ sân bay Biên Hòa để yểm trợ cho một cuộc hành quân tại Phan Thiết. Nguyễn Thành Trung đánh lạc hướng đài kiểm soát, bay về Sài Gòn thả 2 quả bom xuống Dinh Độc Lập. Sau đó, máy bay hạ cánh xuống đường băng dã chiến trong vùng giải phóng ở Bà Rá, tỉnh Phước Long. Vụ ném bom làm hư hỏng sân đáp máy bay trực thăng và cầu thang trung tâm. Sự kiện này đã gây chấn động chính quyền Việt Nam cộng hòa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, và là một trong những nguyên nhân khiến Tổng thống Hoa Kỳ ra lệnh di tản khẩn cấp những người Mỹ còn lại khỏi Sài Gòn.
Đặc biệt, bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, vào 10h45 ngày 30/4/1975, xe tăng mang số hiệu 843 của quân giải phóng thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 230, Quân đoàn 2 dẫn đầu đội hình đã húc nghiêng cổng phụ Dinh Độc Lập. Tiếp đó, xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính tiến thẳng vào dinh. 11h30 cùng ngày, trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng chỉ huy xe tăng 843 đã kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Tại nơi đây đã chứng kiến Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh phải ra Đài phát thanh, đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền cách mạng. Cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam kết thúc thắng lợi.
Hiện nay, trong khuôn viên của Dinh Độc Lập vẫn con 2 chiếc xe tăng mang số hiệu 843, 390 của quân giải phóng như một minh chứng lịch sử hào hùng cho đại thắng của dân tộc ta. Trong dinh còn lưu giữ khoảng 6.800 hiện vật, trong đó nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, mỹ thuật. Không gì tự hào hơn khi những người con đất Việt lại được chứng kiến từng đoàn du khách nước ngoài thăm quan, tìm hiểu, bày tỏ sự thán phục về tinh thần, sức mạnh Việt Nam, về giá trị lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - một thiên anh hùng ca bất hủ của chiến tranh Nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Việt Nam.
Bình Giang