(HBĐT) - Trong những năm qua, huyện Đà Bắc đã tập trung nhiều nguồn lực, dành nhiều cơ chế cũng như công tác quảng bá, thu hút đầu tư nhằm phát triển ngành du lịch, nhất là du lịch cộng đồng (DLCĐ). Qua đó, xác lập bản đồ du lịch huyện không những đối với du khách trong tỉnh, mà còn giới thiệu về tiềm năng, lợi thế tới đông đảo du khách, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Khu du lịch sinh thái Đà Bắc Ecolodge, xã Hiền Lương (Đà Bắc) là điểm đến lý tưởng, thu hút du khách trải nghiệm, khám phá.
Hồ Hoà Bình có chiều dài trên 200 km, trong đó, qua địa phận huyện Đà Bắc khoảng 70 km. Ven hồ, những bản làng của người Mường, người Dao, người Tày với những ngôi nhà sàn, nhà mới xây như những điểm nhấn trong màu xanh non nước, núi rừng. Ngồi trên thuyền, đồng chí Xa Văn Chính, Bí thư Đảng ủy xã Vầy Nưa (Đà Bắc) chỉ tay về những bản làng phía xa cho hay, Hiền Lương cùng những xã lân cận của huyện Đà Bắc ngoài phát triển trồng rừng, nông nghiệp và nuôi cá trên hồ còn có chủ trương tập trung phát triển du lịch, nhất là DLCĐ, loại hình du lịch được du khách trong nước, quốc tế yêu thích.
Huyện Đà Bắc được biết đến với những danh lam, thắng cảnh như đền Chúa Thác Bờ mỗi năm thu hút hàng vạn du khách tới hành hương, vãn cảnh. Những bản làng nguyên sơ cùng những tập tục, văn hoá đặc trưng của con người Tây Bắc. Người dân chăm chỉ, thật thà, nồng hậu, luôn nở nụ cười thân thiện chào đón du khách. Chẳng thế mà Đà Bắc nổi tiếng với những điểm bán hàng "tự giác”. Tại những lán bán hàng người dân bày sẵn các sản vật đặc trưng địa phương. Mỗi món hàng có "bảng giá” viết tay trên miếng giấy xé nhỏ, mùa nào thức nấy. Do không có người bán và chỉ đề giá trên mỗi loại sản phẩm, nên du khách đến tự lấy những gì mình thích và để tiền vào chiếc giỏ được treo gần đó. Điều này thực sự gây thích thú cho du khách mỗi khi đặt chân đến đây.
Mấy năm trở lại đây, huyện đã thu hút một số nhà đầu tư vào phát triển lĩnh vực du lịch trên địa bàn. Khu du lịch sinh thái Đà Bắc Ecolodge thuộc xóm Mái, xã Hiền Lương là điểm đến lý tưởng đối với du khách trẻ tuổi, với những hoạt động trải nghiệm thiên nhiên thú vị, tận hưởng không gian ấm áp bên trong những căn nhà sàn của người dân tộc. Đảo Dừa, xã Vầy Nưa cũng là điểm đến thú vị. Ngoài thưởng thức những món ăn của đồng bào dân tộc Mường, Thái, du khách còn được thả hồn trên thuyền độc mộc ngắm nhìn những bản làng đậm chất vùng cao...
Đến nay, huyện Đà Bắc đã phát triển được nhiều điểm DLCĐ tại xóm Ké, xã Hiền Lương; xóm Đức Phong, Mó Hém, xã Tiền Phong; xóm Sưng, xã Cao Sơn… Những nơi này bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc còn được lưu giữ về phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, trang phục, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống và nhiều lễ hội dân gian, là những yếu tố cần thiết để phát triển DLCĐ. Năm 2020, huyện Đà Bắc đón hơn 90 nghìn lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 30 tỷ đồng.
Trong chiến lược phát triển du lịch, từ năm 2017, UBND huyện đã xây dựng Đề án phát triển du lịch huyện Đà Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu nhằm cụ thể hóa các định hướng quy hoạch phát triển du lịch, đưa Đà Bắc trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tạo nguồn thu và tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Theo lãnh đạo huyện Đà Bắc, là huyện vùng cao của tỉnh, Đà Bắc có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, bản sắc văn hóa các dân tộc Tày, Dao, Mường… độc đáo, có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử. Tài nguyên du lịch tự nhiên trên địa bàn huyện phong phú với nhiều điểm như: Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh; thác Tà Khớp - xã Đồng Ruộng; hang Thần - xã Vầy Nưa; suối Láo, hang Mưa, hang Sưng - xã Cao Sơn; hang Sấm - xã Toàn Sơn; động Hương Lý - xã Tú Lý; rừng, núi Biều, hang Lỗ Làn, vịnh Hiền Lương - xã Hiền Lương; đảo Dừa - xã Vầy Nưa; đảo Sung - xã Tiền Phong... Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch nhân văn với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo. Các dân tộc Dao, Tày, Mường còn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc là điều kiện thuận lợi để phát triển DLCĐ.
Với những tiềm năng cùng chủ trương thúc đẩy hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi trong việc đi lại, đẩy mạnh thu hút đầu tư hứa hẹn hoạt động du lịch của huyện Đà Bắc sớm có sự phát triển mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Hồng Trung
(HBĐT) - Có những lợi thế riêng của vùng đất Mường Thàng tươi đẹp, trù phú, còn lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, phong cảnh thiên nhiên hữu tình với nhiều danh thắng, điểm du lịch được du khách biết đến. Huyện Cao Phong đã, đang chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc để phát triển các loại hình du lịch.
Dịch COVID-19 bùng phát lần này khiến thị trường du lịch tiếp tục lao đao, nhất là thời điểm trước đó, Hà Nội thực hiện hàng loạt biện pháp kích cầu du lịch, lượng người đặt tour tăng cao.
Chiều 11.5, Bộ VHTTDL đã gửi văn bản số 1518/BVHTTDL-TCDL tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị đôn đốc các cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc thực hiện đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19.
(HBĐT) - Tọa lạc trong quần thể khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình thơ mộng và kỳ vĩ, bản văn hóa cộng đồng xã Suối Hoa (Tân Lạc) được du khách quan tâm, lựa chọn là một trong những điểm đến an toàn, hấp dẫn dịp hè 2021.
(HBĐT) - Thăm lại Điện Biên vào ngày đầu hè, chúng tôi có chuyến đi đến huyện Điện Biên Đông. Cung đường ngoằn ngoèo từ TP Điện Biên Phủ đến huyện thơ mộng hơn bởi sắc tím hoa sim, hoa mua, giúp cho vùng rẻo cao này không còn xa vắng. Kết thúc chặng đường đèo khoảng 30 km, hồ Noong U, bản Tìa Ló B, xã Pú Nhi (Điện Biên Đông) hiện ra trước mắt.
(HBĐT) - Thời gian qua, huyện Mai Châu đã thực hiện nhiều giải pháp để thu hút đầu tư, phát triển du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.