(HBĐT) - Là 1 trong 4 vùng Mường cổ, cái nôi của nền Văn hoá Hoà Bình nổi tiếng, văn hóa dân tộc là nguồn lực nội sinh quan trọng của huyện Tân Lạc. Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện từng bước phát huy truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển bền vững.



Homestay Xuân Trường xóm Chiến, xã Vân Sơn (Tân Lạc) là điểm đến thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên thu hút nhiều khách thăm quan du lịch. 

Những ngày tháng 9, chúng tôi có dịp về xóm Lũy Ải, xã Phong Phú - một trong những bản Mường cổ. Ấn tượng đầu tiên là những nếp nhà sàn ẩn mình dưới tán cau, những chiếc vòm cổng yên bình với giàn hoa đậu biếc xinh xinh, bờ rào là hàng chiều tím cắt tỉa gọn gàng. Nhưng có lẽ sự hấp dẫn, níu chân du khách khi đến với Lũy Ải là bản sắc văn hóa được thể hiện ngay trong lời ăn, tiếng nói của người dân nơi đây, dù là du khách phương xa vào xóm sẽ luôn nhận được lời chào với nụ cười thân thiện như chào đón người con lâu ngày trở về. Bên cạnh đó, những phong tục tập quán đẹp vẫn được duy trì trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài xóm Lũy Ải, vùng Mường cổ Tân Lạc còn nhiều điểm đến mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng chí Đinh Sơn Tùng, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Vùng đất cổ Mường Bi - Tân Lạc còn lưu giữ được những giá trị truyền thống như: mo Mường, chiêng Mường, hát thường đang, bộ mẹng, hát ví… cùng nhiều sản phẩm thủ công truyền thống đặc sắc: Dệt thổ cẩm, đan lát, rượu cần và những lễ hội đặc sắc. Trên địa bàn có 11 danh lam thắng cảnh, di tích khảo cổ cấp tỉnh và quốc gia. Huyện đang phát triển hoạt động du lịch cộng đồng ở xóm Ngòi (xã Suối Hoa), xóm Chiến (xã Vân Sơn); xóm Bưởi Cại (xã    Phú Cường); khu du lịch sinh thái bảo tồn thiên nhiên Lũng Mây, xã Quyết Chiến…
 
Nhằm khơi nguồn tài nguyên văn hóa cho du lịch phát triển, những năm qua, huyện tích cực đầu tư các nguồn lực cho công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, tâm linh, lễ hội... Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân, hơn hết là quảng bá hình ảnh đẹp về đất và người Mường Bi nhằm thu hút du khách và phát triển du lịch. 

Theo đồng chí Trưởng phòng VH-TT huyện, huyện chủ động đầu tư nhằm giữ vững và không ngừng phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Xây dựng chương trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của địa phương. Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa dân tộc đến với du khách trong và ngoài nước; gắn phát triển văn hóa với phát triển kinh tế... Huyện đã khôi phục, bảo tồn, phát triển các lễ hội truyền thống (lễ hội Khai hạ, lễ hội chùa Kè, lễ hội đánh cá suối tháng 3 tại xã Lỗ Sơn…); dàn dựng, biểu diễn các điệu hát - múa đặc sắc, tiêu biểu của dân tộc; xây dựng, triển khai kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa mo Mường, chiêng Mường trên địa bàn. Chú trọng phát triển làng nghề truyền thống, vừa bảo tồn giá trị văn hóa, vừa tạo sinh kế cho người dân, tạo sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển du lịch. Khôi phục phiên chợ truyền thống để phát triển thương mại, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, đồng thời bảo tồn nét văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng của Nhân dân. 

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Tân Lạc được xác định là trung tâm của tuyến du lịch Cao Phong - Tân Lạc - Mai Châu. Nhằm định hướng cho các hoạt động du lịch, huyện chú trọng công tác quản lý Nhà nước về du lịch; xúc tiến quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông, báo chí; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; thu hút các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất du lịch như nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại... 

Huyện từng bước nỗ lực, "làm mới” tư duy, hành động về phát triển du lịch. Tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về công tác phát triển du lịch nói chung, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch nói riêng. Từ đó, đánh giá lại nguồn tài nguyên du lịch nhân văn sẵn có để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao; khơi thông nguồn lực, nhất là huy động tối đa nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch. Tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng: du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch thăm quan nghiên cứu lịch sử - về nguồn, du lịch sinh thái cộng đồng - làng nghề; xây dựng các sản phẩm du lịch, tour, tuyến du lịch có chất lượng, hiệu quả để đưa vào khai thác.

 Đinh Hòa


Các tin khác


Du lịch Hòa Bình đón 195.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5), du lịch tỉnh Hòa Bình đón 195.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến tăng 14,7%, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, tăng 33,3%; 175.000 lượt khách nội địa, tăng 6,1%.

Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục