Xóm Mỗ - bản du lịch cộng đồng không nên bỏ qua trong cuộc hành trình khám phá huyện Cao Phong.
Càng gần Tết càng có nhiều người như chị Quỳnh háo hức tìm đến Cao Phong, vừa để khám phá những điểm du lịch hấp dẫn vừa để mua cam Cao Phong - thứ sản vật tuyệt vời đã làm nức tiếng mảnh đất xinh đẹp này. Cùng với sức hút của vùng cam ngọt lành, khi mùa xuân đến, huyện Cao Phong còn có sức hút đặc biệt đến từ hai xã vùng lòng hồ Sông Đà là Thung Nai và Bình Thanh. Cách trung tâm TP Hoà Bình khoảng 10 km, con đường Tây Tiến chạy dọc địa phận xã Bình Thanh sẽ đưa du khách vào xóm Mỗ - bản du lịch cộng đồng nổi tiếng nhất của huyện, đồng thời là một điểm nhấn văn hoá nổi bật của đất Mường Hoà Bình. Cả bản có hơn 100 nếp nhà sàn, tất cả đều đượm một màu xam xám trầm mặc của cỏ gianh và gỗ. Ruộng bậc thang, vườn rau, con trâu, chuồng lợn… như những họa tiết sống động tô điểm cho một nhịp sống tĩnh tại, an lành. Đó chính là giá trị cốt lõi để huyện Cao Phong tập trung xây dựng xóm Mỗ trở thành một bản du lịch cộng đồng - một sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách thập phương đến với đất Mường Thàng Cao Phong.
Rời xóm Mỗ, ngược theo hướng đi Thung Nai, tiếp tục đưa du khách đặt chân đến bến Thung Nai - điểm mở đầu cho hành trình khám phá các sản phẩm du lịch sinh thái nằm trong quần thể khu du lịch quốc gia lòng hồ Hòa Bình. Nơi đây được ví như phiên bản hoàn mỹ của Vịnh Hạ Long thu nhỏ! Từ bến Thung Nai phóng mắt chiêm ngưỡng vùng hồ, "mắc” giữa tầm nhìn mênh mông nước là rải rác những hòn đảo lớn, nhỏ. Từ cảng du lịch Thung Nai đi thuyền khoảng 20 phút thì cập bến Đền Thác Bờ. Đây không chỉ là nơi sơn thủy hữu tình, có rừng, có đảo, có khí hậu thanh mát quanh năm, mà còn là nơi quần tụ của các bản làng dân tộc truyền thống, hai bên vùng lòng sông có nhiều di tích lịch sử như Đền Bờ, Đền Cô, Đền Cậu, Bia Vua Lê… mang giá trị văn hóa - tâm linh sâu sắc.
Rời Đền Bờ, du khách có thể lần lượt ghé vào các điểm du lịch hấp dẫn khác, như đảo Ngọc, đảo Quạ, thác Giăng... Đều là những thắng cảnh và di tích lịch sử đã được vinh danh, tạo nên một quần thể du lịch vùng hồ đầy sức hút.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 khu di tích lịch sử đã được Bộ VH-TT&DL cấp bằng công nhận di tích quốc gia, văn hóa, lịch sử và 1 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Những năm gần đây, công tác phát triển du lịch luôn được huyện chú trọng. Đặc biệt, từ khi Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 22/11/2017 về phát triển du lịch huyện Cao Phong giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2030, công tác phát triển du lịch đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm với nhiều giải pháp quan trọng, như: Ưu tiên sử dụng quỹ đất cho phát triển du lịch, tăng cường giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, khuyến khích triển khai các mô hình "du lịch xanh” và một số dự án phù hợp với tiềm năng phát riển du lịch của huyện. Với nỗ lực triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch, huyện bước đầu tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, hình thành được những điểm du lịch hấp dẫn, điển hình như: Khu du lịch Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam tại xóm Tiềng, xã Bắc Phong; quần thể hang động Núi Đầu Rồng, Đền Thượng Bồng Lai thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong; bản du lịch cộng đồng xóm Mỗ, xã Bình Thanh… Đặc biệt, điều đáng quý là đến nay, huyện còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa phi vật thể đậm bản sắc dân tộc Mường Thàng. Với quyết tâm giữ gìn và phát huy hồn cốt của văn hóa dân tộc, những người con Cao Phong nay - Mường Thàng xưa đã tích cực duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, khôi phục trò chơi dân gian trong các dịp lễ hội để khai thác trở thành các sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hóa địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới.
Thu Trang
(HBĐT) - Dự án "Chiếc khăn Piêu nối dài” của chị Hà Thị Hoa, xóm Nhót, xã Nà Phòn (Mai Châu) là 1 trong 4 dự án lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Thách thức kinh doanh”. Dự án có mục tiêu thí điểm, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế kết hợp với du lịch, bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, xây dựng nhà nghỉ cộng đồng "homestay real homestay” nhằm hạn chế tình trạng thanh niên đi làm xa nhà, thu hút thanh niên nhập cuộc và cải thiện sinh kế cho thanh niên trước đại dịch Covid-19.