Khu du lịch An Lạc Eco Farm and Hot Springs, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mang đến không gian sống xanh, phù hợp nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp vui chơi thể thao theo nhóm khách nhỏ.
Một trong những khu du lịch (KDL) tiên phong đưa ra sản phẩm trải nghiệm mới là An Lạc Eco Farm and Hot Springs, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi). Nằm ở vị trí biệt lập, điểm đến nghỉ dưỡng này chào đón du khách ghé thăm với yêu cầu có hộ chiếu vắc xin và khai báo y tế. Tại đây, KDL luôn nghiêm túc thực hiện "5K", khử khuẩn kỹ lưỡng nhằm bảo vệ an toàn cho khách và đội ngũ nhân viên. Nếu muốn, du khách có thể test nhanh trước khi rời điểm đến. Chia sẻ về những sản phẩm mới đang được KDL triển khai, chị Bùi Thị Hiền, quản lý phụ trách chung KDL cho biết: Xã hội phát triển, ngày càng nhiều người nhận ra rằng, chăm sóc sức khoẻ, nuôi dưỡng tinh thần quan trọng hơn việc mua sắm những món đồ vật chất vô nghĩa. An Lạc Eco Farm mang đến cho du khách không gian sống xanh, các món ăn với nguyên liệu hữu cơ, những khoá học hướng dẫn cách sống lành mạnh, tích cực. KDL cũng là địa điểm được nhiều công ty, đơn vị lựa chọn tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện cuối năm, tiệc đón năm mới kết hợp hoạt động vui chơi giải trí, thể thao: Trượt cỏ, cắm trại, tennis…
Phù hợp với xu thế đi du lịch quy mô nhóm nhỏ, các điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) của tỉnh đón lượng khách ổn định, chủ yếu là khách nội địa, một số khách là người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam. Bên cạnh thế mạnh về tài nguyên văn hoá độc đáo, một số bản DLCĐ tăng cường hoàn thiện dịch vụ, làm mới các sản phẩm. Như điểm DLCĐ xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) cung cấp sản phẩm trải nghiệm săn mây, cắm trại nghỉ đêm trong rừng rất thu hút du khách. Các bản DLCĐ trên vùng hồ Hoà Bình như bản Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc); bản Sưng - xã Cao Sơn, điểm DLCĐ Đá Bia - xã Tiền Phong, bản Ké - xã Hiền Lương (Đà Bắc), bản Mỗ - xã Bình Thanh (Cao Phong) cải tạo, làm mới cảnh quan, khai thác, tận dụng lợi thế về vẻ đẹp nguyên sơ của tự nhiên, nét sinh hoạt văn hoá bản địa. Tại đây, du khách cũng có thể trải nghiệm nghề truyền thống và một số sản phẩm dịch vụ mới như tắm lá thuốc, ngâm chân giúp thư giãn, có lợi cho sức khoẻ.
Cung cấp sản phẩm mới đáp ứng đòi hỏi, cũng như xu hướng du lịch an toàn là sự thích ứng cần thiết của nhiều doanh nghiệp, đơn vị tổ chức, cá nhân kinh doanh loại hình du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Cũng với vị trí biệt lập, gần Thủ đô Hà Nội, KDL Serena Resort Kim Bôi, xã Sào Báy (Kim Bôi) được ví như miền xanh nghỉ dưỡng với vẻ đẹp sinh thái, nhiều dịch vụ tiện ích và nổi tiếng với sản phẩm du lịch khoáng nóng. Vào các ngày cuối tuần thường rất đông nên du khách có nhu cầu nghỉ dưỡng cần liên hệ trước. Một điểm đến cũng đang được du khách quan tâm là Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam tại xóm Tiềng, xã Bắc Phong (Cao Phong). Đây là tổ hợp công viên hiện đại hàng đầu, thuộc top các điểm đến hấp dẫn nhất vùng Tây Bắc nhờ sự kết hợp hài hoà giữa phong cảnh tự nhiên với nét quyến rũ, mộc mạc của núi rừng. Mới đây, công viên đã thành lập bảo tàng, mở thêm dịch vụ kỹ năng sống, đưa hệ thống 20 phòng lưu trú vào hoạt động.
Theo đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, ngay cả khi dịch bệnh được khống chế, yếu tố an toàn, có lợi cho sức khoẻ vẫn là mối quan tâm hàng đầu khi quyết định tham gia vào hành trình du lịch. Trên cơ sở nắm bắt xu thế, thói quen đi du lịch của khách, các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú của tỉnh đã tìm ra "chìa khoá” phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch trong trạng thái bình thường mới nhờ linh hoạt, chủ động làm mới sản phẩm, hoặc xây dựng các sản phẩm mới phù hợp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, địa phương đã làm mới sản phẩm du lịch truyền thống, bổ sung các biện pháp an toàn, nâng cao chất lượng phục vụ ăn, nghỉ, thăm quan và phối hợp với cơ sở y tế, cơ quan hữu quan để kịp thời xử lý các tình huống. Với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm mới đã tạo sức hút lớn cho điểm đến, góp phần kích cầu du lịch những tháng cuối của năm 2021 và năm mới 2022. Trong dịp Tết Dương lịch vừa qua, du lịch tỉnh đón 34.800 khách, tăng 54,7% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế 80 lượt, khách nội địa 34.720 lượt; tổng doanh thu đạt 34 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.
(HBĐT) - Dự án "Chiếc khăn Piêu nối dài” của chị Hà Thị Hoa, xóm Nhót, xã Nà Phòn (Mai Châu) là 1 trong 4 dự án lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Thách thức kinh doanh”. Dự án có mục tiêu thí điểm, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế kết hợp với du lịch, bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, xây dựng nhà nghỉ cộng đồng "homestay real homestay” nhằm hạn chế tình trạng thanh niên đi làm xa nhà, thu hút thanh niên nhập cuộc và cải thiện sinh kế cho thanh niên trước đại dịch Covid-19.