(HBĐT) - Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề và Hòa Bình không phải là ngoại lệ. Lượng khách tụt giảm mạnh, nhưng công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng các sản phẩm du lịch, thu hút đầu tư phát triển du lịch vẫn luôn được phát huy nhằm tạo tâm thế vững vàng vượt qua đại dịch.


Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam tại xã Bắc Phong (Cao Phong) có không khí trong lành, cảnh sắc nên thơ, thu hút sự quan tâm của du khách.

Với mục tiêu phát triển du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, trong những năm qua, tỉnh đã khai thác hiệu quả tiềm năng, phát huy lợi thế sẵn có để phát triển loại hình du lịch. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo, giàu giá trị lịch sử, văn hóa như: Khu du lịch hồ Hòa Bình, bản Lác, Mai Châu Ecolodge, Mai Châu Hideaway Resort, huyện Mai Châu; Suối khoáng, Serena Resort, An Lạc Ecofarm, huyện Kim Bôi; chùa Tiên - Lạc Thủy; quần thể hang động Núi Đầu Rồng - Cao Phong, đền thờ Chúa Thác Bờ, các sân golf… hút khách. Năm 2018, tỉnh đón 2,7 triệu lượt khách du lịch; năm 2019, tỉnh đón gần 3 triệu lượt khách; năm 2020 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tỉnh đón 1,98 triệu lượt khách. Năm 2021, toàn tỉnh đón trên 1,4 triệu lượt khách, đạt 43% kế hoạch, tổng thu từ du lịch 1.513 tỷ đồng, đạt 52,2% kế hoạch. Mặc dù không đạt chỉ tiêu, kế hoạch nhưng tỉnh ta là một trong số ít địa phương ở miền Bắc có lượng du khách ổn định, hoạt động du lịch không bị ngừng quá lâu do ảnh hưởng của đại dịch.

 Để có được kết quả trên theo đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL là do tỉnh đã có sự chủ động để thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và quyết tâm phục hồi nhanh ngành "công nghiệp không khói” sau đại dịch. Theo đó, các hoạt động "đầu tư” dài hạn cho du lịch vẫn được triển khai như: Tuyên truyền, quảng bá giới thiệu tiềm năng du lịch; triển khai các hoạt động trong chương trình hợp tác phát triển 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và kích cầu du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2021. Tổ chức đoàn Famtrip đón Hiệp hội du lịch, Hiệp hội lữ hành, các công ty lữ hành tại Hà Nội, cơ quan thông tấn, báo chí của T.Ư và của tỉnh khảo sát, trải nghiệm du lịch trên khu du lịch hồ Hòa Bình, các huyện Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong và Mai Châu… nhằm thúc đẩy quảng bá du lịch với thông điệp "Du lịch Hòa Bình - điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn".

Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn theo chỉ đạo chung của Chính phủ, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp du lịch thực hiện các gói sản phẩm kích cầu đã công bố, xây dựng, triển khai, công bố gói kích cầu du lịch mới, giới thiệu gói sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng với giá hợp lý kèm theo những ưu đãi, cam kết của nhà cung cấp dịch vụ theo chương trình du lịch trọn gói hoặc từng phần dịch vụ. Chủ động liên kết hợp tác phát triển hoạt động du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch của tỉnh với doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước để thu hút du khách. Mặt khác, triển khai một số hoạt động về văn hóa, thể thao và du lịch để thu hút khách, chuẩn bị điều kiện, kế hoạch cho việc tổ chức các sự kiện trong năm 2022 nhằm từng bước phục hồi. 

Theo kế hoạch đặt ra, năm 2022, tỉnh phấn đấu đón 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 50.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu đạt trên 2.400 tỷ đồng. Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Du lịch tỉnh, Sở VH-TT&DL dự kiến: Trong năm 2022 nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, tỉnh sẽ tham mưu cho tỉnh và tổ chức tổ chức nhiều sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch của với quy mô lớn như: Lễ hội Đất Mường, Liên hoan văn hoá Mo Mường, Cuộc thi Đại sứ du lịch Hoà Bình, Chương trình quảng bá Văn hóa - Du lịch Hòa Bình tại Hà Nội… để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và đón khách đến tham quan, khám phá trải nghiệm tại địa phương. Cùng với đó, triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch nội địa. Tăng cường hoạt động quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm; tích cực tuyên truyền về văn hóa, con người tài nguyên du lịch tỉnh Hòa Bình. Tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào khai thác hoạt động du lịch, dịch vụ tại tỉnh, nhất là các dự án có quy mô lớn, khách sạn, khu giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp… để du lịch Hòa Bình tiếp tục thăng hạng, nâng tầm khi con bão đại dịch Covid-19 đi qua.

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 (từ 29/12/2021 đến mùng 6 tháng Giêng), tỉnh ta  đón 102.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế 500 lượt, khách nội địa 101.500 lượt. Doanh thu từ du lịch đạt 79 tỷ đồng. Lượng khách tăng khoảng 40%, doanh thu tăng 96% so với cùng kỳ năm trước.

Lam Nguyệt 
(Hội Nhà báo tỉnh)


Các tin khác


Đánh thức tiềm năng du lịch xã Nhân Mỹ

(HBĐT) - Là một trong những xã trung tâm vùng Mường Bi, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) có trên 95% người dân tộc Mường sinh sống với nền văn hóa lâu đời hàng nghìn năm. Từ nếp nhà sàn, trang phục dân tộc, ẩm thực và những di tích, danh lam thắng cấp tỉnh... tạo nên điểm đến hấp dẫn, níu chân du khách gần xa đến thăm quan, khám phá.

Vãn cảnh di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng

(HBĐT) - Đầu năm tôi cùng gia đình du xuân, vãn cảnh đền Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội), được hòa chung niềm tự hào của người dân nơi đây về một di tích quốc gia đặc biệt với bề dày lịch sử lâu đời. Đền ngự trên một khu đất cao, rộng, nhìn ra đê sông Hồng…

Khám phá “vương quốc hang động”

Bên cạnh Sơn Đoòng - hang động hàng triệu năm tuổi và nổi tiếng lớn nhất thế giới, có hơn 350 hang động khác đã và đang được lập bản đồ ở Quảng Bình. Ẩn giấu trong những cánh rừng mênh mông và dưới lòng đất sâu thẳm là vô vàn điều kỳ thú, thu hút tín đồ du lịch trong và ngoài nước đến với "vương quốc hang động” Quảng Bình. Những ngày đầu năm 2022, một số cơ sở lưu trú đạt công suất phòng trên 90%; tua "Thám hiểm Sơn Đoòng” đã được đặt kín chỗ cả năm 2022...

Đón trên 100.000 khách du lịch dịp trong và sau Tết

(HBĐT) - Dịp trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, mặc dù tỉnh tạm dừng các loại hình lễ hội nhưng các khu, điểm, du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn vẫn tổ chức đón khách, đồng thời, đảm bảo hoạt động theo đúng quy định về an ninh trật tự, an toàn xã hội, bình ổn giá các dịch vụ, đặc biệt về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ du lịch trên hồ Hoà Bình

(HBĐT) - Các sản phẩm, dịch vụ là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch, tạo dấu ấn trong lòng du khách. Những năm qua, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, các khu, điểm du lịch trên khu du lịch (KDL) hồ Hoà Bình đã xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch phong phú, hấp dẫn. Từ đó, thu hút ngày càng đông khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm, khám phá…

Du lịch “phá băng”, chỉ dấu phục hồi

Sau thời gian dài "đóng băng” do đại dịch Covid-19, bước sang năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đã có những dấu hiệu khởi sắc ở cả thị trường du lịch nội địa và quốc tế, hứa hẹn khả năng phục hồi mạnh mẽ, nhanh chóng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục