(HBĐT) - Không xin đất, vẽ dự án lớn, không khởi công rầm rộ và cam kết tạo việc làm cho hàng trăm người… để rồi "đắp chiếu”, những chàng trai ở Thủ đô mê lòng hồ tự bỏ tiền mua đất, làm homestay, retreat. Họ không chỉ thu hút khách trong và ngoài nước biết đến Hòa Bình, mà đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.


Anh Khuất Văn Xuân ở thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) luôn có việc làm ổn định tại xưởng mộc Xoan Retreat.

Dự án nhỏ, an sinh lớn

Một ngày cuối tuần, chúng tôi đến Xoan Retreat ở xóm Mơ, xã Hiền Lương (Đà Bắc). Khác với tưởng tượng của tôi, khuôn viên tuy nhỏ nhưng khách du lịch được trải nghiệm nhiều dịch vụ mà chủ nhân ở đây mang lại. Với 6 căn nhà gỗ là phòng nghỉ được mang tên 6 xóm khác nhau của huyện Đà Bắc để khách lựa chọn chỗ nghỉ cho gia đình, bạn bè phù hợp. Một bể bơi vô cực ngắm hoàng hôn trên lòng hồ. Hai căn nhà bè được nuôi cá lồng, vó bè kéo cá, chèo thuyền kayak, câu cá lòng hồ… Điểm cuốn hút nhất ở nơi đây là người thiết kế xây dựng, sử dụng chủ yếu vật liệu từ tre, gỗ, cọ, đá... không gian thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên. Những vật dụng nhỏ nhất từ lọ tăm, bảng tên phòng, bàn ghế cũng được sử dụng bằng tre, gỗ. Đường đi, công trình xây dựng đều được bố trí dựa vào địa hình và vận dụng tối đa, không chặt phá cây tự nhiên.

Người đầu tiên tôi gặp là anh Bùi Văn Huy, bếp trưởng của Xoan Retreat. Anh sinh ra và lớn lên ở xóm Mơ, xã Hiền Lương. Sau gần 20 năm đi học và làm đầu bếp ở nhiều nhà hàng từ Hà Nội, Việt Trì (Phú Thọ) đến Kiên Giang, Thái Lan… anh quyết định quay về quê hương. Anh Huy cho hay: Cuối năm 2021, khi đang làm trong Kiên Giang thì dịch Covid-19 bùng phát. Tôi về quê nghỉ dịch và ăn Tết. Thời điểm đó, Xoan Retreat đang xây dựng, tôi đến xin làm. Được làm gần nhà, gần vợ con, gia đình nên mọi thứ đều thuận lợi. Trước vợ tôi cũng đi làm nhiều nơi. Nay vợ tôi làm ở đây phụ trách buồng phòng. Với thu nhập hiện tại, kinh tế gia đình khá ổn định.

Gia đình anh Đỗ Công Kỷ ở xóm Mơ làm nghề đánh bắt cá trên lòng hồ, vợ anh - chị Nguyễn Thị Ngân ở nhà trồng ngô, sắn trên đồi. Khi Xoan Retreat xây dựng ngoài thời gian đánh bắt tôm, cá, anh là người tham gia thợ xây. Và khi vận hành đón khách du lịch, anh Kỷ là một trong những người cung cấp tôm, cá sông cho nhà hàng phục vụ thực khách. Vợ anh cũng xin vào làm trong khu du lịch. Chị Ngân cho biết: Mỗi tháng, tôi được trả lương 5 triệu đồng. So với trồng ngô, sắn, thu nhập cao và ổn định hơn nhiều. Ngoài ra, gia đình có thêm nguồn thu từ bán tôm, cá và làm thêm thợ xây của anh.

Không chỉ vợ chồng anh Huy, anh Kỷ mà từ khi Xoan Retreat đi vào hoạt động đã tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục gia đình ở địa phương. Từ những người lái xe chở vật liệu, thợ xây, thợ mộc đến những người làm vườn, làm dịch vụ, đánh bắt cá, nuôi gà, nuôi lợn… Tại xưởng mộc của Xoan Retreat, anh Khuất Văn Xuân ở thị trấn Đà Bắc cho biết: Trước tôi làm xưởng tại nhà. Công việc lúc có, lúc không. Hơn 2 năm nay, tôi nhận làm gỗ ở đây. Công việc nhiều, lúc khoán, lúc làm công nhật, thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng.

Một điều bất ngờ với tôi là chủ của Xoan Retreat là 3 chàng trai còn rất trẻ hiện sinh sống ở Hà Nội. Anh Trần Vũ Thọ là giảng viên Khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc; Lưu Anh Tú là kiến trúc sư và anh Phan Bá Hiển là kỹ sư xây dựng. Họ học cùng nhau ở trường Đại học Kiến trúc và yêu thích mảnh đất Hòa Bình. Anh Trần Vũ Thọ cho hay: Khi thiết kế Xoan Retreat, chúng tôi cùng ý tưởng xây dựng điểm du lịch dựa trên kiến trúc, nét văn hóa của người địa phương. Hiện nay, đã xây dựng và khai thác 15 phòng nghỉ. Các nhà, phòng nghỉ đều mua lại nhà cũ ở Đà Bắc. Khi dựng nhà, chúng tôi chọn thợ là người địa phương. Bởi họ là người biết rõ nhất cách dựng, phục hồi kiến trúc nhà ở. Như vậy vừa giữ được kiến trúc vốn có của ngôi nhà và còn là sự gắn kết cộng đồng giữa làm du lịch và quan hệ với người địa phương. Ngoài căn nhà thì hầu hết các công trình phụ trợ tận dụng những nguyên vật liệu tự nhiên và không phá vỡ cảnh quan. Khi đưa vào hoạt động chúng tôi đã tạo việc làm thường xuyên có thu nhập ổn định cho hơn 10 người ở các vị trí phụ trách kỹ thuật điện nước, chăn nuôi, bảo vệ...

Động lực cho vùng cao Đà Bắc

Xóm Mơ nằm ở vùng lòng hồ sông Đà, là một trong những xóm xa, khó khăn nhất của xã Hiền Lương. Nguồn thu nhập chính của người dân phụ thuộc vào đánh bắt cá và làm nông nghiệp. Anh Phạm Trung Kiên, Trưởng xóm Mơ cho biết: Từ khi Xoan Retreat xây dựng và đi vào hoạt động, hầu hết người lao động trong xóm đều có việc làm. Từ những công việc trực tiếp đến công việc gián tiếp. Người lao động được làm việc gần nhà với mức thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng.

Đồng chí Nguyễn Đăng Giáp, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hiền Lương nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, xã chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ. Dựa trên điều kiện thuận lợi về mặt nước vùng lòng hồ, khuyến khích phát triển mô hình homestay, nuôi trồng thủy sản, tạo việc làm và thu nhập cho bà con. Để đi trước đón đầu, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, huyện với mở các lớp học nấu ăn, hướng dẫn viên du lịch cho con em trong xã. Mô hình của Xoan Retreat là một trong những mô hình đã và đang hoạt động trên địa bàn xã. Tuy đầu tư không lớn nhưng họ làm thực chất và hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển của Đảng ủy xã. Từ khi Xoan Retreat đi vào hoạt động đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế ở xóm Mơ nói riêng và xã Hiền Lương nói chung.


Việt Lâm


Các tin khác


Những viên gạch nền cho "ngành công nghiệp không khói"

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ Tây Bắc, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô. Tỉnh còn được biết đến là cái nôi của nền Văn hóa Hòa Bình nổi tiếng, là miền đất sử thi thần thoại "Đẻ đất, đẻ nước” và những lễ hội đa sắc tộc. Nhiều năm qua, tỉnh đã khai thác những tiềm năng, thế mạnh này để phát triển "ngành công nghiệp không khói”.

Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực du lịch

(HBĐT) - Thực hiện Chương trình hành động số 15- CTr/TU ngày 22/9/2017 của BTV Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong 5 năm (2017 – 2022), tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch và tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước và các đơn vị kinh doanh hoạt động du lịch.

Travel off Path: TP Hồ Chí Minh là điểm đến xu hướng hàng đầu trong năm 2023

Được nhận định là điểm đến "hoàn toàn an toàn để ghé thăm”, TP Hồ Chí Minh nằm ở vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng những điểm đến xu hướng hàng đầu trong năm 2023. Đây là đánh giá của chuyên trang du lịch Travel off Path nổi tiếng của Mỹ dựa trên lượng tìm kiếm của du khách.

Ra mắt tour Đêm Hoàng cung Thăng Long dành cho du khách nước ngoài

Tối 4/1, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức ra mắt tour đêm Hoàng thành Thăng Long dành cho khách nước ngoài mang tên "Đêm Hoàng cung Thăng Long – Một cảm nhận độc đáo".

Gìn giữ giá trị lịch sử chiến thắng Đồi Bù gắn với phát triển du lịch 

(HBĐT) - Chiến thắng Đồi Bù là một trong những chiến công nổi bật của quân và dân huyện Lương Sơn trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc năm 1972.

Hòa Bình - điểm đến hấp dẫn

(HBĐT) - Năm 2022, du lịch Hòa Bình phục hồi ấn tượng. Thông điệp "Hòa Bình, điểm đến du lịch an toàn - trải nghiệm trọn vẹn” lan tỏa mạnh mẽ không chỉ với du khách trong nước mà còn với du khách quốc tế. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú mang đậm dấu ấn của nền Văn hóa Hòa Bình, cùng hoạt động của các khu, điểm du lịch mới, chất lượng đã thu hút đông đảo du khách thăm quan, nghỉ dưỡng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục