(HBĐT) - Mỗi dịp tháng 8 hàng năm, du khách trong và ngoài tỉnh lại tìm đến khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền tại xã Phú Nghĩa (Lạc Thuỷ). Tới đây, du khách được tham quan, tìm hiểu về nơi sản xuất ra những đồng tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam, cảm nhận những khó khăn, gian khổ và sự hy sinh của thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.


Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền tại xã Phú Nghĩa (Lạc Thuỷ) hàng năm được đón nhiều du khách tới tham quan, tìm hiểu.

Sử sách ghi lại, từ cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp liên tiếp cấp giấy phép cho các nhà tư sản Pháp vào vùng đất Lạc Thủy chiếm đất lập đồn điền, xúc tiến việc thu thuế và khai thác lâm thổ sản. Những năm 1893 - 1899, trên địa bàn huyện Lạc Thủy có 8 nhà tư sản Pháp, chiếm 11.445ha đất lập đồn điền. Khu vực xã Cố Nghĩa (nay thuộc xã Phú Nghĩa) nằm trong khu đồn điền cà phê Chi Nê của nhà tỷ phú người Pháp Enet Bo-ren. Ông Bo-ren đã bỏ ra hơn 40 năm để khai phá và xây dựng đồn điền. Năm 1943, do phải trở về Pháp, ông Bo-ren bán lại cho gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện, nhà tư sản Việt Nam yêu nước với giá 2.000 lượng vàng.

Đồn điền có diện tích 7.331ha, dài 13km, rộng 9km với những cánh rừng cà phê, xoan, trẩu, chè bạt ngàn. Tại đây, ông Bo-ren đã cho xây dựng nhiều khu nhà kiên cố, khu chế biến cà phê, khu chuồng trại trâu, bò… Sau ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời phải đối mặt với nhiều khó khăn, gồng mình với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Nền kinh tế kiệt quệ, ngân khố trống rỗng, đất nước vừa trải qua nạn đói do chính sách của phát xít Nhật, quân Tưởng, quân Pháp tìm cách gây sức ép về kinh tế…

Trước những khó khăn đó, trí thức Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng, có ý nghĩa hết sức to lớn. Trong số những nhân sĩ trí thức tiêu biểu thời kỳ này có ông Đỗ Đình Thiện. Những hoạt động và đóng góp tài chính của ông và gia đình có liên quan đến sự kiện thành lập ngành Tài chính Việt Nam, đến sự ra đời của đồng bạc tài chính - đồng bạc Cụ Hồ, mà đồn điền Chi Nê của ông là địa điểm được Chính phủ cách mạng đặt nhà máy in tiền đầu tiên trong những ngày đầu khi chính quyền mới thành lập.

Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên khu di tích, tại đây, những tờ giấy bạc Việt Nam có mệnh giá lớn nhất "100 đồng” hay còn gọi là tờ bạc "con trâu xanh” của chính quyền cách mạng Việt Nam ra đời, khẳng định vị thế và chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Trong thời gian nhà máy in tiền hoạt động tại đồn điền Chi Nê, để tránh bị phát hiện, công nhân nhà máy chỉ in bạc lúc 3 - 4h. Từ tháng 12/1946 - 2/1947, Cơ quan Ấn loát Trung ương đặt tại đồn điền Chi Nê đã cung cấp cho các ngành, địa phương từ Nam Trung Bộ trở ra khoảng 400 triệu đồng bạc Việt Nam. Số tiền này đã hỗ trợ nguồn lực lớn để trang bị vũ khí, lương thực, thuốc men phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 2007, khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê (1946 - 1947) được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngay sau khi được công nhận, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích nhanh chóng được thực hiện. UBND huyện Lạc Thủy đã lập quy hoạch chi tiết và được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch với diện tích 15,64 ha, bao gồm các hạng mục: Xưởng in tiền, nhà Bác Hồ về thăm và làm việc, kho chứa bạc, nhà hội trường, nhà đón tiếp, phù điêu tại khu xưởng in, sân vườn trồng cây, hệ thống giao thông toàn khu vực, khu công viên vườn hoa, khu đón tiếp và các công trình văn hoá, vui chơi giải trí...

Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết: "Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền và công trình Nhà tưởng niệm người có công và cán bộ, công nhân nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê được đảm bảo. Khu di tích là công trình có ý nghĩa, là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử của một thời kỳ cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Thời gian qua, khu di tích đã đón hàng chục nghìn lượt du khách từ khắp nơi đến tham quan, học tập và nghiên cứu”.


Hoàng Dương


Các tin khác


Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục