Du khách tham quan, trải nghiệm làm gốm tại cơ sở của gia đình chị Võ Tống Kim Chi (phải), làng gốm Thanh Hà, TP Hội An (Quảng Nam).
Tham quan làng gốm Thanh Hà cảm nhận không gian làng quê thanh bình, dọc hai bên đường là những ngôi nhà cổ kính mang màu sắc đặc trưng của làng gốm. Dừng chân tại cơ sở làm gốm của gia đình chị Võ Tống Kim Chi, trong khuôn viên rộng chừng 80m2 trưng bày các sản phẩm gốm đặc trưng: gốm đỏ, gốm tráng men điêu khắc công phu như bình hoa, ấm trà, nồi, niêu, chum, vại… Cùng với đó là các loại tò he đủ 12 con giáp khiến du khách thích thú. Chị Kim Chi chia sẻ: "Sinh ra và lớn lên được tiếp xúc với nghề làm gốm, tôi cũng như các nghệ nhân trong làng luôn đau đáu về việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống cho thế hệ mai sau. Trung bình mỗi ngày, gia đình tiếp đón trên 100 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm làm gốm. Tháng 9 - 10 là thời gian cao điểm nhất với khách nội địa và quốc tế, đông nhất là du khách đi tour đến từ Hàn Quốc. Phần lớn khách du lịch đến đây rất thích được nghệ nhân giới thiệu quy trình làm gốm, hướng dẫn cách điều khiển đôi tay nhịp nhàng trên bàn xoay để tạo hình cho khối đất. Từ đó nhào nặn tạo thành những sản phẩm gốm thủ công độc đáo theo sở thích riêng”.
Làng gốm Thanh Hà là làng nghề truyền thống lâu đời ở Hội An, hình thành từ thế kỷ XVI, nguồn gốc từ làng Thanh Chiêm, sau chuyển về phường Thanh Hà, thành phố Hội An như hiện nay. Vào thế kỷ XVI - XVII, sản phẩm của làng được mệnh danh là "thổ sản quốc gia”, dùng để tiến vua. Khoảng 15 năm trở lại đây, nghề làm gốm truyền thống Thanh Hà dần được khôi phục với nhiều sản phẩm đặc trưng phục vụ sinh hoạt đời sống hàng ngày, dần trở thành những món quà lưu niệm phổ biến ở phố cổ Hội An. Hiện nay, làng gốm Thanh Hà có gần 20 cơ sở kinh doanh với trên 30 nghệ nhân làm gốm, nghệ nhân cao tuổi nhất ngoài 75 tuổi.
Theo những nghệ nhân lâu năm, quy trình làm ra một sản phẩm đúng chất gốm Thanh Hà đòi hỏi kỳ công và tâm huyết cũng như bàn tay tài hoa người thợ để thổi được cái hồn tinh túy nhất vào đất. Từ khâu chọn đất, làm đất đến lên khuôn trên bàn vuốt, những đôi bàn tay nhào nặn như đưa cả tâm trí tập trung vào từng vòng quay của chiếc bàn xoay đến khi ra sản phẩm cuối cùng. Khi sản phẩm thành hình tiếp tục tô vẽ hoa văn tinh xảo rồi đưa vào lò nung. Đây được xem là khâu quan trọng nhất bởi độ lửa, thời gian nung đều phải chính xác để có sản phẩm hoàn thiện đưa đến thị trường tiêu dùng.
Anh Nguyễn Việt Hùng, du khách Hà Nội cho biết: "Quá trình tham quan và trải nghiệm tại các cơ sở làm gốm, tôi cảm nhận được tình yêu quê hương, đất nước, yêu nghề gốm của mỗi nghệ nhân. Từ những khối đất vô tri vô giác, những nghệ nhân dùng đôi bàn tay khéo léo tạo thành những sản phẩm gốm độc đáo mang đậm bản sắc quê hương”.
Một trong những điểm nhấn không thể bỏ qua khi ghé thăm làng gốm Thanh Hà là công viên đất nung Thanh Hà. Với khuôn viên rộng khoảng 6.000 m2, được xây dựng bằng gạch và đất nung cùng hàng nghìn sản phẩm độc đáo mang đậm giá trị văn hóa, nghệ thuật được trưng bày. Không gian công viên chia thành nhiều khu riêng biệt: lò gốm, khu bảo tồn làng, chợ đất nung, thế giới thu nhỏ, khu các làng nghề truyền thống và khu triển lãm… Khách du lịch có dịp chiêm ngưỡng, tìm hiểu về nghề gốm truyền thống với những giá trị lịch sử lưu truyền qua nhiều đời nay.
Đến Hội An, làng gốm Thanh Hà là một trong những địa điểm dừng chân lý tưởng của du khách gần xa. Du khách được tham quan, trải nghiệm và tự tay tạo nên những sản phẩm gốm theo sở thích của riêng mình. Đồng thời có thể tận hưởng, hít thở không khí trong lành, thư giãn nơi làng quê mộc mạc, thanh bình.
Đức Anh