Không được để xảy ra tình trạng nâng giá, chèo kéo du khách; phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; thiết lập và công bố công khai số điện thoại đường dây "nóng" để xử lý các tình huống phát sinh và hỗ trợ khi khách du lịch có yêu cầu. Đây là một số lưu ý đặc biệt được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khuyến cáo các địa phương thực hiện nghiêm túc trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay.
(Ảnh minh họa: CTV)
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã ký ban hành văn bản số 311/CDLQGVN-QLLT gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm các hoạt động du lịch trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Theo đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nêu rõ: Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, nhân dân và người lao động được nghỉ dài ngày. Đây là dịp để người dân trong cả nước đi du lịch, đồng thời là cơ hội để ngành du lịch cùng các địa phương kích cầu du lịch, quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo ban quản lý khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh và dịch vụ du lịch trên địa bàn chủ động tổ chức hoạt động phục vụ du khách trong dịp nghỉ lễ; nâng cao chất lượng, giới thiệu sản phẩm du lịch mới của địa phương để phục vụ du khách.
Các cơ sở du lịch phải bảo đảm an toàn cho khách du lịch, bố trí cảnh báo, cứu hộ, cứu nạn, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Các đơn vị du lịch cần tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, các đơn vị không để xảy ra tình trạng sản xuất kinh doanh, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, sử dụng các chất phụ gia có nguy cơ gây độc hại tại những cơ sở có phục vụ ăn uống.
Các ban quản lý khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch cần bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ cảnh quan chung. Tại các khu, điểm tham quan du lịch cần bố trí thu gom rác thải kịp thời, thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường, chỉ dẫn, nhắc nhở khách cùng tham gia bảo vệ môi trường, bảo đảm đủ số lượng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn.
Đặc biệt, các ban quản lý khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch chấp hành quy định pháp luật về giá, tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; không để xảy ra tình trạng tuỳ tiện nâng giá, chèo kéo, ép khách, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của địa phương và du lịch Việt Nam.
Các bên liên quan cần phát hiện, ngăn chặn và xử lý kiên quyết các đối tượng đeo bám, gây phiền hà cho khách du lịch; bố trí đủ nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ khách.
Các đơn vị chức năng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, khách du lịch nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và bảo đảm quy định về phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, quan tâm phòng tránh tai nạn xe mô tô, xe khách, tai nạn đường thủy. Thêm vào đó, địa phương cần tuyên truyền rộng rãi về những điểm đến hấp dẫn, sản phẩm phục vụ du khách trên cơ sở phát huy giá trị tinh hoa văn hoá của dân tộc.
Các đơn vị liên quan cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng của đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách tại các cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị vận chuyển khách du lịch, khu, điểm du lịch, nhà hàng.
Đặc biệt, cần kịp thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về kinh doanh du lịch, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, đồng thời thiết lập, công bố công khai số điện thoại đường dây nóng để xử lý các tình huống phát sinh và hỗ trợ khi khách du lịch có yêu cầu.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đề nghị các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Du lịch kịp thời thông tin khi có vấn đề phát sinh, báo cáo công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động du lịch tại địa phương và kết quả phục vụ nghỉ lễ về Cục Du lịch quốc gia Việt Nam
Theo Báo Nhân Dân
(HBĐT) - Từ ngày 25 - 27/8, Sở VH-TT&DL tổ chức chương trình khảo sát các tuyến, điểm du lịch mới trên địa bàn huyện Tân Lạc với sự tham gia của một số chuyên gia nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch; CLB lữ hành UNESCO Hà Nội; Hiệp hội lữ hành Việt Nam, Hiệp hội du lịch TP Hà Nội cùng 30 doanh nghiệp, công ty lữ hành, đơn vị kinh doanh du lịch trong, ngoài tỉnh; các cơ quan truyền thông của tỉnh và T.Ư.
(HBĐT) - Mỗi dịp tháng 8 hàng năm, du khách trong và ngoài tỉnh lại tìm đến khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền tại xã Phú Nghĩa (Lạc Thuỷ). Tới đây, du khách được tham quan, tìm hiểu về nơi sản xuất ra những đồng tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam, cảm nhận những khó khăn, gian khổ và sự hy sinh của thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.
(HBĐT) - Chỉ còn ít ngày nữa, cả nước bước vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày. Với đa dạng loại hình cùng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, Hòa Bình là điểm đến lý tưởng thu hút khách trải nghiệm, khám phá.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch, huyện Đại Từ lập Đề án phát triển du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, tổng kinh phí dự kiến hơn 260 tỷ đồng.
(HBĐT) - Cao Phong - Mường Thàng từ lâu đã được biết đến là một trong bốn vùng Mường lớn của tỉnh. Huyện sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có núi, hồ thủy điện, vùng thảo nguyên, rừng già, bản sắc văn hóa dân tộc Mường và nhiều địa danh lịch sử văn hóa. Thời gian qua, Cao Phong đã tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch. Đồng thời, huyện chú trọng quy hoạch, đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài tỉnh.
(HBĐT) - Homestay Độc Lập nằm tại xã Độc Lập (TP Hoà Bình). Tại đây có dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, văn nghệ, lửa trại, nướng ngô, khoai, sắn... Cùng với đó, du khách được tham gia các hoạt động trải nghiệm câu cá, đạp xe quanh cánh đồng, du lịch sinh thái, du lịch giáo dục trồng rau, chăn nuôi...