Với nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc các dân tộc Mường, Tày, Dao, Thái và sự ưu đãi của thiên nhiên đã ban tặng cảnh quan hoang sơ, hùng vĩ, huyện vùng cao Đà Bắc đang từng bước phát triển du lịch theo hướng đa dạng, gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh các điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ), trên địa bàn có một số khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái được đầu tư và đi vào hoạt động, cung cấp nhiều sản phẩm trải nghiệm cho du khách. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng quan tâm hoạt động lễ hội hàng năm như lễ hội người Dao mừng Xuân mới - xã Cao Sơn; lễ hội đền Thác Bờ - xã Vầy Nưa; lễ hội cầu Mường - xã Mường Chiềng và nhiều lễ hội nhỏ nhằm tăng sức hút cho du lịch.


Du khách trải nghiệm công đoạn nhuộm chàm tạo nên những tấm vảibền màu, mang sắc màu thổ cẩm ở xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc).

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Văn hoá - thông tin huyện Đà Bắc cho biết: Một số danh thắng của huyện đang được khai thác, phục vụ phát triển du lịch, như: đền Thác Bờ thuộc xã Vầy Nưa là nơi thờ phụng bà Đinh Thị Vân - người có công giúp dân và quân vận chuyển lương thực, thuyền bè qua Thác Bờ lên Mường Lễ (Sơn La). Ngày nay, đền trở thành điểm du lịch tín ngưỡng nổi tiếng. Hàng năm, du khách không chỉ đến hành hương, xin lộc, cầu may mà còn đến tham quan, vãn cảnh, tận hưởng không khí trong lành. Kề cận đó, khu du lịch Đảo Dừa là một trong những đảo đẹp nhất khu vực hồ Hòa Bình. Tới đây, du khách có thể đi bộ tham quan trên đảo, ngắm vườn, hái trái cây thỏa thích hoặc bơi thuyền thăm các đảo xung quanh, thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương và nghỉ đêm tại những ngôi nhà sàn xinh xắn.

Một danh thắng được nhiều du khách, đặc biệt du khách quốc tế yêu thích khám phá là Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh. Khu bảo tồn nằm trên địa bàn các xã: Đoàn Kết, Yên Hòa, Đồng Ruộng, Đồng Chum có tổng diện tích trên 1.580 ha, hệ sinh thái động, thực vật phong phú, thác nước, hệ thống suối và rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn, có những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Chân núi Pu Canh là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Tày, Mường với nhiều nét văn hóa độc đáo từ trang phục, chữ viết, ẩm thực... Người dân hiền hòa, thân thiện rất phù hợp với loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, khám phá.

Từ năm 2017 đến nay, tại các bản làng ven hồ Hòa Bình đã hình thành một số điểm DLCĐ của đồng bào dân tộc Mường, Dao. Trong đó phải kể đến điểm DLCĐ xóm Ké, xã Hiền Lương. Có 4 hộ ở xóm đang kinh doanh homestay, gồm homestay: Sắc Luyến, Sánh Thuấn, Hữu Thảo, Hà Khanh. Du khách đến đây được trải nghiệm cuộc sống cùng người dân tộc Mường với các hoạt động đạp xe, bơi, chèo thuyền kayak, đánh bắt cá tôm... phù hợp với các gia đình, nhóm bạn bè, các trường học, lớp học tổ chức dã ngoại, ngoại khóa cuối tuần. Điểm DLCĐ xóm Sưng, xã Cao Sơn là nơi sinh sống của người Dao Tiền. Bản làng nơi đây mang vẻ đẹp hoang sơ, đồng bào dân tộc giữ được nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu, thu hút đông đảo du khách quốc tế khám phá. Điểm DLCĐ Đá Bia, xã Tiền Phong là bản du lịch nổi tiếng đã được công nhận giải thưởng DLCĐ Asean năm 2019. Đến với Đá Bia,  du khách được thưởng thức ẩm thực với những món ăn dân dã của người Mường là cá đồ, cơm lam, gà đồi, rau rừng đồ... hoặc trải nghiệm quán "tự giác”.

Trên địa bàn huyện còn một số khu du lịch, nghỉ dưỡng được nhiều du khách lựa chọn là điểm đến lý tưởng, hấp dẫn: Mai Da Lodge thuộc xóm Đoàn Kết - xã Tiền Phong; Xoan Retreat Đà Bắc thuộc xóm Mơ, Đà Bắc Ecolodge thuộc xóm Mái, xã Hiền Lương; hồ Tằm homestay thuộc xã Cao Sơn. Ngoài ra, du khách đến với Đà Bắc còn được khám phá những hang động, thác nước tuyệt đẹp, như hang Lỗ Làn - xã Hiền Lương, hang Hổ Vàng - xã Nánh Nghê, hang Sưng - xã Cao Sơn, thác Bống - xã Tân Minh.
Thông qua các chương trình truyền thông, quảng bá và sự hỗ trợ của tỉnh, các dự án, đặc biệt là hoạt động tích cực của Công ty cổ phần DLCĐ Đà Bắc, du lịch địa phương đang có bước phát triển đáng kể. Hiện nay, tại huyện có một số chương trình du lịch đón được nhiều đoàn khách, gồm: Bức tranh thổ cẩm (3 ngày, 2 đêm) - tour khám phá phong tục tập quán và thiên nhiên của dân tộc Mường tại Đà Bắc và Tân Lạc; khám phá xứ Mường (2 ngày 1 đêm) - tour khám phá phong tục tập quán và thiên nhiên vùng dân tộc Mường tại xóm Ké và Đá Bia; Dấu chân rừng thiêng (2 ngày 1 đêm) - tour khám phá văn hóa truyền thống và thiên nhiên hoang sơ của người Dao Tiền xóm Sưng. 


Bùi Minh


Các tin khác


Du lịch Việt Nam sôi động dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hoạt động du lịch trên cả nước diễn ra sôi nổi với cả khách nội địa và khách quốc tế, báo hiệu một năm Giáp Thìn tràn đầy hy vọng của du lịch Việt Nam.

Tân Lạc – miền đất nhớ

Tân Lạc là vùng đất tiềm năng, giàu truyền thống lịch sử. Trên địa bàn huyện sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, di tích khảo cổ cùng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa dân tộc Mường đặc sắc. Chính vì vậy nơi đây đã và đang trở thành điểm đến yêu thích của du khách gần xa.

Trải nghiệm du lịch cộng đồng

Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hóa đậm đà bản sắc và truyền thống lịch sử hào hùng, Hòa Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Bên cạnh những điểm đến đã nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới, nhiều điểm đến mới trên khu du lịch (KDL) Mai Châu, KDL hồ Hòa Bình và một số địa phương đang thu hút du khách trong nước, quốc tế đến khám phá, trải nghiệm trong suốt 4 mùa, rộn ràng nhất là dịp Tết.

Dòng “Nho Quế” ở vùng cao Đà Bắc

Sau hàng chục năm "ẩn mình” giữa mênh mang của núi rừng, nay dòng "Nho Quế” của vùng cao Đà Bắc đã lộ diện với vẻ đẹp mềm mại, kỳ vỹ khi một con đường mới mang ý nghĩa lịch sử được mở…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục