Bài 2 - Lực đẩy để du lịch vùng hồ chuyển động 

Khu du lịch (KDL) hồ Hòa Bình sẽ chẳng thể trở thành điểm đến hấp dẫn nếu không loại bỏ được những "rào cản” về cơ chế, chính sách, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, chất lượng nguồn nhân lực... Cùng với đường hướng đã được chỉ rõ tại Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 22/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển KDL hồ Hòa Bình thành KDL quốc gia, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp để phát triển du lịch vùng hồ bền vững.


Khu nghỉ dưỡng Maida Lodge, xã Tiền Phong (Đà Bắc) đa dạng các sản phẩm du lịch trải nhiệm giúp tăng sức hấp dẫn cho điểm đến.

Tạo diện mạo mới về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch
 
Có tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng, dự án nâng cấp đường tỉnh 435 hoàn thành, đưa vào sử dụng đã mở ra cơ hội lớn cho thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình. Với chiều dài 24,8km, thiết kế tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, tuyến đường đi qua các xã: Bình Thanh, Thung Nai (Cao Phong) và Suối Hoa (Tân Lạc).

Đồng chí Bùi Thị Luyến, Chủ tịch UBND xã Thung Nai cho biết: Từ khi giao thông được nâng cấp, đường đến bến cảng Thung Nai êm thuận, lòng đường mở rộng, không còn các khúc cua nên phương tiện lưu thông dễ dàng. Lượng du khách lựa chọn hành trình tham quan, thưởng ngoạn hồ Hòa Bình qua cảng Thung Nai ngày càng đông.      

Trong giai đoạn 2018 - 2023, từ nguồn vốn Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn cân đối ngân sách tỉnh, các tuyến giao thông phát triển KDL hồ Hòa Bình được ưu tiên đầu tư mở mới và nâng cấp. Bên cạnh dự án trọng điểm đường tỉnh 435, tỉnh thực hiện nâng cấp tuyến đường lên cảng Ba Cấp (TP  Hòa Bình) dài 2,5km theo tiêu chuẩn đường cấp III, tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng; xây dựng đường trục chính của đảo Sung thuộc xã Tiền Phong (Đà Bắc) dài 2,25km, tổng mức đầu tư 18 tỷ đồng... Thông qua nguồn vốn các chương trình, dự án, tỉnh quan tâm đầu tư, hỗ trợ cải tạo các điểm sân bãi phục vụ sinh hoạt cộng đồng tại điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) xóm Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc); cải tạo tuyến đường lên điểm DLCĐ bản Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc) với tổng mức đầu tư trên 4 tỷ đồng; đầu tư trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, đạo cụ và hỗ trợ đội văn nghệ dân tộc các điểm DLCĐ huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc và TP Hòa Bình giúp duy trì hoạt động, đón tiếp phục vụ khách du lịch. Mặt khác, chú trọng đầu tư hệ thống điện lưới, sóng viễn thông tại các khu, điểm du lịch trên KDL đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của các đơn vị kinh doanh du lịch và du khách. 

Hiện nay, KDL hồ Hòa Bình có hàng trăm cơ sở lưu trú, gồm trên 10 khách sạn từ 1 - 3 sao, 70 nhà nghỉ cộng đồng, thu hút hơn 1.200 lao động trực tiếp và gián tiếp; khoảng 300 phương tiện tàu, thuyền. Hệ thống nhà hàng, điểm vui chơi, các tour, tuyến được xây dựng, kết nối với các địa phương trong tỉnh và trong nước tạo nên hệ sinh thái du lịch đa dạng. Chất lượng sản phẩm du lịch được nâng lên, KDL có 1 điểm DLCĐ đạt 4 sao, 1 điểm DLCĐ đạt 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP. 

Tăng cường hỗ trợ chính sách cho phát triển khu du lịch

Trong các năm từ 2017 - 2021, KDL hồ Hòa Bình được Chính phủ hỗ trợ trung bình 3,6 tỷ đồng/năm cho tuyên truyền, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa truyền thống tại các điểm DLCĐ... Từ năm 2022 đến nay, nguồn ngân sách tỉnh cũng dành một phần kinh phí cho nội dung này. 

Theo đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được tỉnh hết sức quan tâm. Đến nay, KDL đã có trang thông tin điện tử (http://khudulichhohoabinh.vn), kết hợp quảng bá trên nền trang web của Tổng cục Du lịch, trang web của Sở VH-TT&DL. Từ năm 2021, Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh đưa vào vận hành giúp tăng cường liên kết, quảng bá cho KDL. Ngoài ra, tỉnh xây dựng các video clip, ấn phẩm giới thiệu, quảng bá hình ảnh KDL trên nhiều kênh thông tin đại chúng; tham gia các hội nghị xúc tiến, liên hoan du lịch quốc tế tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng nhằm tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư cho KDL... Hàng năm tổ chức các đoàn Famtrip và Presstrip mời Hiệp hội Du lịch các tỉnh, công ty lữ hành, cơ quan truyền thông của Trung ương và địa phương đi khảo sát, xây dựng các chương trình du lịch và tuyên truyền, quảng bá. Kết nối các doanh nghiệp để cùng hợp tác, mở rộng thị trường đưa khách quốc tế và trong nước đến KDL. Đặc biệt, UBND tỉnh và Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã ký thỏa thuận về Chương trình hợp tác toàn diện giai đoạn 2022 - 2026 để xúc tiến quảng bá và hợp tác phát triển du lịch Hòa Bình nói chung, KDL hồ Hòa Bình nói riêng.  

Thông qua các chương trình tập huấn, lắp đặt cụm pano, khẩu hiệu về công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững tại các điểm du lịch, tàu thuyền và hỗ trợ cải tạo công trình vệ sinh phục vụ du khách, nhận thức của các tổ chức, cá nhân và khách du lịch ngày càng được nâng cao. Tỉnh cũng duy trì mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho hộ làm du lịch, nhân viên tại các điểm đến. Tới nay, các điểm đến trên KDL đã có 130 học viên qua đào tạo, được cấp chứng chỉ đủ điều kiện hành nghề hướng dẫn viên du lịch.

Đối với thu hút đầu tư phát triển du lịch hồ Hòa Bình, tỉnh áp dụng các ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 16, Luật Đầu tư năm 2014, bao gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu và tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án. Các cơ quan liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu về thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch trong khu vực vùng lõi KDL quốc gia để cung cấp tại các hội nghị, hội thảo, chương trình xúc tiến đầu tư. Việc giải quyết các thủ tục hành chính được sở, ngành chức năng thực hiện đạt mức độ 3, 4, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian cho nhà đầu tư.

Đồng chí Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định: Với những tác động về chính sách, đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, hoạt động du lịch trên KDL hồ Hòa Bình đang có nhiều khởi sắc. KDL đạt được 3/5 tiêu chí quan trọng của KDL quốc gia. Đặc biệt, với việc nâng cấp tuyến đường tỉnh 435 và mở mới tuyến đường Ba Khan (Mai Châu) xuống vịnh Ngòi Hoa (Tân Lạc), cùng sự kết nối một số tuyến đường ven hồ huyện Đà Bắc vào vùng lõi của KDL đã tạo thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Sản phẩm du lịch đa dạng hơn, thay vì khai thác cảnh quan tự nhiên đã có các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 3 sao. Chương trình du lịch được chú trọng kết nối với các điểm đến trên hồ và các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, Bắc Bộ. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa để thu hút khách và kéo dài thời gian lưu trú. KDL đón nhiều tập đoàn đến nghiên cứu, đầu tư dự án du lịch quy mô lớn, sản phẩm dịch vụ chất lượng cao. Công tác quốc phòng, an ninh, an toàn cho khách du lịch được đảm bảo. Hai năm gần đây, tổng thu từ hoạt động du lịch của KDL hồ Hòa Bình có mức tăng trưởng tốt, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
           (Còn nữa)

Bùi Minh

Các tin khác


Huyện Kim Bôi: Từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Những năm qua, huyện Kim Bôi đã đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước đưa "ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho người dân một cách bền vững.

Huyện Cao Phong: Khai thác lợi thế để phát triển du lịch bền vững

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, những năm qua, huyện Cao Phong đã triển khai đồng bộ các giải pháp khai thác tiềm năng để phát triển du lịch. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XXVII) đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 22/11/2017 về phát triển du lịch huyện giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 (NQ04).

Tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch tại điểm trên khu du lịch hồ Hoà Bình

Ngày 25/3, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội tổ chức khai giảng lớp tập huấn và kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch tại điểm trên khu du lịch hồ Hoà Bình. 30 học viên đến từ các đơn vị quản lý điểm đến và bản du lịch cộng đồng thuộc khu du lịch tham dự.

Sức hút du lịch vùng cửa ngõ Lương Sơn

Với lợi thế vùng cửa ngõ tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, hạ tầng giao thông thuận tiện, sở hữu phong cảnh thiên nhiên, điều kiện khí hậu bán sơn địa, huyện Lương Sơn là điểm đến lý tưởng được nhiều du khách lựa chọn tham quan, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp du lịch thể thao là sản phẩm hấp dẫn đang được chú trọng khai thác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục