(HBĐT) - Cử tri tỉnh Hòa Bình kiến nghị: Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành chức năng và các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn giá thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt như xăng dầu, điện, nước... nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Bộ Công thương trả lời:

Trong các biện pháp điều hành thị trường hàng hóa của Chính phủ hiện nay, các chính sách luôn hướng tới mục tiêu giữ vững cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn giá cả các mặt hàng nhất là các mặt hàng thiết yếu, góp phần ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, Nhà nước đã ban hành các quy định tại Luật Giá và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Giá. Theo đó các quy định đều nhằm mục đích lớn nhất là tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá hàng hóa, việc niêm yết giá và giám sát việc điều chỉnh giá các hàng hóa thiết yếu (danh mục 12 nhóm hàng hóa thiết yếu) gây bất ổn thị trường. Đây cũng là căn cứ để các cơ quan chức năng tăng cường áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá bán hàng hóa trên thị trường và áp dụng biện pháp bình ổn giá được quy định cụ thể tại Luật Giá.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã có Công văn số 11272, ngày 21/ 11/ 2012 về việc hướng dẫn chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường gửi Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường theo hướng linh hoạt và sáng tạo như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thực hiện Chương trình theo phương thức mở với xu hướng xã hội hóa; Đồng Nai, Hà Tĩnh, Hòa Bình ... đã linh hoạt trong việc hỗ trợ thực hiện Chương trình không chỉ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán mà còn vào những thời điểm nhu cầu tăng cao...

Hằng năm, Bộ Công thương cũng ban hành Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, Bộ Công thương đề nghị và hướng dẫn các Sở Công thương, doanh nghiệp, tập đoàn, các đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình thực hiện các hoạt động kết nối, dự trữ nguồn hàng thực phẩm thiết yếu bình ổn thị trường; kết nối với các địa phương lân cận theo vùng để hỗ trợ cung ứng và tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương. Bộ Công thương cũng phối hợp với các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm đôn đốc, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện và báo cáo Chính phủ kết quả triển khai.

Với việc triển khai tốt Chương trình bình ổn thị trường nên nguồn cung hàng hóa dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu người dân, giá cả không tăng đột biến, hạn chế tâm lý mua tích trữ gây tăng giá của người dân.

Bộ Công thương với vai trò là thường trực Tổ điều hành thị trường trong nước đã phối hợp với các Bộ ngành, Sở Công thương các địa phương, hiệp hội ngành hàng, tổng công ty... trong việc theo dõi tình hình thị trường các hàng hóa thiết yếu. Thông qua các cuộc họp thường kì hàng tháng, Bộ Công thương đã tổng hợp những đề xuất, kiến nghị lên Chính phủ những giải pháp nhằm xử lý khi thị trường các mặt hàng thiết yếu xảy ra biến động nhằm ổn định thị trường.

* Riêng đối với mặt hàng xăng dầu

Hiện việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu đang được thực hiện Nghi định số 83, ngày 3/9/2014 của Chính phủ, theo đó, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời cùng Bộ Tài chính nhằm điều hành giá xăng dầu trong nước nhất quán, đúng quy định tại Nghị định này, bảo đảm phù hợp xu hướng biến động của giá thành phẩm xăng dầu thế giới, bảo đảm nguyên tắc vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, sử dụng linh hoạt công cụ Qũy Bình ổn giá xăng dầu và có tính đến việc hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đời sống người dân.

Thực hiện mục tiêu điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nhằm giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống của người dân, trong nhiều đợt điều chỉnh giá xăng dầu thời gian vừa qua, Liên Bộ Công thương – Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đánh giá mức độ tác động của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào CPI chung của cả nước, kết hợp chi sử dụng Qũy bình ổn giá xăng dầu ở mức hợp lý nhằm điều tiết mức điều chỉnh giá phù hợp, hạn chế thấp nhất mức độ tác động lan tỏa đến CPI, bảo đảm thực hiện mục tiêu CPI cả nước.

Nhìn chung, hiện nay trong điều kiện kinh tế trong nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thị trường nước ngoài và vận hành theo cơ chế thị trường nên các chính sách điều hành của nhà nước không thể theo kiểu mệnh lệnh hành chính hoặc can thiệp quá sâu vào thị trường mà sẽ phải tôn trọng các quy luật thị trường, các cam kết quốc tế, tránh bóp méo thị trường, do đó việc đưa ra các gói hỗ trợ nhằm giảm giá hàng hóa trực tiếp có thể vi phạm các cam kết quốc tế và mang tính phi thị trường. Vì vậy, Chính phủ và các Bộ ngành chủ yếu có các chính sách hỗ trợ gián tiếp khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong kinh doanh nhằm bảo đảm nguồn hàng với giá hợp lý, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường như hỗ trợ về chính sách thuế, phí, vốn vay ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, địa điểm kinh doanh...


                                                                                 L.N (TH)


Các tin khác


Bộ nội vụ trả lời kiến nghị của cử tri về chính sách thu hút cán bộ chức các xã vùng 135

(HBĐT) - Cử tri kiến nghị: Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm kéo dài việc thụ hưởng chính sách thu hút cán bộ, công chức các xã vùng 135 theo Nghị định số 116, ngày 24/ 12/ 2010 của Chính phủ. Theo đó, quy định cán bộ, công chức công tác tại các vùng này chỉ được hưởng chính sách thu hút 5 năm, sau 5 năm không được hưởng các chế độ theo chính sách thu hút trong khi xã này vẫn đang thụ hưởng chính sách Chương trình vùng 135.

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời kiến nghị của cử tri về bảo vệ môi trường nước vùng hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu

(HBĐT) - Cử tri kiến nghị: Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh có biện pháp xử lý rác thải, đất, nước thải để bảo vệ môi trường nước vùng hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu.

Bộ Y Tế trả lời kiến nghị của cử tri về công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm

(HBĐT) - Cử tri Hòa bình phản ảnh: thời gian qua, công tác truyền thông về ATTP vẫn chưa phát huy hiệu quả. Tại các Khu công nghiệp, trường học… vẫn xảy ra nhiều vụ việc ngộ độc thực phẩm gây hoang mang dư luận. Cử tri đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nặng với những đối tượng xem nhẹ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

Quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo

Ông Bùi Văn Quyết (Lạc Sơn) hỏi: Đề nghị cho biết người bị tố cáo có những quyền và nghĩa vụ gì? Trả lời:

Quy định về hành vi tấn công mạng

(HBĐT) - Bạn Trần Hải Nam (Lương Sơn) hỏi: Đề nghị cho biết những hành vi nào được xem là hành vi tấn công mạng? Trả lời:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục