Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đến giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng chí Bùi Đức Nam, Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Sở đã tham mưu xây dựng, trình các văn bản để cụ thể hóa thực hiện các chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch của T.Ư và của tỉnh nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh. Theo đó đã đạt được kết quả nổi bật, được Bộ TT&TT đánh giá là một trong những địa phương có kết quả thực hiện cao nhất đối với chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến (87,02%), đứng thứ tư đối với chỉ tiêu tỷ lệ DVC trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến (93,98%) so với các tỉnh trong cả nước. Việc phát triển, cung cấp các ứng dụng, dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp được quan tâm triển khai. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với tên miền http://dichvucong.hoabinh.gov.vn hiện cung cấp 1.629 DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (627 DVC mức 3, 1.002 DVC mức 4) của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; đã thực hiện tích hợp, đăng nhập một lần, đồng bộ hồ sơ TTHC, đồng bộ trạng thái, thống kê tình hình xử lý hồ sơ TTHC với Cổng DVC quốc gia thông qua máy chủ bảo mật được cài đặt, quản lý tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh. Tỉnh tiếp tục triển khai hoàn thành việc kết nối các hệ thống thông tin của các cơ quan T.Ư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh theo hướng dẫn của các bộ, ngành, gồm: Đổi giấy phép lái xe do ngành GTVT cấp; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam; cấp mã số ngân sách (ngành Tài chính); đất đai (lĩnh vực tài nguyên và môi trường); cấp phép xây dựng... Tích hợp 1.387 DVC trực tuyến với Cổng DVC quốc gia; tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của tỉnh với Cổng DVC quốc gia.
Trong năm 2022, Cổng DVC của tỉnh đã tiếp nhận 401.000 hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số gần 461.000 hồ sơ thực hiện TTHC, chiếm 87%. Việc cung cấp DVC trực tuyến hiệu quả đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị tiết kiệm được thời gian đi lại cũng như thực hiện nhanh chóng, tiện lợi các TTHC ở mọi lúc, moi nơi, giảm bớt chi phí thực hiện dịch vụ, theo dõi được quá trình giải quyết hồ sơ của cơ quan Nhà nước. Cổng thông tin điện tử của tỉnh tại địa chỉ http://hoabinh.gov.vn gồm 1 cổng chính và 181 trang thông tin điện tử thành viên (20 sở, ban, ngành; 10 UBND cấp huyện và 151 xã, phường, thị trấn). Cổng thông tin điện tử tỉnh và trang thông tin điện tử thành phần thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin theo đúng quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và DVC trực tuyến của cơ quan.
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm phát triển hạ tầng số. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, Vietnamobile, FPT, Truyền hình cáp Hòa Bình, SCTV) đầu tư, xây dựng hạ tầng, cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet, trong đó có 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định hữu tuyến, vô tuyến là Viễn thông Hòa Bình và Viettel Hòa Bình, gồm 1 HOST lắp đặt tại TP Hòa Bình với 25 tổng đài chuyển mạch cố định; 5 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ truy nhập internet băng thông rộng cố định, với tổng số trên 510 trạm truy nhập internet băng thông rộng cố định. Hạ tầng truyền dẫn băng thông rộng cáp quang được triển khai rộng khắp đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn. Mạng lưới được tổ chức thành các mạch vòng Ring để vu hồi, dự phòng cho toàn mạng lưới, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.
Hạ tầng mạng thông tin di động có 4 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, Vietnamobile) đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ thông tin di động. Từ ngày 1/1/2022 đến nay đã phát triển 57 vị trí trạm BTS, nâng tổng số vị trí trạm BTS hiện nay là 1.360 vị trí với 3.236 trạm. Theo đó đã phủ sóng đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn và hầu hết các thôn, bản, cụm dân cư, tỷ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động đạt 99,6%. Trong đó, mạng băng thông rộng 3G phủ sóng đến 91% thôn, bản, cụm dân cư; mạng băng thông rộng 4G phủ sóng đến 81% thôn, bản, cụm dân cư. 151 xã, phường, thị trấn có cáp quang đến trung tâm, đạt 100% với trên 8.231 km cáp quang.
Cán bộ Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thị trấn Bo (Kim Bôi) ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức.
Từ đầu năm 2022, mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II được triển khai đến tất cả các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ cho việc thiết lập kênh truyền riêng phục vụ vận hành các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được thông suốt, an toàn, bảo mật.
Hệ thống hội nghị truyền hình được kết nối xuyên suốt từ cấp tỉnh, cấp huyện và đến 100% xã, phường, thị trấn, đáp ứng yêu cầu tổ chức các cuộc họp từ 4 cấp chính quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác ứng dụng CNTT của tỉnh còn một số tồn tại như: Hạ tầng chính quyền số phục vụ cơ quan nhà nước còn nhiều hạn chế, nhiều thiết bị máy tính, thiết bị mạng được đầu tư từ lâu nên bị lạc hậu, năng lực xử lý thấp. Việc triển khai sử dụng các ứng dụng CNTT nền tảng phục vụ chỉ đạo, quản lý, điều hành, tác nghiệp, phục vụ công tác chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị còn nhiều khó khăn. Việc kết nối liên thông một số phần mềm, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành T.Ư để phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân chậm, chưa đảm bảo tiến độ của Chính phủ. Đa phần chương trình ứng dụng chuyên ngành chủ yếu được triển khai sử dụng riêng lẻ tại nội bộ các sở, ngành, chưa được triển khai đến cấp huyện, xã, chưa được tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước với nhau, dẫn tới tình trạng dữ liệu riêng lẻ, việc cập nhật dữ liệu của các cơ quan chưa bảo đảm chính xác, kịp thời. Việc ứng dụng CNTT, thực hiện CCHC và đầu tư, trang bị các thiết bị đảm bảo an toàn, an ninh thông tin tại một số đơn vị, địa phương còn thụ động...
Từ những khó khăn, hạn chế trên, tỉnh đề nghị các cơ quan T.Ư quan tâm hỗ trợ điện thoại thông minh cho gia đình hộ nghèo, có chính sách hỗ trợ mua smartphone cho vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ triển khai thử nghiệm mô hình CĐS cấp tỉnh, cấp huyện, từ đó lan tỏa CĐS đến các cơ quan, địa phương trên toàn tỉnh. Hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp CĐS trong hoạt động của doanh nghiệp, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, làm chủ công nghệ lõi, đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Hỗ trợ xây dựng, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn tỉnh; ưu tiên triển khai tại các khu công nghiệp, cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện.
Đối với UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong xây dựng chính quyền điện tử, CĐS của tỉnh theo đúng yêu cầu nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 785/QĐ-UBND, ngày 22/4/2022 của UBND tỉnh về ban hành đề án "CĐS tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030"; Kế hoạch số 231/KH- UBND, ngày 2/12/2022 của UBND tỉnh về CĐS tỉnh Hòa Bình năm 2023.
Hương Lan
Quan tâm đầu tư trang thiết bị tại một số đơn vị, địa phương chưa đảm bảo Nguyễn Minh Thanh Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông) Bên cạnh kết quả công tác cải cách hành chính đã đạt được, trình độ dân trí, điều kiện tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), sử dụng các thiết bị CNTT (máy tính, điện thoại thông minh, máy scan...) của một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Các ứng dụng dịch vụ thông minh trên nền tảng di động liên quan đến các lĩnh vực hoạt động, đời sống, sinh hoạt, điều kiện thiết yếu chưa nhiều, chưa kịp thời so với nhu cầu của Nhân dân. Cơ sở dữ liệu của các ngành còn rời rạc dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông, chia sẻ. Cơ sở dữ liệu hiện có chưa đầy đủ, chất lượng chưa cao, cần cập nhật, làm sạch để thực hiện kết nối, chia sẻ. Hạ tầng CNTT, trang thiết bị cơ sở vật chất tại một số đơn vị, địa phương chưa đảm bảo, làm ảnh hưởng đến tiến độ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Mong muốn thời gian tới, các cấp, ngành tiếp tục quan tâm nâng cấp hệ thống mạng để đáp ứng việc nộp hồ sơ nhanh chóng, thuận lợi. Đơn giản hóa các thao tác thực hiện đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí để công dân có thể dễ dàng thực hiện, từ đó nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công. |
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước Hà Minh Phúc Trưởng Phòng Nội vụ huyện Tân Lạc Thời gian qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng nỗ lực của các cấp, ngành trên địa bàn huyện Tân Lạc, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước nói chung đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, thúc đẩy cải cách hành chính, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ KT-XH của huyện đề ra. Tuy nhiên, hiện số lượng máy tính trang bị cho cán bộ, công chức còn hạn chế, cấu hình thấp gây khó khăn trong triển khai các ứng dụng CNTT dùng chung. Thời gian tới, mong muốn các cấp, ngành chức năng tăng cường chỉ đạo, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực hoạt động của bộ phận một cửa điện tử; nâng cấp dịch vụ công lên mức độ 3, 4 để phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử. |
Hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến Trương Thị Huyền Phường Thái Bình (TP Hòa Bình) Thời gian gần đây, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các cấp được đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu giải quyết thủ tục của người dân nhanh gọn, thuận tiện. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng nhanh nhạy trong việc ứng dụng CNTT trong thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) nên một số người có tâm lý e ngại. Chúng tôi mong muốn các bộ, ngành triển khai việc kết nối, chia sẻ các phần mềm chuyên ngành để kết nối, tích hợp với hệ thống thông tin giải quyết TTHC của địa phương đảm bảo thuận tiện trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Cùng với đó, quá trình thực hiện các thao tác giải quyết thủ tục trực tuyến được cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo theo đúng tinh thần vì nhân dân phục vụ. |
(HBĐT) - Trong một thời gian dài, trước khi có Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (BĐG), trên cả nước nói chung, địa bàn tỉnh nói riêng tồn tại những vấn đề bất BĐG, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Cụ thể là tỷ lệ nữ lao động được đào tạo nghề và cấp chứng chỉ quá chênh lệch so với nam giới; tỷ lệ nữ tham gia chính trị còn thấp; nhiều nơi không có lãnh đạo chủ chốt là nữ, định kiến giới trong bố trí, sắp xếp, tuyển dụng người lao động; tư tưởng trọng nam, khinh nữ…