(HBĐT) - Dù đã được đầu tư xây dựng một công trình nước sạch trên địa bàn xã từ năm 2010 nhưng do nguồn nước không đảm bảo nên đến nay chỉ có khoảng 35% hộ dân ở xã Mai Hịch (Mai Châu) được hưởng lợi từ công trình. Những hộ dân còn lại nhiều năm nay sống trong cảnh thiếu nước, nhất là vào mùa khô…
Không có nước sạch, nước giếng lại cạn vào mùa khô nên nhiều hộ dân ở xã Mai Hịch (Mai Châu) rất trăn trở. Ảnh: Giếng phải “đắp chiếu” vì cạn nước của gia đình ông Ngần Văn Dần ở xóm Ngõa.
Mai Hịch là xã vùng 2, cách trung tâm huyện Mai Châu 14 km. Xã có 930 hộ dân, chia thành 7 xóm. Đồng chí Vì Văn Uổi, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2010, Mai Hịch được đầu tư xây dựng công trình nước sạch Pù Muống với số vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng. Theo thiết kế ban đầu, công trình phục vụ cho tất cả các xóm trên địa bàn xã. Thế nhưng, khi đưa vào hoạt động, nguồn nước ở Pù Muống không đủ nước để phục vụ cho 100% hộ dân như thiết kế ban đầu. Do đó, hiện nay, chỉ có khoảng 35% (hơn 200 hộ dân) được hưởng lợi từ công trình này. Để có nước sinh hoạt, một số hộ dân tự dẫn nước hoặc chở nước từ các con suối về sử dụng. Tuy nhiên, một số suối đã bị ô nhiễm không thể sử dụng cho sinh hoạt nên bà con phải đào giếng.
“Đa số bà con phải đào giếng để có nước sử dụng trong sinh hoạt nhưng cũng gặp nhiều khó khăn vì mạch nước ngầm khá sâu và có nhiều tảng đá. Mùa mưa có đủ nước nhưng vào mùa khô mực nước rất thấp, trầm trọng nhất là vào những tháng sau Tết” - đồng chí Vì Văn Uổi cho biết. Trong đó, 3 xóm Hịch 1, Ngõa và Dến là khó khăn nhất vì vị trí nằm sát chân núi, cao hơn các KDC khác nên mạch nước ngầm ở sâu.
Gia đình anh Vì Văn Eo, là một trong những hộ nằm ở vị trí cao nhất của xóm Ngõa. Để có nước sinh hoạt, gia đình anh phải đào giếng sâu hơn 17 m, từ cách đây 20 năm. “Hiện giờ nước rất ít, chỉ đủ nấu cơm. Mọi sinh hoạt khác như tắm, giặt đều phải ra suối Lài Bai. Không có nước nên gia đình tôi không mở rộng chuồng trại để phát triển chăn nuôi lợn được. Việc xây dựng các công trình phụ cũng rất khó khăn” - anh Eo chia sẻ. Mực nước của giếng thấp nhưng gia đình anh Eo không thể đào sâu thêm nữa vì gặp lớp đá tảng rất dày.
Xóm Ngõa có trên 150 hộ dân, hầu như hộ nào cũng đào giếng. Tuy nhiên, nhiều giếng của bà con đã “đắp chiếu” vì cạn nước. Gia đình ông Ngần Văn Dần là một trong số đó. Hiện nay, gia đình ông Dần đang sửa nhà. Để có nước trộn vữa, ông phải kéo ti ô hơn 100 m, bơm nước ở giếng nhà bố vợ về dùng. “Trước đây, đăng ký nước sạch từ công trình Pù Muống nhưng có được 2-3 ngày là mất đến giờ. Gia đình lại phải dùng nước giếng nhưng mùa này cạn quá, chỉ được 20 – 30 cm nước. Thiếu nước sinh hoạt nên đời sống gặp nhiều khó khăn, rất mong các cấp chính quyền quan tâm xây dựng công trình nước sạch cho chúng tôi”, ông Dần bày tỏ.
Theo chia sẻ của ông Dần và bà con ở xóm Ngõa, xóm Dến, việc khoan giếng ở Mai Hịch khó khả thi, không ít hộ đã thất bại vì có nhiều đá. Đó là chưa kể: “Nước đã khan hiếm hàm lượng đá vôi lại cao, sau khi đun phải lọc hai lần mới uống được”. Từ thực trạng đó, bà con và lãnh đạo UBND xã Mai Hịch đề xuất mong cấp có thẩm quyền quan tâm, đầu tư xây dựng công trình nước sạch ở suối Lài Bai bởi đây là con suối có nguồn nước dồi dào, sạch, đảm bảo phục vụ cho 7 xóm trên địa bàn xã.
Viết Đào
Đợt không khí lạnh đang tiến sâu vào miền Bắc làm các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ vào mùa giá rét. Nhiệt độ đang giảm nhanh.
(HBĐT) - Trước những bức xúc của người dân về việc Chi nhánh công ty TNHH đầu tư thương mại Hoàng Long, (gọi tắt là công ty Hoàng Long) tại xóm Mòng, thị trấn Lương Sơn gây ô nhiễm môi trường, vừa qua tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác đến kiểm tra, tìm hướng xử lý.
(HBĐT) - Cảnh báo cháy, nổ tại các khu chung cư và cơ sở kinh doanh đặc thù (HBĐT) - Thời gian gần đây, trên toàn quốc và tại tỉnh ta liên tiếp xảy ra các vụ cháy tại khu chung cư và cơ sở kinh doanh đặc thù. Sức nóng từ các vụ hỏa hoạn đang làm “nóng” dư luận và là hồi chuông cảnh báo với mọi người dân.
Từ đêm mai 8-11, các tỉnh Bắc Bộ trời chuyển rét, vùng núi có nơi rét đậm với nhiệt độ thấp nhất ở đồng bằng, trung du phổ biến 16-19 độ C, vùng núi 13-15 độ C, núi cao 9-11 độ C.
Từ chiều 5-11, áp thấp nhiệt đới đã gây mưa lớn ở các tỉnh Nam Trung bộ, khiến lũ trên các sông dâng cao, nhiều khu vực bị chia cắt. Theo dự báo, bão và áp thấp nhiệt đới trong năm nay sẽ còn ảnh hưởng kéo dài đến thời tiết nước ta sang đầu năm 2017
(HBĐT) - Ngày 4/11, tại Trung tâm Hội nghị AP Plaza, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ XVI. Dự hội nghị, về phía Bộ KH&CN có đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; về phía tỉnh ta, có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND một số tỉnh, lãnh đạo sở, các phòng đơn vị trực thuộc của 14 Sở KH&CN các tỉnh.