(HBĐT) - Năm 2014, cơn “khát” ánh điện của xóm đặc biệt khó khăn Thung Vòng, xã Do Nhân (Tân Lạc) đã có lời giải khi một công trình thủy điện nhỏ với tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng được đầu tư xây dựng. Thế nhưng, hưởng lợi chưa đầy 1 tháng, sau 2 lần bị sét đánh, công trình hiện “nằm nghỉ” suốt nửa năm qua. Bà con xóm núi lại trở về cảnh đèn dầu leo lét và đặt câu hỏi: Bao giờ công trình mới phát điện trở lại?
Thung Vòng là 1/36 xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh với 13 hộ dân, 57 nhân khẩu. Với vị trí nằm biệt lập trên núi cao, giao thông cách trở nên đời sống của người dân vô cùng gian khó. Hệ thống điện, đường, lớp học trở thành niềm mong ước cháy bỏng của bà con nơi đây.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang…
Tháng 6/2014, Thung Vòng được đầu tư xây dựng công trình thủy điện Stream Thung Vòng với quy mô gồm 3 tổ máy, tổng công suất lắp đặt 22 KW. Công trình này do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với UBND tỉnh thực hiện, do Sở Công Thương làm chủ đầu tư. Bí thư chi bộ xóm Thung Vòng Bùi Văn Thức cho biết: Dù có 13 nóc nhà nhưng các hộ dân sống rải rác thành 3 chòm xóm, cách xa nhau, đường đi quanh co, dốc đứng. Trước khi thủy điện được xây dựng, chỉ có 1/3 hộ của xóm có điện thắp sáng từ những máy phát điện nhỏ được lắp đặt ở các dòng suối. ánh điện đom đóm nên các phương tiện nghe nhìn trở thành thứ xa lạ với người dân nơi này.
Sau 2 lần bị sét đánh, công trình thủy điện Stream Thung Vòng, xã Do Nhân (Tân Lạc) đang “nằm nghỉ” từ tháng 9/2016 đến nay, sau nửa tháng vận hành.
“Khi nghe thông tin xóm được cấp trên quan tâm, đầu tư xây dựng công trình thủy điện, bà con phấn khởi lắm. Công trình được xây dựng, đường dây kéo đến khắp xóm, dự án hỗ trợ kéo điện vào tận nhà cũng như bóng đèn thắp sáng nên bà con chỉ việc dùng thôi. Công trình đi vào hoạt động, một số hộ đã dành dụm tiền bán ngô để mua tivi, tủ lạnh và quạt điện. Tuy nhiên, vận hành được khoảng nửa tháng thì bị sét đánh, bảng điều khiển hư hỏng phải gửi đi sửa chữa. Sau khi được sửa chữa và vận hành trở lại, bảng điều khiển tiếp tục bị hỏng hóc với nguyên nhân tương tự. Chúng tôi đã báo cáo lên Sở Công Thương để tiếp tục khắc phục cho bà con. Tuy nhiên, từ tháng 9/2016 đến nay, công trình vẫn chưa hoạt động trở lại. Nguyên nhân mà Sở Công Thương cho biết là do sự cố lần này nặng hơn, phải gửi máy sang Nhật Bản sửa chữa”, anh Thức cho biết thêm.
Để có điện sử dụng, gia đình anh Thức đã kéo điện từ xóm Khi lên. Tuy nhiên, hơn một nửa số hộ còn lại do vị trí nằm khá xa nên quay lại cảnh ánh đèn dầu leo lét. Ngược những con dốc ngoằn ngoèo, nhiều đoạn khúc cua tay áo, một bên là núi cao, một bên là vực sâu thẳm, chúng tôi lên chòm xóm Pưa Bó. Nơi đây có 3 hộ dân, hầu như quanh năm chìm trong mây mù nên dù ngày hay đêm, bà con cũng phải thắp đèn. Thủy điện “nằm nghỉ” nên những thiết bị điện mới tinh như: tivi LED đời mới 43 inch, tủ lạnh, quạt điện của gia đình bà Bùi Thị Nhân giờ chỉ có chức năng trang trí.
Bao giờ công trình mới vận hành trở lại?
Trong khi chờ sửa chữa, đồng chí Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Do Nhân cho biết, hiện nay, một dự án kéo điện lên Thung Vòng đang được triển khai thực hiện. Dọc đường lên xóm núi này, những cột điện được kéo từ xóm Khi đã chạy đến đầu xóm. Như vậy, Thung Vòng sẽ được đầu tư thêm một công trình tiền tỷ nữa. Nếu cả hai công trình đều đi vào hoạt động, hẳn xóm núi chẳng còn nỗi lo mất điện?!
Trở lại với công trình thủy điện đang “nằm nghỉ”, theo quan sát của chúng tôi, bà con nơi đây có ý thức bảo vệ khá tốt. Những hạng mục của công trình vẫn vận hành, chưa có dấu hiệu han gỉ hay bị phá hoại. Trong khuôn viên của công trình, bà con cắt cỏ, phát quang định kỳ. “Trước khi công trình vận hành, tôi và anh Thức (Bí thư chi bộ), anh Tình được Sở Công Thương cho đi học để sau này vận hành máy. Bây giờ, sửa được bảng điều khiển là đóng điện hoạt động trở lại”, anh Bùi Văn Dùng, Trưởng xóm Thung Vòng cho hay.
Dẫu vậy, anh Dùng lại tỏ ra lo ngại khi chúng tôi đặt câu hỏi: Với sự cố liên tiếp như vậy, sau khi được sửa chữa, liệu công trình có hoạt động ổn định lâu dài?. Anh Dùng lý giải: “Nguồn nước cung cấp cho công trình không ổn định, mùa khô nước nhỏ quá, chảy yếu không đủ để phát điện. Trong khi mùa mưa, nước lớn, hàm lượng đá vôi nhiều, bám vào các van điều tiết, gây khó khăn cho việc điều chỉnh lượng nước. Do đó, để ổn định lâu dài cần phải có điện lưới quốc gia”.
Về tình hình khắc phục sự cố, đồng chí Đoàn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương cho biết: Do sự cố hỏng hóc nặng, ở trong nước không có thiết bị thay thế nên đơn vị chịu trách nhiệm sửa chữa đang nhập thiết bị từ Nhật Bản về. Theo đó, tính từ thời điểm chúng tôi trao đổi với ông Đoàn Anh Tuấn (ngày 11/4/2017), ông Tuấn cho biết, khoảng hơn 10 ngày nữa, công trình sẽ được sửa chữa, vận hành trở lại.
Với thông tin mà đại diện Sở Công Thương cho biết, hy vọng bà con Thung Vòng sẽ sớm có được niềm vui khi công trình thủy điện tiền tỷ sẽ hoạt động trở lại.
Viết Đào
(HBĐT) - Sau gần 2 năm hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), trên cánh đồng của bà con xóm Lạc Vượng và xóm Chóng, xã Yên Lạc (Yên Thủy) đã mướt sắc xanh no ấm. Sự đổi thay tích cực đó là tiền đề, động lực để Yên Lạc phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành cuộc cách mạng ruộng đất ở 9 thôn, xóm còn lại.
(HBĐT) - Huyện Kim Bôi có địa hình nhiều dốc, hệ thống sông, suối ngắn và hẹp, độ dốc lòng suối cao. Đa số người dân sinh sống ở ven sườn đồi, gần sông suối nên nguy cơ cao chịu thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão. Vì vậy, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bảo đảm sản xuất, ổn định đời sống người dân trong mùa mưa lũ sắp tới, huyện Kim Bôi sớm xây dựng các phương án ứng phó, chủ động phòng tránh và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
(HBĐT) - Ngày 12/4, tại xã Thượng Bì, huyện Kim Bôi đã tổ chức lễ phát động chiến dịch toàn dân làm thủy lợi đợt I/2017.
(HBĐT) - Sáng 12/4, tại Bưu cục Tân Thịnh, Bưu điện tỉnh tổ chức trao giải bốc thăm trúng thưởng chương trình khuyến mại “Gửi tiết kiệm – Trúng thưởng lớn” cho các khách hàng may mắn trên địa bàn thành phố Hòa Bình.
(HBĐT) - Đồng chí Bùi Ngọc Thảo, Chủ tịch UBND xã Hạ Bì (Kim Bôi) cho biết: Là xã thuần nông, điều kiện phát triển kinh tế còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đời sống của người dân Hạ Bì chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Vì thế, trong hành trình xây dựng NTM, xã phải đối mặt với không ít khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự đồng lòng của nhân dân, xã Hạ Bì đã đạt được một số thành tựu trong lộ trình xây dựng NTM. Tính tới thời điểm hiện tại, xã đã hoàn thành 15 tiêu chí xây dựng NTM. Mục tiêu trong năm 2017, xã hoàn thiện 4 tiêu chí còn lại là: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo và y tế.
Các tỉnh miền Bắc trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét, nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng phổ biến 19-21 độ, vùng núi có nơi dưới 18 độ.