Cán bộ, phóng viên Báo điện tử Hòa Bình luôn nâng cao cảnh giác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng trên trang chủ Báo Hòa Bình điện tử. Ảnh: P.V
Hiện
nay, toàn tỉnh có 32 trang thông tin của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố.
Trong số đó có không ít trang từng bị hacker tấn công, song chủ yếu mới chỉ ở
hình thức thay đổi giao diện. Còn đối với người dùng, việc bị lừa đảo trực
tuyến gia tăng, trong đó, tội phạm mạng chủ yếu lợi dụng lòng tin và sự bất cẩn
của người sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã
hội hoặc trộm cắp thông tin cá nhân...
Một
ví dụ điển hình cho thấy, vấn đề an toàn, an ninh thông tin mạng không phải là quá
xa với tỉnh, đó là năm 2015, qua rà soát, Phòng Công nghệ thông tin, Sở TT&TT
nhận thấy có hiện tượng rất nhiều "máy tính ma” được ra lệnh truy cập vào một
service trong cùng một thời điểm với mục tiêu gây nghẽn mạch, tê liệt hoạt động,
có thể gây sập mạng. Phòng đã tham mưu với lãnh đạo Sở tổ chức giám sát chặt
chẽ, loại bỏ hiện tượng này, nhờ đó không có sự cố nghiêm trọng về an toàn
thông tin mạng xảy ra.
Tuy
nhiên, qua sự việc cho thấy, đi kèm với những lợi ích rất lớn là những nguy cơ
tác động tiêu cực khó lường khi không đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Trước
tình hình đó, thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về an toàn, an ninh mạng, Sở
TT&TT đã đẩy mạnh theo dõi, rà soát, xử lý sự cố trên các trang thông tin.
Đồng thời, thường xuyên tập huấn, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức,
viên chức và người lao động trong các cơ quan Nhà nước về mức độ quan trọng của
việc đảm bảo an ninh thông tin. Ngay khi nhận thấy có nguy cơ xảy ra lỗi gây
mất an toàn, Sở ban hành các văn bản hướng dẫn khắc phục, xử lý sự cố. Trong 6
tháng đầu năm đã ban hành 6 văn bản hướng dẫn, tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên
truyền về công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của cơ
quan Nhà nước; tổ chức diễn tập, đào tạo chuyên sâu an toàn thông tin để nâng
cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cán bộ chuyên trách CNTT của các cơ quan,
đơn vị.
Cũng
theo đồng chí Trần Hòa, việc các hacker thực hiện chiếm quyền điều khiển để
đăng tải các nội dung xuyên tạc, chống phá tuy chưa xuất hiện ở tỉnh ta những
đã xảy ra tại một số địa phương trong cả nước. Do đó, vấn đề tăng cường bảo mật,
đầu tư nâng cao hạ tầng kỹ thuật hệ thống mạng, quản lý vận hành… cần được quan
tâm đúng mức. Về phòng - chống mã độc, virus, phần mềm gián điệp: Cách hiệu quả
nhất để có thể ngăn chặn, phòng ngừa các phần mềm độc hại lây nhiễm trên hệ
thống mạng máy tính của cơ quan, đơn vị đó là phải cài đặt phần mềm chống virus
cho tất cả các máy chủ, máy trạm và thiết bị di động trong hệ thống mạng. Khi
an toàn thông tin mạng được thực hiện có hiệu quả sẽ là giải pháp tích cực giúp
các cơ quan hành chính Nhà nước tránh được hiện tượng hacker chiếm quyền sử
dụng trang thông tin để đăng các nội dung xuyên tạc, chống phá, gây hoang mang
trong nhân dân.
H.Y