Hệ thống đường giao thông nông thôn xã An Bình (Lạc Thủy) được đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của nhân dân.
Lạc Long là xã về đích NTM năm 2017. Bà Nguyễn ánh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Lạc Long cho biết: Để hoàn thiện tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, xã tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách đến các khu dân cư. Qua đó nhận thức của người dân được nâng lên. Với tinh thần Nhà nước hỗ trợ kinh phí, nhân dân đóng góp ngày công lao động, hiến đất mở rộng đường, các tuyến đường giao thông nông thôn đã thực hiện hoàn thành theo quy định. Đến nay, 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. 56,62% đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa; 58,36% đường ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; trên 52% đường trục chính nội đồng được cứng hóa. Tổng nguồn vốn huy động từ năm 2011 - 2017 đạt trên 11,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn từ chương trình xây dựng NTM 400 triệu đồng, ngân sách T.ư 4.031,6 triệu đồng, ngân sách huyện 6.105 triệu đồng; huy động từ nhân dân 978,4 triệu đồng.
Là huyện miền núi nên việc thực hiện tiêu chí giao thông của huyện Lạc Thủy gặp không ít khó khăn như: Nguồn lực đầu tư phát triển giao thông hạn hẹp, thu nhập của người dân còn thấp. Các trục đường liên xã, liên thôn dài, dân cư ít, suất đầu tư cho 1 km đường lớn... Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, thời gian qua, huyện đã xây dựng được nhiều con đường bê tông khang trang, sạch đẹp nối liền các xã, khu dân cư, diện mạo nông thôn từng bước đổi mới, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển. Phát triển giao thông được xác định là khâu đột phá, các tuyến đường liên xã, liên xóm, đường nội đồng đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Đến nay, toàn huyện có 7 xã đạt tiêu chí về giao thông; tỷ lệ đường huyện được cứng hóa đạt 100%; đường trục xã đạt hơn 66%; đường thôn xóm đạt trên 51%; đường ngõ xóm đạt trên 63%; đường nội đồng đạt trên 44%.
ông Vũ Hùng Mẫn, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lạc Thuỷ cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các xã phát động chiến dịch ra quân làm GTNT, giao thông nội đồng. Trên cơ sở Nhà nước hỗ trợ xi măng, các địa phương cân đối nguồn ngân sách, lập dự toán, ước tính số lượng km đường xây dựng trong năm, đăng ký để huyện có cơ sở đăng ký với tỉnh kịp thời cấp xi măng.
Quá trình làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Lạc Thuỷ đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân không chỉ phục vụ đi lại, sản xuất thuận lợi mà bộ mặt nông thôn cũng thay đổi. Cùng với đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông, huyện chú trọng công tác bảo vệ đường, tổ chức duy tu thường xuyên các tuyến giao thông để nhân dân thuận lợi chuyên chở hàng hoá phục vụ sản xuất, góp phần thúc đẩy KT-XH của địa phương phát triển.
Đinh Thắng