Theo thống kê, toàn xã thiệt hại 0,13 ha lúa, trong đó 500 kg thóc giống bị mất trắng trên địa bàn một số xóm. 1 ha ngô sắp đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại, nhiều diện tích ruộng, nương sạt lở. ước tính có khoảng 100 kg và 3,5 ha cây lâm nghiệp (luồng, keo, xoan, lát) trồng ở các xóm bị thiệt hại. Tuyến đường liên xã Vầy Nưa - Tiền Phong bị sạt lở trên 10 điểm. Trong đó có 2 điểm sạt lở nghiêm trọng tại xóm Dướng. Trên những đoạn đường liên xóm, có 35 điểm sạt lở, lượng đất, đá ước trên 3.000 m³, dẫn đến tắc đường, hiện tất cả các đoạn đường liên xóm đều xảy ra sạt lở, chỉ có thể đi lại bằng xe máy. Một số đường ống dẫn nước sinh hoạt và các công trình kè bị hư hỏng. ước tính tổng thiệt hại của xã sau cơn bão số 3 trên 2 tỷ đồng.
Các lực lượng hỗ trợ múc đất, khắc phục sạt lở tại gia đình ông Bàn Xuân Thu, xóm Dướng, xã Vầy Nưa (Đà Bắc).
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, xã Vầy Nưa huy động lực lượng xuống hiện trường hỗ trợ sửa chữa, khắc phục tạm thời sự cố để ổn định cuộc sống, sản xuất của người dân. Đồng thời, chủ động kế hoạch PCTT & TKCN trong thời gian tới. Để chủ động phòng, chống, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra, xã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ngay khi bước vào mùa mưa lũ. Đồng thời chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch PCTT& TKCN sát với thực tế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng, chống lũ quét, sạt lở đất, cảnh báo sớm về mức độ nguy hại của bão lũ, kịp thời di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Nâng cao năng lực tổ chức ứng cứu, khắc phục thiên tai theo phương châm "bốn tại chỗ”. Khẩn trương rà soát, xác định những công trình, vùng trọng điểm, những tuyến xung yếu để chủ động đối phó, đề nghị huyện đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trên địa bàn. Phân công, tổ chức trực ban phòng, chống lũ bão 24/24 giờ theo quy định, theo dõi sát diễn biến thời tiết, các tình huống, sự cố thiên tai xảy ra trên địa bàn. Chỉ đạo các xóm thành lập các tổ, đội xung kích với lực lượng nòng cốt là công an viên, đoàn thanh niên và nhân dân tại địa bàn sẵn sàng ứng cứu khi bão lũ xảy ra.
Đồng chí Bùi Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa cho biết: Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN xã đã tổ chức rà soát, thống kê chi tiết các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, ngập úng để xây dựng phương án di dời; rà soát, kiểm tra các hồ chứa, kịp thời gia cố những điểm xung yếu trước mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo các xóm, thôn ở gần khu vực sông, suối vận động người dân chuẩn bị thuyền, bè, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu khi có thiên tai xảy ra. Chủ động thực hiện tốt chế độ thông tin liên lạc, báo cáo kịp thời tình hình, diễn biến mưa lũ trên địa bàn đến Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện.
Xã đang gấp rút huy động các lực lượng, đơn vị trên địa bàn hỗ trợ người dân di dời, chuyển tài sản đến nơi an toàn. Khẩn trương bố trí ổn định chỗ ở cho các hộ sống trong vùng nguy hiểm do sạt lở đất, lũ quét, lũ ống. Đối với những hộ có nhà bị sạt lở được hỗ trợ sửa chữa, khắc phục, sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, xã tập trung chỉ đạo khôi phục hoạt động sản xuất, đẩy mạnh trồng cây màu vụ đông, khôi phục lại những diện tích ruộng bị vùi lấp.
Thu Hằng
(HBĐT) - Thông tin từ BCH PCTT&TKCN tỉnh cho biết: Đến 15 h00 ngày 29/7, mưa lớn tiếp tục gây ngập úng tại các ngầm giao thông và sạt lở gây tắc giao thông một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Tại vị trí ngầm Khăm (km 20+891), tuyến TSA, nước ngập sâu 0,7 m, các phương tiện chưa thể lưu thông. Các vị trí ngầm trên truyến T ( Khoang- Nội), nước đã rút, có thể lưu thông.