(HBĐT) - Tại khu vực tỉnh Hòa Bình, những ngày vừa qua (28-30/8/2018) đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 116-400mm, như tại xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu 400,8mm, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn 327,8mm, xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc 265,4mm, thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc 289,4mm; gây lũ lớn trên các sông suối, ngập úng, ách tắc nhiều khu vực dân cư, giao thông, thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Thực hiện Công điện số 1127/CĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ứng phó lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long và mưa lũ tại Bắc Bộ. Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ đầu tư các công trình đang thi công xây dựng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hòa Bình và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình tập trung, khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ, kịp thời thông báo, chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan và các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó, hạn chế thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước.
2. Ủy ban nhân dân các huyện thành phố:
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 31/01/2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2018; Văn bản số 789/UBND-NNTN ngày 31/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đảm bảo an toàn tuyệt đối các khu vực xảy ra sạt lở đất, lũ ống lũ quét, các dự án khẩn cấp di dân tái định cư; dự án khẩn cấp xử lý khối sạt trượt khu vực phía đông đồi Ông Tượng; tổ 4, 5, 6 phường Chăm Mát; tổ 4 phường Thái Bình thuộc thành phố Hòa Bình; các văn bản chỉ đạo đôn đốc trong công tác phòng chống thiên tai của tỉnh và các Sở, ban, ngành khác.
- Tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tục rà soát, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ, nhất là qua các ngầm, tràn để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
- Triển khai công tác bảo vệ đê điều, hồ đập theo cấp báo động, đặc biệt tại các hồ chứa có nguy cơ cao như hồ Ban, xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc, Hồ Nà Rồng, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc.
- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời các tình huống, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố xảy ra.
- Chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, sản xuất nông nghiệp, hoạt động thủy sản (nhất là bảo vệ sản xuất vụ Hè Thu), giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, sản xuất nông nghiệp, hoạt động thủy sản, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
4. Sở Giao thông vận tải phối hợp cùng các địa phương, chỉ đạo, khắc phục nhanh sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố; chỉ đạo bảo đảm an toàn đối với các hoạt động giao thông vận tải tại vùng ngập lũ.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động chỉ đạo triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho học sinh và học tập của học sinh; khẩn trương dọn dẹp, tu sửa các điểm trường có thiệt hại.
6. Sở Công Thương chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ đập thủy điện triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện và hệ thống điện.
7. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương phòng, chống lũ và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
8. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Đài Phát thành và Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng tăng tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về diễn biến mưa, lũ, chỉ đạo ứng phó của các cơ quan chức năng để các cơ quan và người dân biết, chủ động ứng phó.
9. Các Sở, ban ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai phương án ứng phó với mưa, lũ theo quy định.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ đầu tư các công trình đang thi công xây dựng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hòa Bình, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Hòa Bình triển khai thực hiện./.