(HBĐT) -Đường 433 dài khoảng 90 km, là tuyến đường đặc biệt quan trọng từ TP Hòa Bình đi các xã vùng cao huyện Đà Bắc, thế nhưng từ lâu nay trở thành cung đường nguy hiểm, đem lại cảm giác bất an, nơm nớp lo sợ cho người và phương tiện. Trên đường luôn thường trực nguy cơ đá lở, trượt sạt, lũ ống, lũ quét, ngập úng, sẵn sàng "ăn” người và phương tiện qua lại, nhất là trong những ngày mưa lũ vừa qua.


Khu vực xã Suối Nánh (Đà Bắc) liên tục xảy ra hiện tượng đá rơi xuống đường 433. 

Giám đốc Công ty CP Xây dựng giao thông Hòa Bình Lê Tuấn Tuyến cho biết: Đường 433 nằm ở địa hình vùng cao, độ dốc lớn, địa chất không ổn định, nền đường và các công trình giao thông yếu chưa đồng bộ, nguy cơ trượt sạt taluy dương và âm rất cao. Đợt mưa lớn trên diện rộng vừa qua, đường 433 xảy ra hàng trăm điểm trượt sạt đất, đá. Đặc biệt xuất hiện rất nhiều điểm sạt với khối lượng lớn, gây ách tắc giao thông nhiều ngày. Nhiều xã dọc tuyến đường bị cô lập phải di chuyển bằng đường thủy trên hồ Hòa Bình. Cùng với đó là hàng chục điểm ngầm bị ngập, có nơi như ngầm Trầm, xã Tân Minh; ngầm Duốc, xã Suối Nánh ngập sâu hơn 1 mét, kéo dài nhiều ngày.
 
Đường 433 qua địa phận xã Suối Nánh dài khoảng 10 km (từ km 75 - km 84), nằm ở địa hình độ dốc lớn, nhiều đá mồ côi, đặc biệt nguy hiểm khi thường xuyên có đá lăn, lũ quét. Bà con đi nương cho biết, ở khu vực này từ trên đỉnh núi có những vết trượt to như cái phích nước, kéo dài nhiều cây số. Nhiều tảng đá đã bị mất chân, sẵn sàng lăn xuống. Hầu như năm nào đoạn đường này cũng có hàng chục tảng đá kích thước to bằng cả chiếc giường nằm rơi xuống chắn ngang đường hoặc rơi xuống đường rồi lăn xuống khe vực. Trong đó tại những vị trí như km 75, 77, 78 là những khu vực đặc biệt nguy hiểm. Năm ngoái, tại ngầm Duốc, xã Suối Nánh (km 78), lũ chảy xiết đã cuốn trôi một xe ngô có 4 người mất tích, dù đã huy động rất đông bà con, lực lượng thuyền bè, phương tiện nhưng vẫn chưa tìm thấy xác. Con suối Nánh giờ đã bị đất, đá san phẳng hoàn toàn. Đây là khu vực khe suối, độ dốc lớn, thường xuyên có lũ ống, lũ quét; đẩy đất, đá đánh tan ngầm, phá hủy hơn 1 km đường vào xóm Duốc. Trong 2 năm nay, ngầm Duốc đã bị phá hủy tới 4 - 5 lần do lũ, đất, đá đánh tan. Đơn vị quản lý đặt tạm cống, lấy đá suối chèn vào để cho người dân và phương tiện đi tạm.
 
Chủ tịch UBND xã Suối Nánh Bùi Văn Phúc cho biết: Cuộc sống không thể không di chuyển. Việc đi lại của bà con rất khó khăn và nguy hiểm, luôn đứng trước nguy cơ đất, đá trượt sạt. Đường 433 qua địa bàn xã có độ dốc lớn, đất, đá rời rạc, bình thường đá lăn xuống rất nguy hiểm, mưa lũ càng nguy hiểm hơn. Hiện nay, phía trên núi còn nhiều khối đá có nguy cơ lăn xuống, đe dọa tính mạng người dân. Không chỉ gây nguy hiểm cho tuyến đường 433, đất, đá trượt sạt đe dọa cuộc sống của mấy chục hộ dân các xóm Cơi 1, Cơi 2, Cơi 3, xã Suối Nánh. Đất, đá có thể vùi lấp và gây nguy hiểm đến khu trụ sở UBND xã, trạm xá, các trường tiểu học, mầm non, THCS và các hộ xung quanh.
 
Chủ tịch UBND xã Toàn Sơn Cao Thái Sơn cho biết: Đoạn đường 433 qua địa bàn xã đang trong giai đoạn cải tạo, nâng cấp, thường xuyên xảy ra trượt sạt, đá lăn gây nguy hiểm cho người và phương tiện. Nhiều hôm trước đã có tảng đá to như chiếc ô tô trên núi lăn xuống chắn ngang đường, sát UBND xã. Rất may đá lăn vào buổi tối khi anh em công nhân và các phương tiện vừa di chuyển ra khỏi vị trí đá rơi, không thiệt hại về người. Hiện nay, nhà thầu thi công tuyến đường này đã đánh mìn, giải phóng tảng đá chắn ngang đường và rà soát các khu vực nguy cơ đá lăn xung quanh vị trí này.
 
ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đớt liên tiếp trong tháng 7 - 8 vừa qua, trên địa bàn xảy ra mưa lớn, xuất hiện sạt lở, lũ ống, lũ quét, ách tắc giao thông trên tuyến đường 433. Nguy cơ trượt sạt còn rất nhiều, đặc biệt tại các vị trí km 75 + 450, km 77 + 500 (thuộc khu vực xã Suối Nánh); km 59 + 600, km 46 + 300… Nhiều điểm trượt sạt lớn có khối lượng lên tới hơn 1 vạn m3 /điểm… Đợt mưa lũ cuối tháng 8 vừa rồi, đường 433 sạt lở hàng trăm điểm, nhiều khu vực sạt lở gây ách tắc giao thông, đơn vị quản lý vừa sửa xong được chỗ này, lại tiếp tục sạt điểm mới. Ngày 31/8 vừa qua, đường 433 ách tắc nhiều điểm, nhất là tại khu vực các xã: Tân Minh, Tân Pheo, Giáp Đắt, Mường Chiềng, Suối Nánh… Nhiều đoàn công tác của Sở GD &ĐT, Bảo hiểm xã hội… đi công tác bị tắc ở khu vực xã Tân Minh không về được phải gọi điện cho Sở GTVT mong được giải cứu. Đơn vị huy động 7 máy xúc làm liên tục trong vòng 2 ngày, một đêm mới xúc dọn, san gạt ban đầu để thông toàn tuyến phục vụ bà con đi lại dịp 2/9.
 
Theo Giám đốc Công ty CP Xây dựng giao thông Hòa Bình Lê Tuấn Tuyến: Việc xử lý trượt sạt rất khó khăn vì đường 433 nằm ở vùng cao, địa hình phức tạp, khối lượng đất, đá lớn, rời rạc, đường không có mặt đường làm đường công vụ; kinh phí khó khăn, mưa lũ liên miên, vừa nạo vét ngầm thì lại bị đất, đá san phẳng, xử lý được chỗ này lại sạt trượt chỗ khác… Đơn vị đã huy động 100% nhân lực, phương tiện, máy móc để xử lý ban đầu, bảo đảm thông xe, phục vụ nhu cầu đi lại cho bà con. Tại các vị trí trượt sạt, ngập úng, các điểm xung yếu, đơn vị đang phối hợp với địa phương triển khai ứng trực, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, điều hành giao thông trên đường 433. Tuy nhiên tình trạng đá lở, đá lăn, trượt sạt đất, đá luôn tiềm ẩn, do vậy người và phương tiện hết sức cảnh giác khi tham gia giao thông trên tuyến đường này.
 
                                                                                                LC

Các tin khác


Ra mắt mô hình điểm “Chi Hội phụ nữ trồng cây ăn quả thực hiện an toàn thực phẩm”

(HBĐT) - Hội LHPN huyện Cao Phong vừa tổ chức ra mắt mô hình điểm "Chi Hội phụ nữ trồng cây ăn quả thực hiện an toàn thực phẩm gắn với rèn luyện phẩm chất đạo đức” tại chi Hội Khu 1, Thị trấn Cao Phong.

Ra quân dọn vệ sinh và hành lang khu dân tổ dân phố 14, phường Tân Thịnh

(HBDT) - Ngày 15/9, Tổ dân phố số 14, phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình tổ chức lễ ra quân thu dọn vệ sinh và hành lang khu vực nhà tập thể A15. Trung đoàn 814 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động hơn 30 cán bộ, chiến sĩ đến giúp đỡ bà con tổ dân phố tháo dỡ, dọn hiện trường.

Ngày hội hữu cơ Việt Nam tại huyện Lương Sơn

(HBĐT) - Ngày 15/9, tại huyện Lương Sơn, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, tổ chức ADDA Đan Mạch đã tổ chức ngày hội hữu cơ Việt Nam với các hoạt động mít tinh hưởng ứng Ngày hội hữu cơ Việt Nam lần thứ 2 và Hội thi "Nhà nông hữu cơ đua tài”. Ngày hội thu hút sự tham gia của các tổ chức đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà khoa học quan tâm đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ các tỉnh phía Bắc, trong đó có gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của thành phố Hà Nội, các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Nam và Hòa Bình.

Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi khoảng 2,1 nghìn ha đất trồng lúa kém hiệu quả, trong khi kế hoạch cả năm phấn đấu đạt khoảng 3,1 nghìn ha. Với tiến độ hiện có, các địa phương trong tỉnh khá tự tin vào khả năng hoàn thành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2018, từ đó tạo đà thuận lợi để toàn tỉnh thực hiện tốt "Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Hòa Bình đến năm 2020” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1121/QĐ-UBND ngày 8/5/2018.

Bước chuyển mình trong kinh doanh của Công ty Điện lực Hòa Bình

(HBĐT) - Nói đến điện lực, người ta nghĩ ngay đến một ngành quyền hành nhờ đặc quyền "độc quyền”. Trong khi cung chưa đủ cầu lại một người bán, vạn người mua thì chuyện sang chảnh cũng là lẽ thường. Tuy nhiên, cùng với guồng quay đổi mới của toàn xã hội thì Điện lực Hòa Bình đã có bước chuyển mình rõ nét.

Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn dân cư

(HBĐT) - Chiều 14/9, Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn số 1493 yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ đầu tư các công trình đang thi công xây dựng, các cơ quan báo chí địa phương, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Hoà Bìnhtriển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn dân cư do ảnh hưởng của mưa lũ do siêu bão Mangkhut.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục