Công ty Sao Vàng thi công đoạn tuyến vừa được bàn giao mặt bằng tại địa phận xã Hòa Bình (TP Hòa Bình).
Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường 433, đoạn km0 - km 23 là dự án trọng điểm được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2530/QĐ-UBND ngày 31/12/2010 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1161/QĐ-UBND ngày 27/8/2012 với tổng chiều dài tuyến thiết kế 18,9 km. Tổng mức đầu tư 988 tỷ đồng (trong đó xây lắp 691,3 tỷ đồng, chi phí tư vấn và chi phí khác 35,9 tỷ đồng, chi phí GPMB 62 tỷ đồng, dự phòng 199 tỷ đồng). Đến nay, dự án đã chậm tiến độ 2 năm và chưa thể đưa vào khai thác sử dụng bảo đảm yêu cầu, hiện vẫn còn khó khăn về bãi đổ thải, nguồn vốn thi công.
Đến nay, công tác GPMB dự án cơ bản được tháo gỡ, tuy nhiên phát sinh vướng mắc về bãi đổ thải và nguồn vốn. Về tiến độ thi công đoạn tuyến km 0 - km9 +900 đã hoàn thiện phần cống, cầu, đến nay nền đường thi công đạt 8,5/9,9 km; thảm mặt bê tông được 6/9,9 km. Đối với công tác GPMB đang được tích cực giải quyết. Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Hà Văn Thiểm cho biết: Đường 433 đi qua địa bàn từ xóm Máy 1 đến Máy 4 và xóm Đao. Xã đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân di dời nhà cửa, công trình. Đến ngày 10/10 vừa qua, 13 hộ cuối cùng đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trên địa bàn không còn vướng mặt bằng. Các hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở do thi công tuyến đường phải ở tạm trước kia được bố trí tại khu vực tái định cư. Hiện nhà thầu đã tổ chức thi công một số vị trí.
Tuy nhiên, mới đây trong quá trình thi công tại lý trình km 4 + 100 (bên phải tuyến) một số hộ dân thuộc xã Hòa Bình cản trở không cho nhà thầu thi công. Người dân yêu cầu đền bù diện tích bị vùi lấp không thể canh tác nằm cạnh dòng suối Voi, xã Hòa Bình đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án. Trước đó, việc thi công đường 433, vấn đề quá tải các điểm đổ thải đã gây sạt lở đất, đá nghiêm trọng, vùi lấp và thu hẹp dòng suối Voi gây lũ ống, thiệt hại nhà cửa, các công trình phụ và tài sản, hoa màu của nhiều hộ dân xã Hòa Bình.
Trao đổi với ông Lại Quang Minh, Phó Giám đốc Công ty xây dựng Miền Trung được biết: Khó khăn nhất vẫn là bãi đổ thải. Khối lượng đổ thải rất lớn khoảng 200.000 m3, chưa biết đổ vào đâu, đổ xuống suối thì không được vì ảnh hưởng đến hoa màu, vùi lấp gây lũ ống, lũ quét, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Hiện tại, người dân kiên quyết không cho đổ thải, Công ty và BQL dự án đang rà soát tìm kiếm bãi đổ thải. Khi có bãi đổ thải thì tổ chức thi công cũng rất nhanh vì trên địa phận Công ty thi công từ km4 + 400 đến km9, đã thảm được 3/5 km mặt đường, còn 2 km, có vị trí đổ thải, Công ty sẽ tổ chức thi công đồng loại, có thể bảo đảm kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2018.Nguồn vốn cũng đang rất khó khăn, mới giải ngân được 50 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 100 tỷ đồng nữa, điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Ngày 30/8/2018, BQL dự án các công trình giao thông đã báo cáo với UBND tỉnh về việc khắc phục hậu quả bồi lấp suối Voi, xã Hòa Bình. Ngày 5/10, UBND tỉnh đã có Văn bản số 6389/VPUBND-CNXD cho phép thu hồi đất thực hiện bồi thường, hỗ trợ các hộ dân. Chủ đầu tư đã đề nghị UBND thành phố Hòa Bình chỉ đạo các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động các hộ dân không gây cản trở để nhà thầu tổ chức thi công. Chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu rà soát phương án đổ thải. Hiện nay, nguồn vốn bố trí cho dự án chưa đảm bảo yêu cầu, BQL dự án các công trình giao thông đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh và đề nghị UBND tỉnh ứng trước nguồn vốn ngân sách của tỉnh, vốn vay và các nguồn vốn khác để hoàn thiện đến điểm dừng kỹ thuật đoạn từ km0÷km9+900 bàn giao đưa vào sử dụng trong năm 2018.
LC
(HBĐT) - Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản vừa tiến hành kiểm tra đánh giá việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp cam đảm bảo ATTP tại địa điểm mô hình thuộc xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong).