Sau 2 năm triển khai, Dự án đã hoàn thành 100% nội dung công việc theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra, gồm: hợp đồng tư vấn, chứng nhận VietGAP, hợp đồng cung ứng vật tư, con giống, hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hợp đồng cam kết giữa các hộ dân tham gia dự án với các bên liên quan… Về quy mô, tại thành phố Hòa Bình có 2 doanh nghiệp và 10 hộ tham gia với quy mô 300 lồng cá, sản lượng trên 800 tấn/năm, sản phẩm chủ lực là cá Lăng đen, Lăng vàng, Lăng chấm, Ngạnh, Tầm, trắm đen, chép, rô phi. Tại huyện Đà Bắc có 1 HTX và 10 hộ tham gia, quy mô 93 lồng cá, sản lượng trên 300 tấn/năm với các sản phẩm chủ lực là cá Ngạnh, Tầm, cá chiên, trắm cỏ, chép, rô phi.
Đánh giá hiệu quả chuỗi giá trị cá sông Đà.
Qua thực hiện dự án, đặc biệt là sau khi được chứng nhận sản phẩm đảm bảo ATTP, rõ thông tin về nguồn gốc sản phẩm, sản phẩm cá sản xuất theo chuỗi giá trị tiêu thụ ổn định và có giá cao hơn từ 20% - 30% giá bán sản phẩm cùng loại đang lưu thông trên thị trường và chưa được kiểm soát và chứng nhận. Hình thành cửa hàng giới thiệu và cung ứng thực phẩm an toàn trong Dự án tại thành phố Hòa Bình và thủ đô Hà Nội.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp, hộ thành viên tham gia Dự án đề xuất Sở NN & PTNT tiếp tục quan tâm, đầu tư cho dự án trong tiêu thụ sản phẩm; các địa phương có Dự án đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản tuân thủ việc sử dụng kháng sinh, hóa chất, đặc biệt là tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP. Tăng cường và củng cố sự liên kết, chia sẻ lợi nhuận giữa doanh nghiệp và hộ sản xuất.
Bùi Minh