Thiệt hại - những con số… nối dài!
Theo thống kê của BCH PCTT&TKCN tỉnh, năm 2018, tỉnh ta có 2 người chết, 5 người bị thương do thiên tai, mưa lũ. Khoảng 752 hộ với trên 940 nhân khẩu bị ảnh hưởng do thiên tai. 1.712 ngôi nhà hư hỏng, trong đó có 104 ngôi nhà thiệt hại tới 70%; 1.089 lượt ngôi nhà bị ngập nước, trong đó 981 hộ phải sơ tán, di dời khẩn cấp để ổn định cuộc sống. Lúa, hoa màu, nguồn sống của hơn 70% cư dân trong toàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Diện tích lúa thiệt hại lên tới 3.996 ha; hoa màu thiệt hại 1.385 ha; cây trồng hàng năm thiệt hại 516 ha; cây ăn quả thiệt hại 252,9 ha; rừng phân tán thiệt hại tới 70%... Trong mưa lũ, trên 1.000 con gia súc, 9.200 con gia cầm và khoảng 50 tấn cá của bà con bị chết hoặc cuốn trôi.
Đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện công trình cống thoát lũ tránh ngập úng trên QL6, đoạn ngã ba Tòng Đậu, huyện Mai Châu.
Do mưa lớn kéo dài đã làm nhiều công trình giao thông, thủy lợi hư hỏng nặng. Cụ thể, 23 điểm giao thông trên các tuyến quốc lộ bị sạt lở, ách tắc; 6 chiếc cầu, cống hư hỏng. Vào tâm điểm của mùa mưa lũ (cuối tháng 7/2018) đã xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông Đà làm sập, đổ 29 ngôi nhà của các hộ dân thuộc tổ 26, phường Đồng Tiến - TP Hòa Bình. Riêng tuyến tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn có 41 cầu, ngầm, 11 cống bị hư hỏng, 391 điểm bị sạt lở gây ách tắc giao thông, tổng chiều dài tuyến đường bị sạt lở lên tới 6.912 m, đường bị ngập khoảng 10.250 m. Mưa lớn, nước lớn gây sạt lở, sụt lún và làm nứt tỉnh lộ 445, thuộc khu vực xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, hiện khoảng 300 m2 đường đang có nguy cơ trượt xuống dòng sông Đà…
Theo thống kê, trong năm 2018, thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng trên 1.390 tỷ đồng.
Cần thêm nữa nỗ lực ứng phó với thiên tai
Thực tế, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện… để ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng, nhất là sau thảm họa thiên tai xảy ra vào tháng 10/2017. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện vẫn bộc lộ những tồn tại, yếu kém. Theo nhận định của đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT thì: Phương án ứng phó với thiên tai đã được xây dựng nhưng chưa sát thực tế. Các kịch bản đặt ra còn mang tính lý thuyết, chưa dự báo được các sự cố thiên tai xảy ra, dẫn đến việc ứng phó còn nhiều lúng túng, bất cập. Việc xác định các loại hình thiên tai chưa sát với các khu vực cụ thể, nên còn bị động trong việc phòng, chống. Kế hoạch phòng, chống thiên tai của các ngành, địa phương còn chung chung, hình thức, khó triển khai ra ngoài thực tế. Sự phối hợp giữa các sở, ngành và các địa phương chưa nhịp nhàng, đồng bộ. Trang thiết bị, phương tiện phục vụ chỉ huy, điều hành và sử dụng để ứng phó với thiên tai còn thô sơ và thiếu. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn nhiều hạn chế, dẫn đến khi xảy ra sự cố thiên tai nhiều khu dân cư bị cô lập (tắc đường, mất điện, nghẽn đường thông tin liên lạc). Công tác dự báo, cảnh báo sớm còn nhiều hạn chế và sai sót. Một số địa phương còn chủ quan, chưa đánh giá hết được mức độ nguy hiểm của thiên tai. Còn tình trạng nể nang, né tránh và chưa kiên quyết trong việc đôn đốc, hướng dẫn, cưỡng chế người dân di dời khi xảy ra mưa lũ, sạt lở. Một số xã vẫn để người dân tham gia giao thông hoặc đánh bắt thủy sản ở vùng nguy hiểm…
Chỉ rõ những tồn tại, yếu kém, BCH PCTT&TKCN tỉnh đã đưa ra những giải pháp cụ thể để khắc phục trong năm 2019. Theo đó, đã phân khai rõ nhiệm vụ của từng sở, ngành, địa phương trong công tác chuẩn bị các phương án ứng phó với thiên tai. Trước diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường, cần xác định rõ công tác phòng, chống thiên tai luôn ở thế cuộc đua không cân sức. Vì vậy, cần thêm nữa sự nỗ lực với tất cả tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành và từ mỗi người dân để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.
Thúy Hằng