Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công trục đường khu vực trung tâm xã Liên Hòa (Lạc Thủy).
Giai đoạn 2011 - 2018, xã Liên Hòa đã huy động nguồn vốn 14,8 tỷ đồng từ các chương trình, dự án lồng ghép và nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công để đầu tư, xây dựng hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê, trục đường liên xã dài 5,7 km đã được cứng hóa đạt tỷ lệ 100%; trục đường liên thôn, xóm cứng hóa 4/6 km, đạt 70%; trục đường nội thôn, xóm cứng hóa 8,5/14,28 km, đạt 59%; trục đường giao thông nội đồng 8,6/13,55 km, đạt 59%. Bên cạnh đó, trục đường tỉnh 438 B từ xã Khoan Dụ đi An Bình dài 25 km đã được nhựa hóa, trong đó chạy qua địa bàn xã 10 km.
Qua tìm hiểu được biết, do ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ năm 2017, tỉnh lộ 438 B xuống cấp trầm trọng, mặt đường xuất hiện chi chít ổ trâu, ổ gà gây ảnh hưởng tới người tham gia giao thông. Đồng chí Bùi Thể Thao, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hòa trăn trở: "Đây là tuyến đường đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH địa phương. Mặc dù chính quyền các cấp đã huy động nguồn lực, thiết bị, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng nhiều đoạn đường vẫn chưa được hoàn trả mặt bằng, gây khó khăn cho người dân khi phải lưu thông trên tuyến đường này. Bên cạnh đó, một số trục đường liên thôn, xóm; nội thôn, xóm chưa được cứng hóa. Chủ yếu là đường đất lầy lội rất khó đi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân”.
Ngoài ra, cầu phao Bến Cáy nối xóm Liên Hồng với xã Cố Nghĩa được xây dựng cách đây khoảng 20 năm đã xuống cấp trầm trọng. Mặt cầu chủ yếu là các tấm ván ghép lại, vật liệu tạm bợ nên không chịu được xe máy chở hàng có trọng tải lớn đi qua. Do nguồn kinh phí có hạn, hàng năm chính quyền xã chỉ bố trí được một phần kinh phí để sửa chữa tạm thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đây được xem là con đường ngắn nhất từ xã Liên Hòa đến trung tâm huyện Lạc Thủy. Đặc biệt mùa mưa bão vừa qua, mực nước dâng cao khiến cầu bị trôi theo dòng nước lũ.
Ông Đặng Văn Sinh ở thôn Đồng Huống cho biết: "Toàn xã hiện có trên 200 ha cây ăn quả có múi. Đây là những mặt hàng nông sản có trọng tải nặng, trong khi đó các trục đường giao thông trên địa bàn đã xuống cấp dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Đặc biệt mặt đường trơn trượt, lầy lội vào mùa mưa. Chính vì vậy, chi phí vận chuyển tại các xóm chưa có đường bê tông thường có giá cao hơn từ 3- 4 lần. Mặt khác, giá cam chỉ có thể bán được từ 14.000- 15.000 đồng/kg, bưởi dao động 15.000- 20.000 đồng/quả. Nhìn chung, giá cả mặt hàng nông sản thấp hơn so với các các xã ở khu vực trung tâm huyện”.
"Năm 2018, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân hiến được 3.500 m2 đất các loại, huy động 250 ngày công để mở rộng đường giao thông nông thôn. Dự kiến trước Tết Nguyên đán 2019 sẽ đưa vào sử dụng các trục đường giao thông tại thôn Đồng Huống. Trong thời gian tới, chính quyền xã mong muốn các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí để cứng hóa các tuyến đường giao thông. Qua đó tạo điều kiện cho người dân dễ dàng lưu thông, giao thương hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và củng cố tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới”, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ.
Đức Anh
(HBĐT) - Những năm qua, huyện Lương Sơn đã dành ngân sách huyện hỗ trợ xây dựng các điểm tập kết rác phục vụ cho việc thu gom, xử lý rác thải.