Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực đến nay, tỉnh đã ban hành 11 quyết định chỉ đạo, điều hành, thực thi chính sách pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) được Chính phủ phê duyệt năm 2013; Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020 )của tỉnh được Chính phủ phê duyệt tháng 7/2018. 11 huyện, thành phố trong tỉnh đã quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) trình UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2013. Điều chỉnh quy hoạch đất của các huyện, thành phố cũng được xây dựng hàng năm trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt. Hiện, điều chỉnh quy hoạch, sử dụng đất đến năm 2020 cấp huyện đang được rà soát, bổ sung để tổ chức thẩm định, trình duyệt. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã thực hiện xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính đối với 210 xã, phường thị trấn, trong đó có 8 phường tại thành phố và 11 thị trấn tại 10 huyện. Việc lập bản đồ hành chính khu vực đô thị được lập đối với thành phố Hoà Bình bao gồm 8 phường và 7 xã. Việc TTPBGDPL về đất đai được quan tâm thực hiện tốt.
Bên cạnh những kết quả đạt được việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trên địa bàn cũng còn nhiều hạn chế.
Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành cuộc giám sát.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, UBND tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ một số nội dung như: Đối với dự án khai thác đá vôi làm cát nhân tạo, đề nghị HĐND tỉnh được chấp thuận việc thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, chức năng sớm quy định, định mức sử dụng đất tương ứng với tổng vốn đầu tư đối với các loại hình dự án nhà ở, dự án SX-KD phi nông nghiệp. Ban hành văn bản quy định, hướng dẫn tỷ lệ % đất thương phẩm trong tổng diện tích đất đầu tư dự án đối với từng loại hình dự án xây dựng nhà ở ( căn hồ liền kề, biệt thự liền kề, chung cư...). Để tránh khiếu kiện đông người về đất đai, đề nghị sửa đổi Điểm b, khoản 5, điều 24 Nghị định 43, ngày 15/5/2014 của Chính phủ theo hướng: không cho phép xác định lại diện tích đất ở đối với trường hợp tại thời điểm cấp GCNQSDĐ trước đây đã được cơ quan quản lý nhà nước xác định đúng theo quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm cấp GCN; quy định cụ thể các trường hợp được xác định lại diện tích đất ở (không mở rộng đối tượng theo quy định cũ)… và một số kiến nghị, đề xuất khác đối với Bộ Tài chính; Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nêu rõ: mục đích cuộc giám sát là để nắm rõ thực trạng quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trên địa bàn tỉnh. Qua đó, chỉ ra những vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ trong quá trình thực hiện luật Đất đai năm 2013. Qua giám sát, đề nghị trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm rà soát lại quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Việc quy hoạch và quản lý quy hoạch cần tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Không để việc điều chỉnh quy hoạch ảnh hưởng đến quy hoạch tổng thể. Cần tập trung nguồn lực kịp thời để triển khai, thực hiện quy hoạch, tránh để tình trạng quy hoạch treo. UBND tỉnh cần rà soát và chỉ đạo các cấp thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng đất, tổ chức thanh, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất trên địa bàn tỉnh… Những kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh sẽ được tổng hợp đầy đủ để chuyển tải tới Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành trong thời gian tới.