Trước thềm xuân mới, ai cũng có những ước vọng về những điều tốt đẹp. Thế giới không ngừng phát triển. Nhân loại đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) và nay đang bước vào cuộc CMCN lần thứ 4 (CMCN 4.0). Việt Nam không nằm ngoài cuộc chơi với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Xin mượn lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn cấp cao Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, tháng 7/2018: "Đây là cơ hội để Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh. Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm, hành động và kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực".

Nhân loại đã trải qua 3 cuộc CMCN về cơ khí, điện khí hóa, tự động hóa, là tiền đề cho những bước phát triển đột phá. Vậy cuộc CMCN 4.0 là gì? Cuộc cách mạng này được Chính phủ chỉ ra tại Chỉ thị số 16, ngày 4/5/2017 về "Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0” là: CMCN với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo. Đặc điểm là tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan toả của số hoá, CNTT. Chỉ thị cũng chỉ rõ CMCN 4.0 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống.

 


Sản phẩm cam của HTX Hà Phong (Cao Phong) ứng dụng công nghệ trong sản xuất, bảo quản được Siêu thị Big C Hà Nội ký hợp đồng tiêu thụ.

Việt Nam không nằm ngoài cuộc chơi CMCN 4.0. Nếu bắt nhịp sẽ mở ra nhiều cơ hội nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, sức cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm. Nếu không sẽ bị tác động tiêu cực, tụt hậu. Các chuyên gia nhìn nhận, Việt Nam đã có công nghiệp 4.0 nhưng ở mức độ thấp. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nổi bật là Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy quyết tâm để có thể là một toa trong đoàn tàu CMCN 4.0.

Nhằm tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 3/8/2017 để tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh. Mục đích là đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tận dụng, đổi mới triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa, CNTT, bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, không để tụt hậu về công nghệ, mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao...

Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Hải Hồ chia sẻ: Sở quan tâm tuyên truyền, phổ biến về CMCN 4.0 trên các ấn phẩm, website, phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp qua hội nghị. Hiểu đúng thời cơ, thách thức, bản chất, đặc điểm và nắm được mục đích, các giải pháp tỉnh đưa ra là cách để tiếp cận với cuộc CMCN 4.0. Trong đó, một số giải pháp trọng tâm là tạo sự bứt phá về hạ tầng, ứng dụng CNTT, phát triển hạ tầng kết nối số. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hấp thụ, phát triển các công nghệ sản xuất mới. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, công nghệ sinh học, điện tử phục vụ xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, du lịch thông minh, thành phố thông minh...


Nhiều cửa hàng ở TP Hòa Bình cho phép khách hàng thanh toán qua phương tiện điện tử. Ảnh: Tại cửa hàng Tokyo Life ở phường Phương Lâm khách hàng thanh toán bằng QR PAY trên ứng dụng Mobile Banking.

Chính quyền, doanh nghiệp, người dân có khát vọng, dũng khí dấn thân sẽ là khởi nguồn của sáng tạo, khát khao vươn lên, tiền đề để thành công. Làm việc với lãnh đạo tỉnh cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gợi ý tỉnh tập trung vào 4 mũi nhọn kinh tế để có bước phát triển mạnh mẽ. Trong đó, xây dựng Hòa Bình thành tỉnh du lịch; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; tạo sự chuyển động của bộ máy chính quyền…

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để có nền sản xuất thông minh, hiệu quả là xu hướng tất yếu. Đến nay đã có 14 sản phẩm đặc sản của tỉnh được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tỉnh hình thành vùng cây ăn quả có múi, tạo được thương hiệu trên thị trường. Một số HTX đã nắm bắt, đầu tư công nghệ từ sản xuất đến bảo quản sản phẩm. Tiêu biểu như HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động (Kim Bôi), Liên hiệp HTX Cam Cao Phong, HTX Hà Phong (Cao Phong)… "Ngoài đầu tư sản xuất cam theo quy trình VietGap, áp dụng công nghệ tưới Israel, chúng tôi đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh sản xuất cam theo tiêu chuẩn GlobalGap, hướng đến xuất khẩu. Đầu tư chuỗi bảo quản sau thu hoạch và chế biến sản phẩm từ cam quả. Cam của HTX tiêu thụ chủ yếu tại các siêu thị Big C, Hpro... Thành quả mới là cam của HTX được Vietnam Airlines chọn phục vụ hành khách hạng thương gia trên gần 70 đường bay trong nước, quốc tế. Vietnam Airlines áp dụng quy trình lựa chọn, kiểm định, giám sát nghiêm ngặt từ sản xuất đến thu hoạch và chúng tôi đáp ứng được điều đó” - Giám đốc HTX Hà Phong Lê Văn Cương phấn khởi cho biết. Những ngày cuối năm, Giám đốc Cương tất bật làm việc với các đối tác để đưa cam của HTX, cùng các sản phẩm từ cam quả tiêu thụ tại Hà Nội và các tỉnh vào dịp Tết. Trong tương lai, HTX dự định tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi ứng dụng các phần mềm vào sản xuất, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, ví như phần mềm biết được cây đang thiếu gì, phần mềm tương tác với khách hàng…

Liên hiệp HTX Cam Cao Phong - mô hình đầu tiên ở vùng Tây Bắc có thể coi là bước đột phá trong liên kết và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Bốn HTX, mỗi đơn vị một lĩnh vực, từ sản xuất, truyền thông phát triển thương hiệu, công nghệ, đến du lịch đã hợp tác để cộng hưởng sức mạnh. Trong đó, HTX Nông nghiệp số đóng vai trò ứng dụng CNTT, KH-CN trong sản xuất nhằm số hóa quy trình, tạo công cụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. HTX sản xuất loại tem thông minh truy xuất nguồn gốc, khi đã dán vào quả bóc ra sẽ vỡ và bóc luôn vỏ nên ngăn chặn được hàng nhái.

Tích cực tiếp cận CMCN 4.0, Viettel Hòa Bình đã triển khai sử dụng hệ thống cầu truyền hình trực tuyến. Đà Bắc là huyện khó khăn nhất tỉnh nhưng đã nối cầu truyền hình trực tuyến đến xã, trong đó có xã như Đồng Nghê cách trung tâm huyện hơn 90 km đường núi. Ông Phan Quốc Tuấn, Giám đốc Khách hàng doanh nghiệp cho biết: Viettel đã cung cấp dịch vụ tổng đài chăm sóc khách hàng cho Trung tâm Hành chính công tỉnh; các thắc mắc của người dân được giải đáp và trả kết quả qua điện thoại. Triển khai đến tuyến huyện các camera giám sát an ninh; quét biển số xe, nhận dạng khuôn mặt, phục vụ ngành Công an. Cung cấp phần mềm website du lịch cho tỉnh. Bước đầu cung cấp phần mềm công cụ cho bác sĩ. Năm 2019, một số bệnh viện trong tỉnh sẽ áp dụng phần mềm Viettel Hif; ví dụ khi bệnh nhân chụp tại khoa chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện sẽ kết nối với chuyên gia hàng đầu trong nước để đọc kết quả và sẽ được sao lưu trong 10 năm. Phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe, quầy thuốc, nhà thuốc cũng sẽ được triển khai. Ngành GD&ĐT có internet đến cấp trường. Các trường sử dụng phần mềm FMAC nhắn tin nhanh nhạy, triển khai đồng bộ Portal. Nhiều trường sử dụng hóa đơn điện tử thay hóa đơn giấy… Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bắt nhịp CMCN 4.0, Viettel đã thành lập chi nhánh khách hàng doanh nghiệp tại tỉnh để tương tác với các sở, ngành, doanh nghiệp lớn trong tỉnh.

Tiếp cận cuộc CMCN 4.0, trong hơn 1 năm thực hiện Kế hoạch số 104/KH-UBND, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KH-CN được quan tâm. 100% cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đã có mạng nội bộ và kết nối internet băng thông rộng. 96% công chức, viên chức cấp tỉnh được trang bị máy tính và ở cấp huyện là 88%. Ứng dụng các phần mềm quản lý được đưa vào sử dụng ngày càng phổ biến như: Phần mềm quản lý văn bản trong hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước; quản lý hồ sơ cán bộ, công chức của Sở Nội vụ; tiếp công dân và xử lý đơn, thư của Thanh tra tỉnh; hệ thống phổ cập giáo dục của Sở GD&ĐT… Tất cả 21 sở, ngành và 11 huyện, thành phố có trang thông tin điện tử; ứng dụng chữ ký số vào trao đổi văn bản trên môi trường mạng. 100% cán bộ, công chức sử dụng phần mềm quản lý văn bản qua môi trường mạng. Sở KH&CN đã ban hành kế hoạch ứng dụng kết quả đề án "Phát triển hệ tri thức Việt số hóa” giai đoạn 2018 - 2020. Dự án Chính quyền điện tử của tỉnh; kế hoạch thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4; dự án Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu tỉnh Hòa Bình (LGSP) cũng đang được triển khai thực hiện.

Các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung của tỉnh được khai thác, sử dụng ở mức độ cao, là công cụ hỗ trợ hiệu quả để nâng cao công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, góp phần hiện đại hóa hành chính công khai, minh bạch. Cụ thể như phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp được kết nối liên thông giữa tỉnh với Chính phủ và từ tỉnh tới cấp xã để kết nối liên thông 4 cấp, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành được thông suốt, đồng bộ.

Phần mềm một cửa điện tử được triển khai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các huyện, thành phố. 100% thủ tục hành chính được thực hiện thông qua phần mềm. Thương mại điện tử khởi sắc. 50% siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hiện đại, đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông, truyền thông, du lịch, vận tải sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ và qua phương tiện điện tử. 45% doanh nghiệp ứng dụng phần mềm phục vụ hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh. Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình có những ý tưởng hay, hiệu quả thiết thực.

Những việc làm cụ thể tiếp cận CMCN 4.0 được khởi động và bước đầu đem lại hiệu quả trên một số lĩnh vực. Dẫu thực tế còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với định hướng đã được chỉ ra, với quyết tâm bắt nhịp của chính quyền, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân hãy cùng đồng lòng, với dũng khí dấn thân để có "tấm vé lên con tàu CMCN 4.0”.

                                                                                        

                                                                        Cảm Lệ


Các tin khác


Nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn

(HBĐT) - Nhằm tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn, thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 11, ngày 25/1/2019 thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Cung cấp và hỗ trợ hơn 5.000 cây hoa giống cho xã Tây Phong, Cao Phong

(HBĐT) - Ngày 30/1, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã tổ chức trao 5.000 cây chuỗi ngọc và 600 cây hoa ngũ sắc cho các hộ dân xóm Bảm, xã Tây Phong, Cao Phong.

Ra mắt mô hình “Phụ nữ chung tay chống rác thải nhựa” tại xã Phú Thành

(HBĐT) - Hội LHPN xã Phú Thành (Lạc Thủy) vừa thành lập và ra mắt mô hình"Phụ nữ chung tay chống rác thải nhựa”tại chi hội phụ nữ thôn Rị, xã Phú Thành.

Đường tỉnh 433 - Đà Bắc oằn mình “cõng” quặng

(HBĐT) - Lúc cao điểm, mỗi ngày có hàng chục lượt xe tải trọng lớn của Công ty TNHH Hoàng Nam chở quặng từ xóm Phổn (xã Tân Pheo) về xóm Sèo (xã Cao Sơn) để nghiền, tuyển rồi được vận chuyển đi tiêu thụ. Với mức độ và tần suất hoạt động liên tục của các xe tải trọng lớn trong nhiều tháng qua đã gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến tuyến đường 433, đoạn từ Tân Pheo về Cao Sơn.

Tuổi trẻ phường Hữu Nghị và tổ chức Keep It Beautiful Vietnam ra quân chiến dịch “Thả cá đừng thả túi nilon”

(HBĐT) - Ngày 27-28/1, Ban chấp hành Đoàn thanh niên phường Hữu Nghị phối hợp cùng tổ chức Keep It Beautiful Vietnam (KIBV) tổ chức ra quân chiến dịch "Thả cá đừng thả túi nilon”.

Bắc Cực đang ở thời kỳ nóng nhất trong 115 nghìn năm qua

Trong một nghiên cứu mới được công bố, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng Bắc Cực đang trải qua nhiệt độ nóng nhất trong 115 nghìn năm qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục